Công ty cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021 (PROFIT500).
Theo đó, Samsung chiếm vị trí hàng đầu về kiếm lãi tốt nhất, và cũng là doanh nghiệp FDI duy nhất nằm trong Top 5. Bốn vị trí còn lại lần lượt là Viettel, Vietcombank, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Vietinbank.
Vietnam Report cho biết, đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện từ năm 2020 đã gây ra không ít khó khăn đến tình hình sản xuất kinh doanh tại thị trường trong nước cũng như cản trở hoạt động xuất nhập khẩu tới các quốc gia khác.
Số liệu thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500 năm 2021 đối với 339 doanh nghiệp niêm yết cho thấy có đến 53,1% doanh nghiệp vẫn giữ vững được đà tăng trưởng lợi nhuận trong suốt giai đoạn 2019 - 2020 và 6 tháng đầu năm 2021.
Bên cạnh đó, 24,4% doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2021.
Đây là dấu hiệu tích cực cho biết các doanh nghiệp niêm yết trong PROFIT500 đã dần thích ứng với sự thay đổi của các điều kiện kinh doanh sau khi đại dịch xuất hiện.
Phân tích từ dữ liệu thống kê trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kép về lợi nhuận (CAGR) trung bình của tất cả các doanh nghiệp trong PROFIT500 là 10,12%.
Trong đó, Top 7 ngành đạt chỉ số CAGR cao nhất và có đóng góp lớn cho sự tăng trưởng chung là: Ngành Thép (34,5%); bán lẻ (17,5%); tài chính (17,3%); nông nghiệp (16,0%); thực phẩm - đồ uống (11,9%); hóa chất (11,7%) và bất động sản - xây dựng (10,8%).
Đây cũng được xem là những ngành có tiềm năng tăng trưởng và góp phần tích cực cho đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Nếu xét về Top 10 doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam trong năm 2021 thì Techcombank đang dẫn đầu bảng, kế đến là Hoà Phát và thứ 3 là Vingroup.
Một điều đáng lưu ý có đến 6 ngân hàng xuất hiện trong bảng xếp hạng này. Điều này cho thấy lợi nhuận ngân hàng đã có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua. Đơn cử cuối tháng 7-2021, nhiều ngân hàng như: Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VPBank, MBBank, HDBank, VIB... đều công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng mạnh, thậm chí có ngân hàng tăng gấp 3 - 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải cho điều này, các chuyên gia kinh tế cho biết nhiều tổ chức tín dụng hiện nay đã nâng cao được sức khỏe tài chính thông qua tăng vốn điều lệ, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II.
Song song với đó, nhiều ngân hàng đã tiết giảm chi phí hoạt động thông qua ngân hàng số và thanh toán điện tử. Với việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, lượng tiền mặt trong lưu thông chủ yếu luân chuyển giữa các tài khoản tại ngân hàng giúp gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp. Nhờ đó, các tổ chức tín dụng có điều kiện tiết giảm chi phí huy động vốn đầu vào.
Nhìn chung, ngân hàng hoạt động tốt trong giai đoạn này là một tín hiệu tích cực. Lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế khi xảy ra khủng hoảng, sức khỏe ngành tài chính ngân hàng vẫn được giữ vững, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và có những đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.
(PLO)- Các nhà đầu tư vui mừng trước sự kiện Thái tử Samsung được ra tù trước thời hạn.