Nông nghiệp Việt cần sẵn sàng kịch bản cho 3 cuộc khủng hoảng

Sáng nay, 24-12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm "Nhìn lại một năm vượt khó của ngành nông nghiệp trước đại dịch COVID-19" do Báo Nông thôn ngày nay phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức.

Bất chấp khó khăn, nông sản xuất khẩu vẫn đạt 41,25 tỷ USD

Nhìn lại một năm vượt khó của ngành nông nghiệp trong năm 2020, PGS.TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá năm 2020 ngành nông nghiệp phải đối mặt cùng lúc nhiều rủi ro khác nhau, từ dịch COVID-19 đến các hệ quả của biến đổi khí hậu.

"Dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến vấn đề lưu thông hàng hóa, việc xuất khẩu các mặt hàng tươi sống chịu ảnh hưởng nặng nề nhất" - ông Đào Thế Anh đánh giá.

Năm 2020, dù có nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu của nông lâm thủy sản Việt Nam vẫn duy trì và đạt 41,25 tỷ USD. Ảnh: AH

Đồng ý kiến, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, cho biết trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi sụt giảm đáng kể. Đặc biệt, giá sản phẩm chăn nuôi và trứng gia cầm luôn ở mức thấp, nhiều bà con nông dân rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần.

Tuy nhiên, ý kiến của các chuyên gia đều đánh giá Chính phủ đã có những giải pháp ngăn chặn dịch bệnh rất tốt nên thời gian phải giãn cách xã hội diễn ra ngắn so với thế giới. Sau giai đoạn khó khăn, nửa cuối năm 2020, thị trường lương thực thực phẩm có giá rất tốt.

"Ngành gạo nửa cuối năm đã tận dụng được cơ hội gạo tăng giá và xu hướng này có thể tiếp tục trong năm 2021. Rau quả bị chậm trong giai đoạn đầu năm nhưng các hợp tác xã nhanh nhạy tự điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhanh chóng bắt kịp tình hình mới " - ông Đào Thế Anh nói.

Hoặc như trong lĩnh vực chăn nuôi, dù tổng kim ngạch xuất khẩu chăn nuôi giảm hơn 40% nhưng cơ cấu mặt hàng xuất khẩu lại có nhiều thay đổi, điển hình là xuất khẩu mật ong tăng chóng mặt với gần 58,2 triệu USD.

Ngành cao su những năm trước sụt giảm đáng kể, thậm chí nhiều công ty trước bờ vực giải thể thì năm nay cũng tăng trưởng vượt trội nhờ cung cấp nguyên vật liệu cho các công ty để sản xuất găng tay y tế.

Các hợp tác xã cũng rất nhanh nhạy trong việc tự điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu, tỉ lệ hợp đồng xuất khẩu chất lượng cao theo tiêu chuẩn tăng lên...

Nhờ những yếu tố thuận lợi đó nên năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của nông lâm thủy sản Việt Nam vẫn duy trì và đạt 41,25 tỷ USD. Đây là con số đầy ấn tượng trong một năm đầy khó khăn thách thức của ngành nông nghiệp.

Theo đánh giá của Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO), trong khi cả thế giới bị khủng hoảng, chuỗi cung ứng bị vỡ vụn thì Việt Nam vẫn duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản thiết yếu ra thế giới, nhất là đến Châu Phi, Trung Quốc, Philippines và các nước nghèo.

Qua đó, thế giới nhìn vào Việt Nam với con mắt hết sức ngưỡng mộ, không chỉ vì thành tích xóa đói giảm nghèo mà còn đảm bảo an ninh chính trị, an ninh lương thực và hòa bình thế giới.

Ông Hoàng Văn Tú, Đại diện FAO tại Việt Nam cho rằng nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và có những điểm sáng trong kinh tế nông nghiệp, thế giới biết đến Việt Nam rất nhiều. Ảnh: NTNN

"Năm 2020 tưởng là khó khăn tràn ngập, nhưng tôi cho rằng chính năm nay lại thể hiện những yếu tố thiên thời địa lợi nhân hoà, thế giới biết đến Việt Nam rất nhiều" - ông Hoàng Văn Tú, Đại diện FAO tại Việt Nam nêu ý kiến.

Chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó với ba cuộc khủng hoảng

Nhận định về năm 2021, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cho rằng cần phải có sẵn kịch bản để ứng phó với ba cuộc khủng hoảng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đó là cuộc khủng hoảng về thiên tai, dịch bệnh và thị trường.

"Tôi lấy ví dụ, khủng hoảng dịch tả heo châu Phi xảy ra năm 2019 gây thiệt hại rất lớn cho các hộ chăn nuôi và lây lan trên diện rộng, vì ban đầu chúng ta không chủ động xây dựng kịch bản, dẫn đến lúng túng điều hành sản xuất. Do đó tới đây chúng ta phải chuẩn bị sẵn những kịch bản, hay như đối với các hàng rào kỹ thuật của các nước, chúng ta phải tìm hiểu kỹ những hàng rào đó là gì, giải pháp gì để đáp ứng" - ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cho rằng cần phải có sẵn kịch bản để ứng phó với ba cuộc khủng hoảng thiên tai, dịch bệnh, thị trường trong năm 2021. Ảnh: NTNN

PGS.TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam lại cho rằng chúng ta mở cửa thị trường thì dễ nhưng để đưa được hàng vào thì không đơn giản do năng lực của các hộ nông dân, hợp tác xã còn yếu.

Vì thế, chúng ta cần tăng cường năng lực cho các hộ, hợp tác xã thông qua các lớp đào tạo, tập huấn; rồi ứng dụng công nghệ thông tin vào trong sản xuất, kinh doanh. Trong năm tới, cần thúc đẩy nâng cao năng lực của các hộ nông dân, hợp tác xã để họ tham gia vào chuỗi giá trị.

Cùng với đó, cần có những thay đổi về chính sách để các hợp tác xã có thể tiếp cận vốn, đất đai… Hiện nay, hợp tác xã muốn đầu tư xây dựng nhà sơ chế, kho bãi nhưng không có đất, hay đất chăn nuôi cũng rất khó khăn...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm