Trong khi hàng loạt doanh nghiệp đình đốn do không đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19, thì một số công ty đã sáng tạo, quyết tâm bảo vệ đơn hàng không bị chuyển nước khác sản xuất.
Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam, vốn đầu tư Nhật Bản (khu chế xuất Linh Trung 1, thành phố Thủ Đức, TP.HCM), cho biết để thực mục tiêu vừa sản xuất vừa phòng chống dịch COVID-19, theo phương châm "3 tại chỗ", "2 điểm đến 1 cung đường", công ty đã tổ chức 50% lực lượng lao động làm việc ổn định.
Cụ thể, có 800 công nhân đăng kí làm việc theo phương án "3 tại chỗ". Hiện công ty có nhu cầu mở rộng sản xuất nên đề xuất thêm 60 công nhân lưu trú bên ngoài công ty vào làm việc. Theo đó, phương án này đã được chính quyền địa phương đã chấp thuận thông chốt phong tỏa để xe đưa 60 công nhân rời nơi ở đến khách sạn lưu trú trước khi vào nhà máy làm việc.
Người đứng đầu tổ chức công đoàn công ty này cho biết thêm toàn bộ công nhân này sẽ được bố trí ở tại một khách sạn năm ngày và xét nghiệm hai lần trước khi vào nhà máy ở lại làm việc.
Không khí làm việc tại Công ty TNHH Saigon Precision. Ảnh: Saigon Precision
Ngoài ra, tại khu chế xuất Linh Trung 1, còn có Công ty TNHH Saigon Precision, vốn đầu tư Nhật Bản, tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" cho 1.200 công nhân có thu nhập cao.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA), đánh giá đây là hai doanh nghiệp tổ chức tốt "3 tại chỗ", trong đó Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam có thuận lợi do có ba khu lưu trú xây dựng từ nhiều năm trước đảm bảo tốt chỗ ăn ở cho công nhân.
Còn Công ty TNHH Saigon Precision, đã thuê lại mặt bằng trống của các công ty ngưng hoạt động để cố trí chỗ ở cho công nhân, nhằm duy trì chuỗi sản xuất. Ngoài ra, công ty này còn chuẩn bị sáu container để khi phát sinh F0 thì đưa ngay vào để để ngăn ngừa lây nhiễm.
Ngoài ra, do nhu cầu sản xuất lớn nên công ty muốn bổ sung thêm 1.000 công nhân và đưa ra phương án vào lưu trú tại bốn khách sạn và xét nghiệm 3 lần/tuần trước khi đưa vào nhà máy sản xuất nhưng chờ cơ quan chức năng đánh giá, chấp thuận. "Đây là những công ty có nhiều sáng tạo, mạnh dạn đưa vào các biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn lao động và phương án chống dịch tối ưu tại các khu chế xuất, khu công nghệ cao", ông Bé nói.
Ông Bé cho rằng sở dĩ các công ty này họ đeo bám sản xuất nhằm giữ đơn hàng để công ty mẹ bù đắp chuỗi sản xuất toàn cầu bị hụt nên tình hình khó đến mấy họ cũng quyết giữ đơn hàng. Còn chùn bước, đơn hàng mất khó lấy lại, thậm chí hậu COVID-19 không đơn hàng để sản xuất. Hiện công ty này trả lương 170% cho người lao động thời điểm hiện tại.