Bộ Công Thương vừa tổ chức hội thảo xin ý kiến về dự thảo Thông tư quy định cách xác định sản phẩm hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Hội nghị diễn ra tại TP.HCM.
Theo dự thảo, một trong những tiêu chí quan trọng nhất để xác định một sản phẩm hàng hóa là hàng Việt nếu đảm bảo được các yếu tố: 30% hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam và trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại nước ta.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng các quy định đưa ra cần có ví dụ cụ thể để dẫn chiếu. Trong các quy định hướng dẫn xác định hàng hóa của Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam cũng nên cân nhắc đối với một số sản phẩm có công đoạn sản xuất cuối cùng tại Việt Nam. Do đó, các tiêu chí về chuyển đổi mã số cần cân nhắc kỹ tránh trường hợp nhiều hàng hóa đang sản xuất tại Việt Nam mà không được công nhận là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.
“Đối chiếu với các tiêu chí tại thông tư thì nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam sẽ không đáp ứng được. Ví dụ như trường hợp của Panasonic đang nhập toàn bộ từ nước ngoài về và xuất đi sẽ không đáp ứng được các tiêu chí của thông tư. Bộ Công Thương cân nhắc kỹ các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia lân cận để đưa ra các quy định phù hợp nhất” - ông Nam đề nghị.
Liên quan đến các tiêu chí xác định hàng hóa là của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, đại diện Tập đoàn Intel cho biết doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam, đóng góp không chỉ về công nghệ và con người mà cả công đoạn sản xuất cuối cùng (không phải sản xuất đơn giản) nhưng vẫn không đáp ứng được tiêu chí chuyển đổi mã HS.
"Như vậy, toàn bộ hàng hóa hoàn tất công đoạn cuối cùng ghi xuất xứ tại Việt Nam, có đúng không?" - đại diện Công ty Intel đặt vấn đề.
Đại diện Công ty Intel cũng thắc mắc hiện tại hàng hóa của Intel đang xuất khẩu ra nước ngoài nhưng có nhiều nhà phân phối của Việt Nam lại nhập khẩu sản phẩm của Intel từ nước ngoài về để bán tại thị trường nội địa. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng mua nguyên liệu tại Việt Nam sản xuất tại Việt Nam, chuyển tiêu thụ nội địa rồi ghi nhãn mác xuất xứ Việt Nam thì có bị điều chỉnh bởi thông tư này không?
"Chúng tôi đề nghị ban soạn thảo khi đưa ra tiêu chí cần xét đến ngành nghề sản xuất, công nghệ cao và quy trình sản xuất, tự động hóa, mức độ đầu tư của DN đặc biệt về con người… để có các quy định công bằng với DN” - đại diện Intel nói.
Đại diện Vinamilk cũng băn khoăn trong thông tư nêu năm cách ghi để thể hiện hàng hóa là của Việt Nam có sự khác biệt lớn. Hiện nay có nhiều DN FDI gia công tại nước ngoài đang ghi là chế tác tại Việt Nam. Do đó, cần phải quy định rõ từng trường hợp để tránh nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Theo đại diện Vinamilk, thông tư cần làm rõ quy định về hàm lượng giá trị gia tăng. Đặc biệt đối với các trường hợp nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu từ nước thứ ba nhưng là hàng có xuất xứ tại Việt Nam thì có được xem là một phần trong tổng giá trị hàng hóa được sản xuất và chế biến tại Việt Nam?
Một số DN cũng thắc mắc quy định về xuất xứ hàng hóa bắt buộc DN phải ghi xuất xứ hàng hóa trên bao bì trong khi thông thư lại không bắt buộc. DN có được cộng gộp GTGT đối với các yếu tố trung gian, các bán thành phẩm được sản xuất tại Việt Nam để làm ra sản phẩm hoàn chỉnh?
Theo bà Bùi Kim Thùy, Trưởng đại diện Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam, về các thành phần trung gian, các bán thành phẩm được sản xuất tại Việt Nam từ nhiều nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, sẽ được quyền cộng gộp, không cần bóc tách khi tính hàm lượng gia tăng tại Việt Nam.
Liên quan đến chuyển đổi mã HS, bà Thùy đề nghị ban soạn thảo cần thêm tiêu chí, điều kiện linh hoạt đối với các ngành có lợi thế, các lĩnh vực gia công phức tạp có đóng góp nhiều cho thị trường nội địa để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất của các DN tại Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, cho biết việc ghi nhãn mác đối với hàng hóa sản xuất trong nước, xuất khẩu ra nước ngoài rồi nhập khẩu trở lại để tiêu thụ nội địa còn tùy thuộc vào nhu cầu của DN. Đây là sự linh hoạt của thông tư để tránh những hệ lụy không cần thiết về nhãn mác cho DN.
Đối với hàng hóa là nguyên liệu mua trong nước không xác định được nguồn gốc thì không đảm bảo đáp ứng được tiêu chí. DN muốn dán nhãn mác thì phải chứng minh thông qua chuyển đổi mã số hoặc tính hàm lượng GTGT.
Ghi nhận ý kiến của các DN và chuyên gia, ông Hải cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp thu ý kiến của các DN, có nhiều vấn đề phải xin ý kiến thêm của các bộ, ngành. Ban soạn thảo xem xét thấu đáo để đảm bảo sự khả thi của thông tư khi áp dụng vào thực tế.