Nông sản khắp nơi kêu gọi giải cứu

Những ngày này, cánh đồng thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) hiện lên một màu trắng xóa. Đó là màu trắng của củ cải đang ở cuối vụ thu hoạch nhưng do không có khách hàng tiêu thụ, người dân đành phải nhổ bỏ, vứt la liệt đầy đồng.

Đành đổ bỏ nông sản

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Ngát, một người dân ở thôn Đông Cao, cho biết gia đình trồng gần 40 sào củ cải trắng nhưng mới bán được một nửa, còn một nửa phải nhổ bỏ vì không có đầu ra. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

“Trước đây, đầu ra của chúng tôi là các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, trường học... Nay do ảnh hưởng của dịch, các cơ sở này phải đóng cửa nên lượng tiêu thụ giảm đáng kể. Trong khi đó, lượng rau ở các tỉnh đổ về Hà Nội nhiều. Vụ rau này không chỉ gia đình tôi mà các gia đình khác cũng chỉ bán được khoảng một nửa, còn một nửa phải nhổ bỏ” - bà Ngát rầu rĩ cho biết.

Bà Ngát tính toán chi phí đầu tư cho mỗi sào củ cải hết khoảng 3-4 triệu đồng. Với gần 40 sào củ cải này, gia đình bà bị thiệt hại gần 100 triệu đồng. Nhiều gia đình khác cũng thiệt hại tương tự.

Trước khi có dịch xảy ra, đầu ra của các mặt hàng nông sản ở xã Tráng Việt rất ổn định. Đơn cử như trước tết Nguyên đán, với mỗi sào củ cải các hộ dân bán được trên 10 triệu đồng. Thế nhưng hiện nay giá rớt chỉ còn 2-3 triệu đồng/sào mà cũng không có người mua. Giá bán cho thương lái chỉ được khoảng 1.000 đồng/kg củ cải, cà chua loại đẹp. “Những mặt hàng nông sản có mẫu mã kém hơn thì xác định đổ bỏ” - bà Ngát buồn bã.

Ngoài củ cải thì cà chua, dưa cải, cải ngồng và những cây rau màu khác cũng trong tình trạng tương tự. Nếu tình trạng tiêu thụ nông sản vẫn chậm và kéo dài, có thể nhiều diện tích rau, củ, quả trên địa bàn huyện Mê Linh sẽ bị quá lứa, giảm chất lượng và không thể sử dụng được, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Củ cải tại huyện Mê Linh, Hà Nội không có khách hàng mua nên người dân đành phải nhổ bỏ, vứt la liệt đầy đồng. Ảnh: QUỲNH DUNG

Không chỉ Hà Nội, quá trình tiêu thụ nông sản của các địa phương lân cận khác như Hải Dương, Quảng Ninh... cũng gặp khó khăn không kém. Đơn cử tại Hải Dương, do ảnh hưởng của dịch khiến việc lưu thông bị ảnh hưởng, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã tìm mọi biện pháp để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân.

Tại Đồng Nai, mặt hàng bưởi cũng đang vào vụ thu hoạch nhưng không có thương lái hay doanh nghiệp thu mua. Giá bưởi rớt thê thảm, chỉ còn khoảng 8.000 đồng/kg bưởi đào. Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đánh giá nguyên nhân của tình trạng này là do cung vượt cầu, xuất khẩu gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong nước, bên cạnh tác động của việc lưu thông thì sản lượng cây có múi (cam, quýt…) dư thừa ở các vùng khác (một số tỉnh phía Bắc, ĐBSCL) cũng góp phần làm giảm giá sản phẩm bưởi.

Phải có kịch bản ứng phó, không để bị động

Để giải quyết tình trạng nông sản ế thừa, các cơ quan chức năng của địa phương, các bộ, ngành liên quan đã tổ chức kết nối với các tập đoàn bán lẻ lớn, các siêu thị, doanh nghiệp… tổ chức thu mua nông sản cho người dân. Việc giải cứu là cần thiết nhưng rõ ràng đây chỉ là biện pháp tình thế, không thể áp dụng lâu dài.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhìn nhận lĩnh vực chế biến nông sản của nước ta ngày càng được chú trọng đầu tư, phát triển. Chẳng hạn, hiện đã có doanh nghiệp bắt đầu sấy khô thanh long, làm bột thanh long, làm bột rau má, diếp cá, tía tô... để giải quyết các hàng dư thừa.

“Vừa rồi giá các mặt hàng nguyên liệu xuống thấp nên các nhà máy chế biến tranh thủ thu mua, chế biến. Đến khi các sản phẩm đó hết mùa thì họ tung các sản phẩm đã chế biến ra bán. Nếu đi sâu vào chế biến thì chúng ta có thể chủ động được số lượng và chủ động được chất lượng nông sản khi mà giá bị rớt xuống quá thấp” - ông Nguyên chia sẻ.

Còn chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đánh giá để tránh tình trạng bị động như vừa qua, giải pháp cần làm ngay là có kịch bản ứng phó với dịch COVID-19 trong năm 2021, từ đó tính đến các phương án lưu thông hàng hóa.

“Ví dụ trong phạm vi một tỉnh, cần có kịch bản trong tỉnh đó, xác định các hành lang lưu thông cho sản phẩm đến khâu cuối cùng. Dù bán nội địa hay xuất khẩu đều phải đảm bảo khâu lưu thông thông suốt” - chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thủy, nếu không thiết lập được vùng đệm, hành lang an toàn thì tình trạng giải cứu nông sản như Hải Dương sẽ tiếp tục diễn ra. Vùng đệm này phải chú ý nơi chứa hàng, bến bãi phải rộng, tập trung để đảm bảo cho người và xe, hàng hóa đủ đáp ứng được yêu cầu chống dịch và bảo vệ được hàng hóa trong một thời gian, rau quả phải để được 15-20 ngày. Bởi vì khi có nông sản dồn ứ, tâm lý người lái xe, người mua hàng, doanh nghiệp đều dị ứng đối với vùng dịch, nông sản sẽ bị “chết” ứ tại đó.

“Năm 2021, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến thị trường nông sản sẽ nhiều hơn, rộng hơn, khối lượng sản phẩm lớn hơn và khả năng giải quyết khó khăn hơn. Do đó phải có kịch bản ứng phó bài bản, không để bị động” - ông Thủy nói.

Bộ Công Thương: Giải quyết nhanh, không để nông sản ách tắc

Ngày 2-3, Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch. Văn bản này được Bộ Công Thương ban hành sau khi thống nhất với Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế.

Văn bản nêu rõ: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản trên địa bàn. Khi cần thiết, chỉ định cơ quan đầu mối tại địa phương đặc biệt là các địa phương đang có dịch để cấp các giấy tờ liên quan theo quy định về phòng chống dịch đối với sản phẩm hàng hóa, nông sản cho các tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ.

“Cần giải quyết nhanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh trên địa bàn…” - công văn nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.