Đây là thông tin được ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tại Tọa đàm: “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay 4-9.
Theo ông Hoàng, trước cuộc đua tranh thu hút dòng vốn FDI quyết liệt giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt là Ấn Độ, thì không phải Việt Nam thụ động chờ dòng vốn đến mà đã nghiên cứu rất kỹ chiến lược thu hút FDI của các nước để từ đó có giải pháp nhằm tạo ra vị thế cạnh tranh cao hơn cũng như phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật PPP, mà 3 đạo luật này rất quan trọng trong hoạt động kinh tế đóng góp cải thiện môi trường đầu tư.
Mục tiêu chung của các đạo luật hướng đến là đơn giản hoá thủ tục, tăng cường phân cấp, thuận lợi hoá cho nhà đầu tư và đồng thời minh bạch từ các khâu chuẩn bị đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho đến tiếp cận thị trường.
Ngoài ra, trong Luật Đầu tư có thêm ưu đãi đầu tư đặc biệt, mà khi nghiên cứu các nước, phải nói là Việt Nam mang tính cạnh tranh cao hơn nhiều.
Chẳng hạn, nếu các nhà đầu tư hướng vào chất lượng công nghệ, hiệu quả môi trường, thực hiện các dự án công nghệ cao, hiện đại, tích hợp nhiều doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị thì càng được nhiều ưu đãi tích cực.
"Chúng tôi cùng các bộ ngành tham mưu các gói ưu đãi phù hợp với từng đối tượng, theo dạng đo may theo kích cỡ chứ không đưa ra một kiểu như hàng chợ”, ông Hoàng nói.
Ngoài ra, để giành ưu thế, Việt Nam đã thực hiện các bước đi bài bản, Chính phủ đã lập ra tổ công tác đặc biệt do một Phó Thủ tướng làm tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tổ phó thường trực, và lãnh đạo các bộ ngành làm thành viên.
Vừa qua tổ này phát huy hiệu quả rất tốt khi đã làm việc với rất nhiều tập đoàn công nghệ, các dự án lớn đến Việt Nam theo đúng định hướng đã đặt ra.
"Hiện chúng tôi chưa thể công bố tên tuổi những tập đoàn này vì họ yêu cầu giữ bí mật. Đây toàn là những tập đoàn lớn sẽ đầu tư vào Việt Nam các dự án từ 500 triệu USD đến 1 tỉ USD trong giai đoạn đến”, ông Hoàng cho biết.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20-8-2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Có một tín hiệu đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua.
Theo các chuyên gia, đây là dấu hiệu của làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả.
Tuy nhiên, để tận dụng được làn sóng đầu tư mới này, các chuyên gia cũng khuyến nghị, Việt Nam cần phải có cách làm khác trước đây. Đó là tiếp tục cải cách thể chế tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, chủ động và nhất quán về chính sách thu hút đầu tư, đồng thời chính các doanh nghiệp trong nước cũng phải chủ động hơn nữa.
Có như vậy Việt Nam mới tận dụng được cơ hội vàng để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư, biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu