Người mua ô tô chờ giờ G giảm lệ phí trước bạ

Thông tin Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước, áp dụng từ ngày 15-11 đến hết 15-5-2022 đã giúp thị trường ô tô rục rịch khởi động lại sau thời gian dài trầm lắng vì dịch bệnh COVID-19.

Người mua chờ giảm lệ phí trước bạ

Nhiều người mua xe đang có tâm lý chờ đợi giờ G được giảm lệ phí trước bạ. Bởi hiện nay mức lệ phí trước bạ với ô tô tại TP.HCM là 10%; Hà Nội, Hải Phòng là 12%... Như vậy, nếu Chính phủ đồng ý với đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ của Bộ Tài chính thì người mua xe có thể tiết kiệm được từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi xe.

Bộ Tài chính đánh giá việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất,
lắp ráp trong nước sẽ kích thích tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm và sở hữu tài sản. Ảnh: QUANG HUY

Ông Chiêu Hoàng (TP Thủ Đức, TP.HCM) dự tính mua xe từ đầu năm nay nhưng do đợt dịch lần thứ tư bùng phát và thời điểm đó hết được giảm 50% lệ phí trước bạ nên ông không mặn mà. Nay TP.HCM nới lỏng giãn cách giúp đi lại thuận lợi, cộng với thông tin đề xuất tiếp tục giảm lệ phí trước bạ nên ông chuẩn bị mua xe. Do đi lại thường xuyên cũng như đi công tác các tỉnh, thành nhiều nên ông Hoàng quyết định chọn dòng xe bán tải.

“Xe Ford Ranger đã chuyển sang lắp ráp trong nước nên thuộc nhóm dự kiến sẽ được giảm 50% lệ phí trước bạ. Hiện dòng xe này có giá bán dao động 620-950 triệu đồng tùy phiên bản. Mình chọn mua phiên bản giá khoảng 950 triệu đồng, như vậy thay vì phải đóng lệ phí trước bạ hiện nay gần 100 triệu đồng thì khi được giảm 50% lệ phí trước bạ, mua xe tiết kiệm được gần 50 triệu đồng” - ông Hoàng tính toán.

Những khách hàng của xe sang cũng được hưởng lợi nếu Chính phủ đồng ý áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ. Ông Đức Dũng, chủ đại lý kinh doanh ô tô tại TP.HCM, cho biết nhiều khách hàng đã hỏi thông tin về các dòng xe của Mercedes được lắp ráp trong nước. Dù hiện có rất nhiều chương trình khuyến mãi nhưng tâm lý chung của khách hàng là chờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ được áp dụng mới mua xe.

Theo ông Dũng, với dòng xe sang này, nếu được giảm 50% lệ phí trước bạ, người mua tiết kiệm được 70-300 triệu đồng mỗi xe. Đơn cử như mẫu xe S 450L Luxury 4,969 tỉ đồng, người mua xe ở Hà Nội phải đóng 12% lệ phí trước bạ, tương đương gần 600 triệu đồng. Nhưng nếu được giảm 50% lệ phí trước bạ thì khách hàng giảm được gần 300 triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ.

Nhiều hãng ô tô cũng mong chủ trương giảm lệ phí trước bạ được Chính phủ sớm thông qua. “Chính sách này đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản và tăng thu cho ngân sách, góp phần thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra” - đại diện một hãng xe nêu quan điểm.

Vẫn cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt

Bộ Tài chính lý giải việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sẽ kích thích tiêu dùng trong nước, góp phần giảm bớt khó khăn cho các công ty sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Đối với ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính tính toán, giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước sẽ khiến giảm số thu lệ phí trước bạ. Tuy nhiên, về tổng thể, tổng số thu ngân sách từ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng sẽ tăng lên do lượng xe tiêu thụ tăng mạnh.

“Chẳng hạn năm 2020, Chính phủ cũng ban hành chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô chỉ trong sáu tháng cuối năm, số thu lệ phí trước bạ giảm 7.314 tỉ đồng nhưng tổng số thu vào ngân sách tăng tới 14.110 tỉ đồng” - Bộ Tài chính dẫn chứng.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cũng đồng tình với phương án đề xuất tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ của Bộ Tài chính. Bởi chủ trương này không chỉ kích cầu tiêu dùng, giúp thị trường khởi sắc mà tỉ lệ thuận với số ô tô bán ra thì tổng thu ngân sách nhà nước sẽ tăng theo.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng để có thể cạnh tranh với các hãng ô tô nước ngoài thì ngành ô tô Việt Nam vẫn phải tự lực, giảm giá thành, đổi mới công nghệ, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa. “Giảm lệ phí trước bạ chỉ là một phần, quan trọng là xe sản xuất, lắp ráp trong nước phải vươn lên mạnh mẽ thì mới có thể chinh phục được người tiêu dùng” - ông Thịnh nói.

Còn theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, việc áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ tác động tích cực đến thị trường. Tuy nhiên, về lâu dài, đây không phải là phương án hỗ trợ căn cơ để ngành ô tô trong nước phát triển bền vững. Bởi ở các nước trong khu vực có ngành công nghiệp ô tô phát triển như Thái Lan và Indonesia, thuế tiêu thụ đặc biệt rất thấp. Trong khi đó tại Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt lại đang ở mức cao.

“Vì vậy, để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, cần xem xét giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí, từ đó kéo giảm giá bán ô tô tại Việt Nam. Khi giá bán ô tô hợp lý thì mới kích cầu thị trường phát triển lớn hơn, giúp ngành công nghiệp ô tô trong nước tăng công suất sản xuất xe và giảm được giá thành” - ông Đồng nói.•

Đồng thuận miễn lệ phí trước bạ ô tô điện

Bộ Tài chính vừa công bố báo cáo tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự án sửa đổi, bổ sung Nghị định 140 về lệ phí trước bạ. Theo đó, Bộ GTVT, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT... đồng tình với đề xuất không thu lệ phí trước bạ với ô tô điện chạy pin.

Lý do là ô tô điện ở Việt Nam đang trong giai đoạn đầu, chưa phát triển mạnh nên cần khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và người dân dùng loại xe này để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Xe nhập khẩu kiến nghị được giảm 50% lệ phí trước bạ

Mới đây, đại diện của 11 nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam (VIVA) đã có bản kiến nghị gửi lên Chính phủ đề xuất giảm lệ phí trước bạ cho cả xe nhập khẩu. Văn bản kiến nghị nêu rõ: Nếu chỉ ưu đãi giảm lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước là thiếu công bằng.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho rằng tại Việt Nam, các hãng sản xuất, lắp ráp ô tô lớn của nhiều quốc gia trên thế giới hầu hết đều đã có các nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, thậm chí các nhà máy lắp ráp này có công suất khá lớn. Đồng thời, các chính sách ưu đãi nội địa khuyến khích cho hoạt động sản xuất, lắp ráp của Việt Nam cũng sẽ có lợi cho các hãng xe lớn trên thế giới.

Do đó, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước không chỉ mang lại tác động tích cực cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa, mà còn có lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đã có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm