Kiểm soát chất lượng thực phẩm: Quá yếu vì thiếu tiêu chuẩn

Vì vậy, mặc nhiên công nhận hàng hoá hợp pháp của nước ngoài NK vào VN. Trong khi đó, nhiều sản phẩm của chúng ta xuất sang các nước lại bị vướng rào cản kỹ thuật trong thương mại.

Mới có 800 mặt hàng có tiêu chuẩn

Ông Lê Văn Giang - Trưởng phòng KHKT và tiêu chuẩn - Cục VSATTP (Bộ Y tế) - cho biết: Hiện ở VN mới có khoảng 800 mặt hàng thực phẩm được quy định tiêu chuẩn chất lượng - con số rất nhỏ bé so với hàng nghìn sản phẩm có mặt trên thị trường.

Điều này dẫn đến việc, khi một nhà sản xuất công bố sản phẩm của họ thì các cơ quan quản lý khá bị động trong việc chứng nhận sản phẩm đó có đạt tiêu chuẩn để được phép lưu thông trên thị trường hay không?

Đặc biệt, trong bối cảnh VN đã hội nhập với thế giới, nhiều sản phẩm hàng hoá được NK vào VN, thì chúng ta đang mặc nhiên công nhận tất cả các sản phẩm được cho là hợp pháp tại nước ngoài (do các sản phẩm có chứng nhận hợp chuẩn khi lưu thông trong nội địa nước họ).

Trong bối cảnh đó, từ đầu năm đến nay, nhiều lô hàng XK - chủ yếu là thuỷ sản đông lạnh (buộc phải thực hiện nghiêm túc các quy định về VSATTP) của VN xuất sang một số thị trường lớn - đã bị trả lại.

Điển hình là việc 94 lô hàng thuỷ sản XK của VN sang Nhật bị cảnh cáo có các loại chất kháng sinh, hoá chất cấm sử dụng; Nga cũng yêu cầu kiểm tra 24 DN VN XK cá tra, ba sa sang thị trường này.

TS Anne-Laure Nguyễn - luật sư quốc tế của Cty luật Baker&Mackenzie - cho biết: "Hiện nay vẫn còn khoảng cách giữa tiêu chuẩn chất lượng ở quy mô quốc gia của VN so với tiêu chuẩn chất lượng của các quốc gia khác và tiêu chuẩn quốc tế.

Do đó, khi sản phẩm VN tung ra quốc tế - đặc biệt là thị trường HK - thì vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng. Hàng hoá có thể bị trả về hoặc không được thị trường chấp nhận".

DN phải chịu trách nhiệm đến cùng

Để nâng cao chất lượng hàng hoá, đạt các tiêu chuẩn cho phép thì VN phải xây dựng được các tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời trang bị các phòng thí nghiệm, kiểm định để tự kiểm tra độ an toàn của hàng hoá trước khi xuất đi. Tuy nhiên, - ông Lương Văn Phan- PGĐ Trung tâm Tiêu chuẩn chất lượng (Tổng cục TCĐLCL)- lưu ý tự DN phải kiểm soát thật kỹ từ khâu nguyên liệu đưa vào chế biến.

Theo ông Lê Văn Giang Từ nay đến năm 2010, VN phải xây dựng các bộ tiêu chuẩn của riêng mình và chỉ chấp nhận hàng hoá được phép lưu thông của các nước mà VN có ký các hiệp định công nhận lẫn nhau. Bên cạnh đó, cần trang bị các thiết bị thử nghiệm đạt chuẩn để tiến hành thử nghiệm hàng hoá NK vào VN và XK đi các nước, để tránh những rủi ro đáng tiếc trong thương mại. Tuy nhiên, việc này không dễ thực hiện và cần rất nhiều chi phí.

Theo Hồng Quân ( Lao Động)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm