Mobile Money sẽ là động lực cho kinh tế số

Theo tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG), đến hết năm 2019, chỉ có gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Trong số này, vẫn có tới 80% chi tiêu hàng ngày của người dùng được thực hiện bởi tiền mặt. Thống kê cũng cho thấy, 98% người dân Việt Nam sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền. Đây chính là những rào cản nếu Việt Nam muốn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số. 

Mobile Money phục vụ đến 90% các giao dịch nhỏ

Trước bất cập này, Bộ TT&TT cho rằng Mobile Money sẽ là giải pháp hữu hiệu để bổ sung vào phương tiện thanh toán cho người dân Việt Nam. Nếu cấp phép dịch vụ Mobile Money cho các công ty viễn thông thì vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử sẽ mau chóng đến 100% người dân. Điều này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hóa nông nghiệp, nhất là vùng xa, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy các công ty Fintech, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế. Tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%.

Theo tính toán của các nhà cung cấp dịch vụ lớn, Mobile Money có thể sẽ phục vụ đến 90% các giao dịch nhỏ. Đây chính là cơ hội để các công ty viễn thông có thể thúc đẩy khách hàng chuyển đổi số. Bởi vì, người dùng có thể dễ dàng mua các dịch vụ hàng hóa online cũng như dịch vụ nội dung số trong hệ sinh thái của công ty viễn thông. Ngược lại, đây cũng là động lực cho các công ty viễn thông chuyển đổi số. Điều này sẽ đem lại lợi ích lớn cho xã hội để tiến tới nền kinh tế số, xã hội số trong tương lai.

Bình luận về vấn đề này, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, dịch vụ Mobile Money sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và cho xã hội và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, dịch vụ Mobile Money cũng sẽ tác động đến các nhà cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán vì dịch vụ này sẽ chia sẻ thị trường, khách hàng và thuật toán kinh doanh. Tuy nhiên với xu hướng của công nghệ chúng ta cần cải thiện hơn nữa môi trường thanh toán để làm động lực cho sự phát triển.

"Nếu được cấp phép sớm, Mobile Money sẽ là sandbox đầu tiên của Chính phủ để tạo đột phá và tạo động lực mạnh mẽ cho các công nghệ mới, dịch vụ mới được đưa ra cho xã hội. Nếu chúng ta nhìn nhận những dịch vụ mới đem lại quyền lợi cho người dân và đất nước thì sẽ rất dễ dàng đưa những sandbox này  tạo động lực phát triển. Sandbox chính là bài toán cho lợi ích quốc gia và xã hội lên hàng đầu trong xu hướng kinh tế số đang phát trển mạnh mẽ. Chính sách có thừa nhận những cái mới, những thành phần mới tham gia vào thị trường hay không hay là vẫn giữ lãnh địa riêng cho những cái cũ. Sandbox sẽ tạo môi trường pháp lý đột phá, dám chấp nhận thay đổi, chấp nhận cái mới tạo nên sức sống mới của xã hội trong xu hướng chuyển đổi số" ông Vũ Hoàng Liên nói.

Mobile Money: cơ hội cho các công ty viễn thông

Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam nhấn mạnh rằng, cơ hội cho các công ty viễn thông đối với dịch vụ Mobile Money là rất rõ ràng khi họ đang có trong tay tập khách hàng bởi hầu hết người dân Việt Nam đều dùng di động. Các dịch vụ của công ty viễn thông cũng là nền tảng kết nối nhiều dịch vụ thiết yếu của xã hội nên sẽ mở ra cơ hội rất tốt cho dịch vụ Mobile Money phát triển. Ba đơn vị cung cấp dịch vụ lớn là Viettel, VNPT, và MobiFone cũng đã xin phép cung cấp dịch vụ này. Trong cuộc đua này công ty nào giải quyết được bài toán quản trị đem lại lợi ích cho khách hàng sẽ thắng thế.

Theo góc nhìn của ông Liên, Viettel đang nhỉnh hơn với các nhà cung cấp dịch vụ khác bởi tập khách hàng đông đảo và quản trị tốt. Tuy nhiên, các công ty viễn thông đều có thể tận dụng những thế mạnh của mình để thu hút khách hàng nên đây sẽ là thị trường nóng trong thời gian tới.

Hiện Chính phủ đã đồng ý cho thử nghiệm dịch vụ Mobile Money trong vòng 2 năm, nhưng các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chờ được cấp phép. Bình luận về độ trễ này, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT (nay là Bộ TT&TT) cho rằng, Mobile Money đã bị trễ khoảng 2 năm. Nếu dịch vụ này được cấp phép sớm sẽ đem lại nhiều lợi ích cho xã hội và nền kinh tế. Ông Trực cũng nhấn mạnh, Sandbox chính là hướng để Chính phủ mạnh tay cho thử nghiệm những dịch vụ công nghệ mới đem lại lợi ích cho người dân và đất nước.     

"Sandbox” là khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít doanh nghiệp, thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp để ngăn hậu quả của sự thất bại mà không ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính quốc gia. 

Thực hiện theo chỉ đạo của chính phủ, hiện Ngân hàng nhà nước đang xây dựng các khung khổ thử nghiệm (regulatory sandbox) cho các dịch vụ tài chính, ngân hàng trên nền tảng công nghệ thông tin trong đó có Mobile Money. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm