Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó có nội dung yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa...
Ngày 1-4, ghi nhận tại các chợ Phạm Văn Hai, Bà Hoa, Nguyễn Văn Trỗi, Siêu thị Co.opmart, Siêu thị Lotte Mart... trên địa bàn TP.HCM cho thấy hoạt động bình thường, hàng hóa dồi dào.
Hơn 8 giờ 30 sáng, trong lòng chợ Phạm Văn Hai, tiểu thương các ngành hàng thực phẩm, rau, củ quả, thịt gia cầm, thịt gia súc, ngành hàng gia vị… đã bày biện hàng hóa đầy đủ. Tuy nhiên, lượng người dân đi mua sắm vẫn ít như ngày bình thường.
Theo bà Hiền, tiểu thương rau củ chợ Phạm Văn Hai, từ tết đến nay xảy ra dịch nhưng ngày nào cũng dọn ra chợ bán, sáng nay cũng vậy. Một số mặt hàng tiêu thụ tốt như bắp cải, bí hồ lô. Giá các loại rau củ tương đối ổn định, không biến động nhiều, chỉ riêng mặt hàng cà chua, khổ qua tăng giá 40.000 đồng/kg, bí xanh 30.000 đồng/kg.
"Trong thời gian tới, tôi vẫn đi bán bình thường" - bà Hiền chia sẻ.
Bà Hiền - tiểu thương chợ Phạm Văn Hai đang bán cho khách trong sáng 1-4.
Bà Phụng, chủ quầy gia cầm chợ Phạm Văn Hai, kể: “Hôm qua các mối hay lấy hàng cũng liên lạc hỏi tôi có nghỉ không. Tôi nói vẫn buôn bán bình thường vì mình nghe thời sự biết được Nhà nước yêu cầu người dân hạn chế ra đường, còn hoạt động kinh doanh ở chợ vẫn bình thường nên không lo lắng. Sáng nay tôi vẫn buôn bán như mọi khi” .
Theo bà Phụng, giá các mặt hàng thịt gà không biến động gì nhiều như filê gà 60.000 đồng/kg, ức gà 40.000 đồng/kg, thậm chí có mặt hàng giảm như thịt đùi chỉ 35.000 đồng/kg...
Bà Phụng đang đặt gà mái dầu phục vụ cho khách.
Khách hàng mua thủy hải sản tại chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3 trong sáng 1-4.
Quầy tạp hóa mở cửa buôn bán tại chợ Nguyễn Văn Trỗi sáng 1-4.
Tiểu thương quầy thịt heo chợ Bà Hoa tranh thủ sơ chế chờ khách đến mua.
Tiểu thương bán trứng gia cầm các loại vẫn đang chờ khách.
Trong khi đó, tại các siêu thị hàng hóa vẫn đầy ắp kệ, lưa thưa khách đi mua sắm. Đại diện Saigon Co.op cho biết hệ thống đã dự trữ lượng hàng rất dồi dào, người dân có thể dùng từ ba đến sáu tháng cũng không hết. Bà con có thể yên tâm, không cần tích trữ hàng hóa.
Đồng thời, để tiện cho việc hạn chế ra ngoài của người dân, ngoài tăng nhân viên phục vụ kênh mua sắm qua điện thoại, Saigon Co.op cũng tiếp nhận đơn hàng qua Zalo, Viber, phát phiếu mua hàng đến tận nhà cho người dân. Người dân chỉ cần liên hệ với siêu thị thông qua kênh này hàng hóa sẽ được ship về tận nhà…
Cửa hàng tiện lợi Satrafoods thông báo hoạt động bình thường.
Người dân đang chờ tính tiền khi mua sắm tại cửa hàng Satrafoods Trần Mai Ninh trong sáng 1-4.
Khu vực quầy thực phẩm tại Siêu thị Co.opmart Âu Cơ sáng 1-4.
Người tiêu dùng đang chọn mua dầu ăn tại Co.opmart Âu Cơ.
Hệ thống bán lẻ Saigon Co.op vừa triển khai đánh dấu khoảng cách xếp hàng là 2 m theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Đại diện Lotte Mart cho biết nguồn hàng dự trữ được tăng từ hai đến ba lần và siêu thị làm việc sát sao với toàn bộ nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung luôn dồi dào. Đảm bảo đủ cung ứng ngay cả khi nhu cầu của thị trường tăng cao.
Người tiêu dùng mua sắm tại Lotte Mart quận Tân Bình sáng 1-4.
Khu vực thực phẩm đầy ắp các loại rau củ.
Nhân viên siêu thị đang chọn hàng hóa cho đơn hàng online.
Bên cạnh đó, người dân có tinh thần tuân thủ thông báo hạn chế ra đường của Chính phủ, tăng cường mua sắm online. Số lượng đơn hàng trực tuyến của siêu thị tăng mạnh 150%-200%. Các mặt hàng chủ yếu vẫn là sản phẩm chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, xà phòng sát khuẩn, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu hằng ngày.