Mở lối cho doanh nghiệp bất động sản

Ngày 11-4, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã có buổi làm việc với Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM. Nhiều thông tin cho biết sắp tới Chính phủ, NHNN sẽ tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là DN BĐS về chính sách, thuế, lãi suất…

Hàng ngàn dự án tê liệt

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HOREA), cho biết đặc thù của thị trường BĐS tại TP.HCM là DN phát triển dự án dựa hoàn toàn vào nguồn vốn ngân hàng và khách hàng. Thế nên khi Chính phủ thắt chặt tín dụng, DN gặp khó khăn ngay và khó khăn này kéo dài từ năm 2008 đến nay. Sản phẩm BĐS tồn đọng, tính thanh khoản không có. Phân khúc thị trường căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê loại A, B bất động, còn DN thì đình đốn, có DN phải trả lãi hàng tỉ đồng mỗi ngày.

Ông Vũ Anh Tâm, Phó Chủ tịch HOREA, cho biết thêm: “Thị trường BĐS “phẳng lặng” trên toàn bộ các phân khúc, chứ không riêng gì cao cấp. Lãi suất cao như cái thòng lọng thắt cổ DN, tất cả DN đều bị tổn thương. Hàng sản xuất ra với lãi suất cao như hiện nay thì rau cũng ứ đọng chứ nói gì BĐS. Còn riêng BĐS thì tất cả phân khúc đều “mắc cạn”, chủ đầu tư lún vào nợ nần, các nhà đầu tư ở thị trường bỏ chạy tán loạn, họ chấp nhận bán giảm giá 50%-60%”.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Lê Thành, cho hay công ty ông chuyên xây dựng nhà giá trung bình (bán khoảng 11 triệu đồng/m2) nhưng cũng đang gặp khó khăn trầm trọng. “Chuyên gia kinh tế nào cũng nói năm 2012 nhà ở bình dân lên ngôi. Tuy nhiên, tôi nói thật là công ty tôi cũng chết lâm sàng, đang thở oxy” - ông Nghĩa nói.

Trên thực tế, nguồn vốn đang ứ đọng ở hàng ngàn dự án. Thị trường bất động vì người mua nhà và chủ đầu tư đều bị lãi suất cao (20%-30%) chặn lại.

Mở lối cho doanh nghiệp bất động sản ảnh 1

DN BĐS kêu cứu với đoàn Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia về những bất hợp lý từ Nghị định 69. Ảnh: M.THẢO

Kích cầu BĐS?

Tiếp tục kêu cứu về Nghị định 69

Tại cuộc họp, hầu hết DN BĐS tiếp tục kêu cứu về những bất hợp lý từ Nghị định 69 (nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường). Lý lẽ DN đưa ra là nếu áp dụng nghị định trên DN phải đóng hai lần tiền. Một lần là giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng. Lần nữa là nộp tiền sử dụng đất dự án cho Nhà nước. Các DN kiến nghị Chính phủ cần bỏ nghị định này, nếu thu tiền sử dụng đất thì nên thu 10%-20% theo giá thị trường.

Đánh giá thái độ phản ánh gay gắt của các DN, PSG-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam, cho rằng rõ ràng đang có vấn đề trong vận hành nền kinh tế. BĐS là thị trường tài sản lớn nếu thị trường này gay go thì nền kinh tế đang gặp nguy hiểm. “Tôi thấy Nhà nước cần tập trung ưu tiên xử lý ngay đầu ra sản phẩm BĐS để DN có nguồn trả nợ. Nhưng câu hỏi đặt ra Nhà nước có đủ sức cứu thị trường BĐS không? Nếu làm không khéo thì với lượng tiền lớn bơm ra sẽ làm sụp đổ nền kinh tế. Tôi nghĩ chúng ta cần một lượng tiền có nghệ thuật kích thị trường nhưng lượng tiền này không được chảy vào đầu cơ” - ông nói.

Ông cũng cho biết câu chuyện về vốn, về lãi suất, phân khúc nhà nào Nhà nước nên dồn tiền cứu… đã được Chính phủ và các bộ, ngành bàn bạc và đã có chủ trương là sẽ cứu DN. “Tại thời điểm này, theo tôi nếu cứu BĐS thì làm nhanh vì DN là tài sản lớn nhất mà cải cách kinh tế mang lại cho Việt Nam” - ông Thiên nói thêm.

Kết luận tại buổi họp, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đánh giá thị trường BĐS hiện nay đóng băng, chủ yếu do hàng không tiêu thụ được. Về việc hỗ trợ mua nhà tái định cư, hỗ trợ lãi suất mua nhà cho người thu nhập thấp, Nhà nước đã có hướng chủ trương, giờ chỉ chờ triển khai. “Thị trường BĐS đang khó khăn nhất ở đầu ra. Chính phủ có chủ trương sẽ hỗ trợ phân khúc nhà thu nhập thấp để lan tỏa tâm lý chung cho thị trường” - ông Ngoạn thông tin.

Ông cũng cho biết sắp tới Nhà nước sẽ hỗ trợ về chi phí tài chính, giảm thuế... Những việc này tuy nhỏ nhưng sẽ giúp DN thoát khó khăn tạm thời, giúp DN có thể tồn tại. “Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị cho DN giãn nợ nhưng không phải đại trà mà sẽ phân loại DN nào, sản phẩm nào mới được, cũng như DN bán được hàng thì ngân hàng mới cho vay vốn” - ông Ngoạn khẳng định.

Mở lối cho doanh nghiệp bất động sản ảnh 2

BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm