Làm sạch trái phiếu nhìn từ vụ Tân Hoàng Minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước khi diễn ra việc khởi tố nhiều nhân vật chủ chốt của THM, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã quyết định hủy chín đợt phát hành trái phiếu của nhóm công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý nhà nước hủy lô trái phiếu với tổng giá trị hàng chục ngàn tỉ đồng nhằm mục đích bảo vệ nhà đầu tư, tránh các rủi ro cho thị trường.

Phát pháo đầu tiên

Cụ thể, UBCKNN đã quyết định hủy bỏ chín đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ với tổng trị giá lên đến 10.030 tỉ đồng của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh gồm: Công ty TNHH Đầu tư bất động sản (BĐS) Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông, Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil.

Đây là các công ty chưa đại chúng và đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian từ tháng 7-2021 đến tháng 3-2022. Điều này đã vi phạm quy định tại Nghị định số 153/2020 do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Một dự án bất động sản của Tân Hoàng Minh tại Hà Nội. Ảnh: TUYẾN PHAN

Thua lỗ vẫn huy động được nhiều trái phiếu

Khi giám sát thị trường phát hiện nhiều doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu nhỏ nhưng vẫn phát hành số lượng lớn trái phiếu; có những công ty thua lỗ nhưng vẫn huy động được nhiều trái phiếu; có công ty phát hành trái phiếu nhưng không gắn với mục đích sử dụng vốn...

Trong dự thảo sửa đổi và bổ sung Nghị định 153/2020, chúng tôi cố gắng hoàn thiện khung khổ pháp lý để thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định và trở thành kênh huy động vốn quan trọng. Mặt khác, việc sửa đổi sẽ theo hướng giảm thiểu rủi ro về mặt thị trường và yêu cầu công ty phát hành phải công bố thông tin trung thực đến nhà đầu tư cũng như đảm bảo việc bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Hoàng DươngPhó Vụ trưởng Vụ Tài chính
các ngân hàng và tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính
 

Trước đó, trái phiếu của ba công ty này được quảng cáo sẽ trả lãi suất cho nhà đầu tư lên đến 12%/năm, tức cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng, mục đích huy động vốn thực hiện các dự án BĐS. Tuy nhiên, với quyết định của UBCKNN, các công ty thuộc Tân Hoàng Minh phải trả lại tiền cho các nhà đầu tư đã mua trái phiếu của họ.

Bình luận về sự kiện trên, chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải cho rằng đây là quyết định quan trọng để bảo vệ nhà đầu tư trong bối cảnh Nghị định 153/2020 đã có những quy định rất cụ thể cho việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng vẫn có tình trạng công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin… trên thị trường. “Cơ quan quản lý nhà nước chắc hẳn đã thấy nhiều hệ lụy với các phát hành trái phiếu như không công bố thông tin minh bạch, sử dụng tiền không đúng mục đích, khả năng trả nợ...” - ông Hải nói.

Vị chuyên gia này cũng cảnh báo rằng trong trường hợp có việc đổ vỡ trái phiếu doanh nghiệp thì không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến nhà đầu tư mua trái phiếu của công ty phát hành đó, mà còn liên quan đến tín dụng ngân hàng và các tổ chức tài chính khác, cũng như gây mất an toàn cho hệ thống tài chính.

Hành động ngay để giảm rủi ro

Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động nguồn vốn dài hạn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh là rất quan trọng, không chỉ tại thị trường Việt Nam mà còn trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc nhiều công ty nhất là lĩnh vực BĐS tăng tốc huy động vốn trên thị trường này mà không có tài sản đảm bảo cũng như dùng cổ phiếu để làm tài sản đảm bảo trả nợ đang có nguy cơ tạo ra rủi ro cho thị trường.

Công ty Chứng khoán SSI đánh giá: Riêng nhóm trái phiếu BĐS, số trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo một phần hay toàn bộ bằng cổ phiếu là 172.500 tỉ đồng, chiếm 54,2% lượng phát hành năm 2021. Con số thực tế có thể lớn hơn vì có tới 33.000 tỉ đồng, chiếm10% trái phiếu BĐS, phát hành không có thông tin về tài sản đảm bảo.

“Nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS ngày càng tăng do khó tiếp cận tín dụng ngân hàng hơn. Để hấp dẫn nhà đầu tư khi mà chất lượng tài sản đảm bảo không cao, nhóm này phải duy trì lãi suất phát hành tốt hơn các nhóm khác, trong đó một số công ty phát hành trái phiếu lãi suất cao lên đến 12%-13%/năm. Tuy vậy, rủi ro với trái phiếu BĐS đang tăng lên, bởi trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu” - các chuyên gia của SSI đánh giá.

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty cổ phần FiinGroup, với gần 1,2 tỉ triệu trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành thì có đến 36,8% trong tổng số này sẽ được đáo hạn trong hai năm 2022 và 2023. Riêng lĩnh vực BĐS sẽ có đến 65% trái phiếu đáo hạn trong giai đoạn 2022-2024.

“Do đó, chúng ta cần hành động từ bây giờ, nếu không sẽ có nhiều thiệt hại khó lường. Mọi thứ cần phải minh bạch để mọi người cùng hiểu và đưa ra cách xử lý phù hợp, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đã đầu tư trái phiếu” - ông Thân nói.

Tân Hoàng Minh có thể hoàn tiền cho nhà đầu tư

Trước khi lệnh khởi tố bắt giảm 7 người THM được thực hiện. Ngày 5-4, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã phát đi thông cáo báo chí về việc UBCKNN công bố hủy bỏ chín đợt phát hành trái phiếu của nhóm công ty thuộc tập đoàn này.

Theo đó, trường hợp một trong các đợt phát hành này phải hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, Tân Hoàng Minh sẽ làm việc với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan để hoàn trả toàn bộ số tiền đã huy động từ khách hàng theo đúng quy định pháp luật.

Dự kiến tiến trình xử lý hoàn tiền đến khách hàng sẽ được thực hiện như sau: Đối với các hợp đồng đến hạn thanh toán thì số tiền đầu tư của khách hàng sẽ được hoàn trả trong thời gian sớm nhất.

Đối với các hợp đồng chưa đến hạn thanh toán: Tập đoàn sẽ khẩn trương phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, làm việc với doanh nghiệp phát hành, ngân hàng quản lý tài sản để xử lý và hoàn lại cho khách hàng theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan chức năng trên tinh thần thiện chí và tuân thủ quy định của pháp luật. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm