Chuyên gia phụ trách kiểm dịch thực vật trái cây xuất khẩu sang Mỹ đã đến Việt Nam (VN), hoàn thành thời gian cách ly y tế và bắt đầu làm việc trở lại. Điều này giúp khai thông hoạt động xuất khẩu trái cây vào thị trường Mỹ sau thời gian bị hạn chế do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT vừa cho biết như trên.
Người Mỹ thích trái cây tươi VN
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thông tin thêm trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở VN cũng như trên toàn thế giới, chuyên gia Mỹ phải trở về nước vào tháng 3-2020, đồng nghĩa với việc có thể phải tạm dừng xuất khẩu trái cây tươi của VN sang Mỹ. Tuy nhiên, để tránh làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng đại diện Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) tại Hà Nội để đề nghị Đại sứ quán Mỹ tạm thời cử cán bộ kiêm nhiệm công tác giám sát xử lý chiếu xạ.
Kết quả xuất khẩu trái cây sang Mỹ từ đầu năm đến nay đạt gần 6.000 tấn, không giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2019. Kỳ vọng từ nay đến cuối năm, xuất khẩu trái cây sang Mỹ có thể tăng cả về lượng và giá trị khi chuyên gia APHIS bắt đầu trở lại làm việc.
Đặc biệt dự kiến cuối năm nay, quả bưởi VN sẽ được phía Mỹ cấp phép nhập khẩu. Khi đó, bưởi sẽ là loại quả tươi thứ bảy của VN được xuất khẩu sang Mỹ, sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa và xoài.
“Để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng trái cây sang Mỹ, ngoài trung tâm chiếu xạ Sơn Sơn ở TP.HCM thì thời gian tới sẽ có thêm trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội. Như vậy nhiều loại trái cây phía Bắc sẽ tiết kiệm chi phí vận chuyển, thời gian, xuất khẩu thuận lợi sang thị trường Mỹ” - ông Trung chia sẻ.
Chuyên gia Timothy Westbrook, đại diện APHIS, đánh giá trái cây VN bán tại siêu thị rất được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng. Trái cây tươi nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ, tăng sức đề kháng nên trong bối cảnh dịch COVID-19 càng được tiêu thụ nhiều hơn.
Mỹ hiện là đối tác thương mại nông sản vô cùng quan trọng của VN. Đối với xuất khẩu trái cây tươi, hai bên đang áp dụng chương trình kiểm tra trước xuất khẩu từ năm 2008. Cho tới nay, trong khuôn khổ của chương trình đã có sáu loại trái cây của VN được Mỹ cho phép nhập khẩu, đạt kim ngạch khoảng 20 triệu USD/năm.
“Dù đưa chuyên gia ra nước ngoài rất khó khăn trong lúc dịch bệnh nhưng khi nhận được đề nghị từ phía VN, phía Bộ Nông nghiệp Mỹ, Đại sứ quán Mỹ đã cố gắng hết sức để cử chuyên gia sang VN” - ông Timothy Westbrook cho biết thêm.
Chuyên gia Mỹ đang kiểm tra trái cây VN trước khi bán sang Mỹ. Ảnh: QUANG HUY
Vùng trồng phải định vị trên Google Maps
Hiện nay việc xuất khẩu nông sản, trái cây sang Mỹ được kiểm soát chặt chẽ. Ví dụ mỗi lô hàng trái thanh long sẽ được chuyên gia Mỹ lấy ngẫu nhiên 100 trái để kiểm tra mẫu. Chuyên gia Mỹ sẽ kiểm tra, soi kính lúp từng trái một, thậm chí cắt từng trái thành nhiều lát để kiểm tra, sau đó lô hàng mới đưa vào chiếu xạ và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group, thừa nhận để các loại nông sản, nhất là trái cây tươi xuất sang Mỹ không hề dễ dàng. Mỹ kiểm soát chặt chẽ trái cây tươi nhập khẩu về dư lượng thuốc trừ sâu, các tác nhân gây bệnh, vi khuẩn. Nếu lô hàng bị phát hiện có chứa chất bảo quản không cho phép, nhiễm nấm bệnh sẽ bị kiểm tra toàn bộ lô hàng, bị trả lại.
Bên cạnh đó, trước khi trái cây xuất khẩu đến Mỹ phải qua chiếu xạ tại VN nhằm loại bỏ các côn trùng gây hại. Tại các nhà máy chiếu xạ luôn có một chuyên gia người Mỹ có nhiệm vụ kiểm tra mẫu trái cây bằng mắt thường trước khi đưa vào chiếu xạ. Nếu chuyên gia phát hiện trái cây dính đất hoặc phát hiện có sâu bọ là hủy ngay lô hàng của doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, mình làm đạt các tiêu chuẩn của Mỹ thì việc thông quan hàng hóa rất nhanh chóng. Việc Mỹ cử chuyên gia sang VN sẽ giúp cho xuất khẩu mặt hàng này tiếp tục tăng tốc trong năm nay vì nhu cầu tiêu thụ của thị trường này đang rất ổn định” - ông Tùng chia sẻ.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, muốn xuất khẩu trái cây sang Mỹ phải đáp ứng được ba tiêu chuẩn chính gồm: Vùng trồng đạt tiêu chuẩn và được phía Mỹ ủy quyền cho Bộ NN&PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng; nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Mỹ cấp mã số; và sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.
Trong đó, để đáp ứng và được cấp mã số vùng trồng, vùng trồng phải có diện tích tối thiểu 10 ha. Thứ hai, vùng trồng phải được định vị trên Google Maps, có danh sách hộ nông dân tham gia, diện tích, giống và phải có xác nhận của chính quyền địa phương. Thứ ba, các hộ dân được cấp mã số và phải thực hiện ghi chép nhật ký.
Ngoài ra, ông Trung cho biết một số loại trái cây phải thực hiện bao trái trước thu hoạch để tránh ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, không được sử dụng năm loại hoạt chất hóa học phía Mỹ cấm trong quá trình sản xuất.
“Đáng mừng là tất cả doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Mỹ đều thực hiện rất tốt. Từ đầu năm đến nay, không có lô hàng nào của VN vi phạm các tiêu chuẩn của Mỹ” - ông Trung nói.
Bất chấp dịch, xuất khẩu rau quả sang Mỹ vẫn tăng Theo Bộ NN&PTNT, bảy tháng đầu năm 2020, xuất khẩu rau quả sang Mỹ đạt giá trị hơn 90 triệu USD. Con số này tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm hơn 4,6% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của VN. Nhập khẩu rau quả của VN với Mỹ những năm gần đây tăng trưởng mạnh. Chỉ riêng sáu tháng đầu năm nay, VN đã chi gần 148,4 triệu USD để mua rau quả từ Mỹ, tăng 27,54% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Cục Bảo vệ thực vật, đến nay đã cấp được 998 mã số vùng trồng các loại trái cây để xuất khẩu. Trong đó, nhiều nhất là mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ (471), tiếp đó là Úc và New Zealand (393), Hàn Quốc (199) và cuối cùng là các thị trường Thái Lan, Nhật Bản, EU. |