Hàng loạt đại gia nỗ lực đưa mô hình cửa hàng cà phê Việt xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính với tham vọng vươn ra biển lớn và xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam (VN).
Khát vọng chinh phục thị trường thế giới
Thương hiệu TNI King Coffee vừa mở cửa hàng cà phê đậm chất Việt tại Dubai, nơi được mệnh danh là cánh cửa vươn ra mọi thị trường thế giới. “Đây là một thị trường sôi động, vì vậy cửa hàng cà phê Việt tại đây sẽ có cơ hội phát triển. Nếu mô hình này thành công sẽ khẳng định được vị thế thương hiệu, góp phần quảng bá hình ảnh cà phê VN rộng mở cho khách quốc tế” - bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nhà sáng lập King Coffee, chia sẻ về quyết định mở cửa hàng cà phê cũng như văn phòng đại diện tại Dubai.
Theo bà Thảo, công ty luôn nuôi tham vọng chinh phục thị trường thế giới nên quán cà phê sẽ giới thiệu những hình ảnh, lịch sử, văn hóa cà phê cho đến những thức uống mang thương hiệu VN. Từ đó khách hàng sẽ nhận thấy rằng VN không chỉ là nhà xuất khẩu cà phê nhân hàng đầu thế giới mà còn có thể tạo ra những giá trị thương hiệu không thua kém các cửa hàng cà phê nổi tiếng toàn cầu.
Thực tế, đây không phải lần đầu King Coffee muốn chinh phục thị trường thế giới. Trước đó, đơn vị này đã kinh doanh thành công trên thị trường Singapore với cửa hàng cà phê Trung Nguyên. Gần đây nhất, vào tháng 5, công ty cũng đưa quán cà phê vào hoạt động tại Anaheim, ngay trung tâm Quận Cam (California, Mỹ), địa điểm chỉ cách Công viên Disneyland nổi tiếng chưa đầy 10 phút đi bộ.
Trong khi đó, sau cái bắt tay với Masan, Phúc Long đã đưa mô hình cửa hàng cà phê vốn khá thành công tại thị trường VN sang Mỹ. Đặt tại bang California, nơi nhiều người Việt sinh sống, không gian cửa hàng cà phê Phúc Long được thiết kế đậm nét Việt nhưng khá hiện đại cân bằng cho phong cách giới trẻ.
Đại diện thương hiệu chuỗi cà phê này cho hay ngay sau khi khai trương, quán đã đầy kín người xếp hàng để vào thưởng thức các món đồ uống. Điều khá thú vị là đối tượng khách hàng đến Phúc Long tại Mỹ hầu hết là giới trẻ, tương tự tại thị trường VN.
Nếu Phúc Long, King Coffee xâm nhập vào thị trường Mỹ thì chuỗi thương hiệu Cộng cà phê bước ra sân chơi ở Hàn Quốc. Đến nay đã có hàng loạt quán cà phê của chuỗi này hiện diện tại nhiều TP ở Hàn Quốc, trong đó gồm cả Seoul. Trước đó, Cộng cà phê cũng đã xuất khẩu mô hình quán cà phê của mình ra thị trường Malaysia.
Cộng cà phê được biết đến với không gian quán cà phê độc đáo đưa mọi người quay lại thời gian của thập niên 1960, 1970 và 1980 của VN. Tại đây, mọi người dễ bắt gặp những hình ảnh quá khứ và chìm đắm vào những hoài niệm xưa. Thương hiệu cà phê này cũng đem những hình ảnh đó đến thị trường nước ngoài để giới thiệu về hình ảnh VN với những trải nghiệm khác biệt.
Mô hình quán cà phê Việt bắt đầu tiến vào thị trường Mỹ. Ảnh: PM
Chuẩn bị kỹ lưỡng, bước đi hợp lý
Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền và bán lẻ, nhìn nhận để đưa thương hiệu Việt ra thị trường nước ngoài luôn là khát vọng của nhiều công ty nội địa. Tuy nhiên, để vươn ra thị trường toàn cầu một cách bền vững đòi hỏi phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
“Những công ty nắm được nguồn nguyên liệu ổn định và chuỗi cung ứng sẽ có ưu thế trong việc nâng cao giá trị thương hiệu. Đây cũng là nền tảng để mở rộng quy mô cửa hàng cà phê thông qua mô hình nhượng quyền” - bà Vân nhấn mạnh.
TS Stanley Yap, ĐH RMIT VN, cho biết việc chuyển hướng đưa cửa hàng cà phê của các thương hiệu VN ra nước ngoài là bước đi hợp lý. Bởi làn sóng dịch COVID-19 tại VN đã tác động đến hành vi khách hàng, trong đó rất nhiều người chuyển sang mua mang về thay vì ngồi tại quán. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của các cửa hàng cà phê.
“Đặc biệt, không quá khó để thấy rằng niềm đam mê kinh doanh, tinh thần dám chấp nhận rủi ro là động lực để các doanh nhân Việt dấn thân vào thị trường quốc tế. Xuất khẩu quán cà phê Việt ra thị trường nước ngoài, mà một khi đã thành công, nhất là tại thị trường Mỹ, vốn dễ chấp nhận cái mới, một thị trường tiêu dùng lớn sẽ giúp nâng tầm thương hiệu. Qua đó đem lại nguồn thu lớn cho các thương hiệu Việt” - TS Stanley Yap chia sẻ.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng rủi ro thâm nhập vào thị trường mới rất cao, do đó để đạt được tính bền vững trong kinh doanh ở thị trường nước ngoài, các cửa hàng cà phê Việt nên nghĩ cách thực hiện kế hoạch tiếp thị chiến lược dài hạn. “Đó là xây dựng chiến lược giá và sản phẩm khác biệt với đối thủ cạnh tranh. Thiết lập hình ảnh thương hiệu quan trọng hơn nhiều so với việc mở rộng thị trường bằng cách đốt tiền” - ông Stanley Yap nói.
Điều chỉnh theo gu của khách hàng ngoại TS Stanley Yap cho rằng những nét độc đáo và yếu tố văn hóa trong việc thiết kế quán cà phê VN cần được phát huy để thu hút nhiều hơn nữa những người yêu thích cà phê thế hệ trẻ. Đồng thời, liên tục cải tiến và đổi mới thức uống cà phê VN cho khách hàng hiện tại cũng như khách hàng mới là yếu tố quan trọng để bản địa hóa thương hiệu cà phê VN ở thị trường nước ngoài. Đồng quan điểm, đại diện một thương hiệu cà phê cho hay dù mang đến những trải nghiệm khác biệt nhưng phải có những điều chỉnh để thu hút được khách hàng tại thị trường nước ngoài. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, đồ uống phải điều chỉnh lại cho phù hợp với khẩu vị của khách hàng, thay đổi các thức uống theo mùa để phù hợp hơn với thời tiết tại địa phương. |