Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đổ tiền vào Việt Nam

Đã có những dòng vốn đầu tư mới đổ vào Việt Nam ngay sau khi dịch COVID-19 được dần kiểm soát, kinh tế mở cửa trở lại. Bởi trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, dịch bệnh chỉ làm gián đoạn tạm thời hoạt động kinh doanh và Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Nhiều gương mặt mới vào Việt Nam

Chỉ sau hai tuần khi TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội vào đầu tháng 10, một tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu trên thế giới đã chính thức tham gia đầu tư vào Việt Nam. Đó là Tập đoàn EDF Renewables của Pháp. 

Ông lớn năng lượng này đã công bố quyết định đầu tư vào Công ty SkyX Energy, nhà cung cấp giải pháp điện mặt trời áp mái chuyên phân khúc công nghiệp và thương mại, công ty thành viên của Tập đoàn VinaCapital. Đây cũng là đơn vị chủ quản của nhà phát triển điện mặt trời áp mái SkyX Solar.

Dù giá trị thương vụ đầu tư chưa được tiết lộ cụ thể nhưng SkyX Solar tuyên bố trong vòng 2-3 năm tới, dự kiến sẽ đầu tư ít nhất 100 triệu USD. Mục tiêu nhằm phát triển thêm 200 MWp điện mặt trời áp mái phục vụ khách hàng thương mại và công nghiệp tại Việt Nam.

Ông Yalim Ozilhan, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của EDF Renewables, nhận định: Năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam. Với thế mạnh về giải pháp điện mặt trời áp mái trên toàn cầu, EDF rất quan tâm và mong muốn đầu tư mở rộng phạm vi hoạt động của mình tại thị trường này.

Không chỉ ông lớn năng lượng Pháp, Hayat - một trong những gã khổng lồ trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh của Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa chính thức công bố đầu tư vào Việt Nam. Đây là nhà sản xuất tã trẻ em lớn thứ năm trên thế giới với hơn 40 công ty thành viên và hơn 17.000 nhân viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên toàn cầu.

Trước đó, để chuẩn bị cho quyết định đầu tư vào nước ta, ông lớn này nghiên cứu thị trường nhiều năm và đầu tư khoảng 250 triệu USD. Nhà máy của tập đoàn này tọa lạc tại Khu công nghiệp Becamex Bình Phước.

Đáng chú ý, công ty đặt mục tiêu sở hữu 30% thị phần ngành hàng tã trẻ em tại Việt Nam vào năm 2025. Ngoài đầu tư sản xuất tã giấy cho em bé, ông lớn này còn có kế hoạch đầu tư vào nhà máy khăn giấy và nhà máy sản xuất chất tẩy rửa. Chia sẻ với báo chí, ông Cetin Murat, Tổng giám đốc Hayat Việt Nam, nói: “Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư và hỗ trợ chúng tôi mở rộng thị trường tại khu vực ASEAN”.

Bất chấp các tác động của dịch bệnh, Việt Nam đang là cứ điểm sản xuất điện thoại, máy tính… trên toàn cầu của Samsung. Ảnh: PM 

Những dấu hiệu khả quan

Sau khi phân tích các số liệu trong chín tháng đầu năm nay, Ngân hàng Thế giới (World Bank)đánh giá các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

Trong giai đoạn khó khăn, giãn cách nghiêm ngặt có thể có một số công ty đầu tư nước ngoài rút khỏi hay chuyển đơn hàng sang nước khác. Đây là kịch bản không quá khó lường vì đầu tư trong thời kỳ đại dịch hoành hành là một thách thức lớn đối với các nhà đầu tư trên toàn cầu.

Thế nhưng, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn. Lý do là nước ta có vị trí chiến lược đối với lĩnh vực xuất khẩu với hiệu suất cao cùng bệ đỡ lao động có kỹ năng, nhân lực được đào tạo tốt, đặc biệt là sở hữu nhiều hiệp định thương mại tự do. 

Chúng ta đã nhìn thấy trong chuyến công tác tới Mỹ mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến các lễ ký kết, trao đổi hợp tác giữa các tập đoàn đa quốc gia với các công ty trong nước nhằm triển khai các dự án đầu tư vào Việt Nam. Đáng chú ý, có thỏa thuận hợp tác triển khai chuỗi dự án lênđến trên 20 tỉ USD.

Rõ ràng đã có sựchuyển dịch lớn với các nguồn lực khổng lồ muốn đổ vào Việt Nam! Ngoài ra, có một sự lạc quan khác là các nhà đầu tư Mỹ đang rất quan tâm đến lĩnh vực y tế và trang thiết bị y tế tại Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế và dư địa rất lớn trong lĩnh vực này.

TS Võ Trí Thành

Không bỏ đi mà mở rộng đầu tư

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác như Nestlé, Tetra Pak, LG… cũng vừa công bố các khoản đầu tư mở rộng mới tại thị trường Việt Nam.

Cụ thể, hãng Nestlé đã công bố khoản đầu tư 132 triệu USD trong hai năm tới để xây dựng nhà máy mới tại tỉnh Đồng Nai. Ông Binu Jaco, Giám đốc điều hành Nestlé, cho biết: Nhà máy này phục vụ sản xuất các sản phẩm mới cho thị trường châu Á - Thái Bình Dương và sẽ trở thành nhà máy sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Điều này cũng khẳng định Việt Nam có vai trò quan trọng với Nestlé.

Công ty Thụy Điển Tetra Pak cũng công bố khoản đầu tư 5 triệu euro để mở rộng quy mô sản xuất cho nhà máy đóng gói tại Bình Dương. Còn hãng LG cho biết sẽ đầu tư thêm 1,4 tỉ USD vào cơ sở sản xuất tại Hải Phòng trong năm nay, nâng tổng vốn đầu tư lên 4,65 tỉ USD.

Hãng Nestlé vừa công bố đầu tư thêm 132 triệu USD để xây dựng nhà máy chế biến các dòng cà phê mới tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: PM 

Thực tế, dù có thời điểm đối diện với chuỗi cung ứng gián đoạn, sản xuất khó khăn nhưng các nhà đầu tư lớn vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, nhìn nhận trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư, các nhà máy bị tác động do dịch bệnh nhưng tập đoàn vẫn đạt các mục tiêu xuất khẩu đề ra. Các dây chuyền sản xuất, nhà máy của tập đoàn chưa từng dừng hoạt động và vận hành đúng theo các lộ trình đã được định sẵn.

“Dịch bệnh đã gây nhiều ảnh hưởng trong thời gian qua nhưng chúng tôi không thay đổi chiến lược đầu tư tại Việt Nam” - ông Choi Joo Ho khẳng định. Hiện hơn phân nửa năng lực sản xuất điện thoại của Samsung do Việt Nam đảm nhiệm. Tính đến nay, ông lớn này đã đầu tư gần 18 tỉ USD vào Việt Nam.

Đừng làm chuỗi cung ứng gián đoạn

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam, cho hay hiện có 400-500 công ty Đức hoạt động tại Việt Nam.  Các công ty Đức khi tìm đến một điểm đầu tư luôn đặt yếu tố có chuỗi cung ứng liền mạch, cũng như đầu tư phải bền vững và lâu dài. Điều này cho thấy Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Tuy nhiên, ông Marko Walde cho rằng dịch COVID-19 tại Việt Nam đang tạo nhiều thách thức cho các công ty nước ngoài. Trong bối cảnh đó, họ có thể sẽ tìm các địa điểm khác. Do đó, để giữ chân các nhà đầu tư, chính quyền Việt Nam phải tìm biện pháp hỗ trợ để mọi nhà đầu tư vẫn đảm bảo hiệu quả sản xuất nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh. Ngoài ra, Việt Nam cần phải làm sao để chuỗi cung ứng không bị gián đoạn.

Các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng quy mô dự án

Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 21-10, trả lời câu hỏi của PV về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh chuyển trạng thái hiện nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Chính phủ Việt Nam cũng luôn lắng nghe, chia sẻ và tạo mọi điều kiện hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài; tháo gỡ các khó khăn, tạo lập môi trường bình thường mới, khôi phục sớm nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phương châm không làm gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng; bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt trên toàn quốc, yêu cầu địa phương không ban hành thêm và bãi bỏ các quy định không phù hợp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết tính đến ngày 20-9-2021, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 22,15 tỉ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có tới 1.200 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 12,5 tỉ USD.

Tuy số lượng dự án giảm 3,78%, song tổng vốn đăng ký lại tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. “Kết quả này đã khẳng định sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư và đã gia tăng quy mô dự án tại Việt Nam” - bà Hằng nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.