Dịch COVID-19 bùng phát khiến ngành du lịch đóng băng, hàng loạt công ty phải đóng cửa tạm dừng hoạt động. Nhưng một số đơn vị cố gắng xoay xở, tìm mọi cách vượt qua khủng hoảng và Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt nằm trong số đó. Thậm chí công ty du lịch này bán cả nông sản để cầm cự trong bối cảnh thị trường du lịch chưa biết đến khi nào mới hồi phục trở lại.
Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc trò chuyện với ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt, xung quanh vấn đề này.
Xoay xở đủ kiểu để anh em có thu nhập
. Phóng viên: Thưa ông, dịch COVID-19 xảy ra khiến ngành du lịch gần như tê liệt, rất nhiều công ty đóng cửa hoặc sa thải công nhân, giảm lương… Công ty của ông bị ảnh hưởng ra sao?
+ Ông Trần Văn Long:Công ty tôi hoạt động cả du lịch nội địa và quốc tế. Dịch COVID-19 xảy ra đúng dịp tết, đến tháng 2, mọi hoạt động của công ty phải dừng lại. Là người đứng đầu công ty, tôi thấy mình phải có trách nhiệm trước tập thể người lao động, xoay xở đủ kiểu miễn sao anh em có được thu nhập.
Đúng thời điểm này, một số mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long… đang ế thừa do xuất khẩu gặp khó khăn. Thế là tôi nhập những mặt hàng này về bán lại.
Bên cạnh đó, do có một người bạn là chủ một công ty về mỹ phẩm nên tôi đã đề nghị liên kết bán nước rửa tay sát khuẩn. Thời điểm này sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn được tiêu thụ rất tốt, lên đến hàng trăm tấn mỗi tuần. Có điều chúng tôi lại gặp khó khăn ở khâu không sản xuất được vỏ hộp nên cuối cùng đành phải dừng hợp tác.
. Nhưng dẫu sao những giải pháp mà ông vừa đề cập cũng chỉ là tạm thời?
+ Ban đầu không ai nghĩ dịch bệnh sẽ kéo dài nhưng rồi điều này đã xảy ra. Chính vì vậy, chúng tôi đã đưa ra các kịch bản để thích ứng với trường hợp nếu dịch kéo dài trong ba tháng, sáu tháng, thậm chí là một, hai năm. Thực tế là đến nay hoạt động du lịch gần như đóng băng 100%.
Trước tình hình này, công ty đành phải cắt giảm những bộ phận không cần thiết, không hiệu quả… để cùng nhau tồn tại. Đặc biệt, khi Việt Nam công bố dịch vào tháng 4, tôi nghĩ ngay đến việc sản xuất khẩu trang y tế.
Lúc bắt đầu chúng tôi không tính làm lớn nên chỉ đầu tư vài máy. Nhưng đến nay công ty có các nhà máy sản xuất khẩu trang y tế ở quận 12, Củ Chi, Hóc Môn (TP.HCM) và Long An. Tại miền Bắc, chúng tôi cũng có hai nhà máy. Các nhà máy này không phải do công ty đầu tư 100% vốn mà có cổ phần của các đối tác. Công suất của các nhà máy mỗi ngày đạt 5 triệu sản phẩm, hoạt động 24/24 giờ.
Hiện nay 50% nhân sự Công ty Du lịch Việt chuyển qua làm khẩu trang y tế. Ảnh: TU
Bài học nhớ đời
. Từ công ty chuyên về du lịch chuyển hướng sang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng y tế hẳn là không hề đơn giản, thưa ông?
+ Tôi đi vay ngân hàng, họ nhìn thấy ngành này rủi ro nên lắc đầu. Với ngành du lịch đang đóng băng lại càng không vay vốn được. Bởi vậy tôi mới kêu gọi đầu tư, góp vốn cùng làm. May mắn trong hàng chục năm làm về du lịch tôi có nhiều bạn bè và có mối quan hệ quốc tế.
Nhờ có cộng sự, nhà đầu tư nước ngoài, có quỹ đầu tư tài chính cùng hợp tác làm chứ một mình tôi sẽ không chèo lái được gì. Chẳng hạn, chúng tôi hợp tác cùng Công ty cổ phần đầu tư Ecom Net phân phối độc quyền các sản phẩm khẩu trang y tế, trang phục chống dịch, các sản phẩm y tế dùng một lần...
. Tài chính là một chuyện nhưng lĩnh vực thiết bị y tế, khẩu trang đang cạnh tranh rất khốc liệt. Bước chân vào lĩnh vực mới, làm sao công ty ông trụ nổi?
+ Khi bắt tay vào làm, việc đầu tiên là chúng tôi đầu tư mua máy móc. Ban đầu tôi mua lại máy móc từ các đơn vị trong nước với giá cao. Sau đó, nhận thấy nếu nhập máy trực tiếp từ Trung Quốc về giá sẽ rẻ, chất lượng tốt thì nên mua. Tuy nhiên, khi nhập về máy bị lỗi, không chạy được. Đây là bài học lớn nhất vì tôi đã mất rất nhiều tỉ đồng chỉ riêng cho đầu tư máy móc nhưng không vì đó mà nhụt chí.
Khó khăn thứ hai là nguyên liệu đầu vào đa số phải nhập khẩu từ Trung Quốc, vậy nên nhiều khi đang sản xuất không đủ nguyên liệu phải tạm dừng lại. Mặt khác, thị trường Việt Nam hồi tháng 4 gần như bão hòa. Trong tình hình đó, tôi nghĩ đến con đường xuất khẩu.
. Nhưng như ông biết, để sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu không dễ chút nào?
+ Sau này, tìm hiểu kỹ chúng tôi mới hiểu lúc đầu sản phẩm không đạt chuẩn do không chủ động được nguyên liệu nên khi ra bản kiểm tra chất lượng các thông số đa phần bị trượt hết. Nay thì điểm yếu này đã được khắc phục. Hiện công ty đang chuẩn bị xuất khẩu khẩu trang sang Úc, Canada, Mỹ.
Đặc biệt, chúng tôi đã đầu tư vào một nhà máy tại Việt Nam cả 1.000 tỉ đồng để sản xuất một nguyên liệu quan trọng trong khẩu trang y tế là màng lọc kháng khuẩn meltblown, đóng vai trò chính tạo nên hiệu quả lọc khuẩn của loại khẩu trang này. Sự khác biệt của khẩu trang này là 100% nguyên liệu có nguồn gốc từ Việt Nam, đạt tiêu chuẩn TCVN 8389 của Bộ Y tế.
Không phải đầu tư cơ hội Tôi xác định đầu tư trong lĩnh vực y tế là lâu dài chứ không phải đầu tư cơ hội hay mang tính mùa vụ. Tôi cho rằng với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, du lịch có thể mất một vài năm nữa mới khởi động lại. Khi thị trường hồi sinh, tôi vẫn tiếp tục phát triển du lịch song song với sản xuất thiết bị y tế. Tôi quan niệm khi anh đang đầu tư vào lĩnh vực nào cũng phải làm cho thật tốt, phải đặt khách hàng lên trên hết. Ông TRẦN VĂN LONG |
Tặng khẩu trang cho người Mỹ
.Thưa ông, đầu tháng 8 vừa qua, khẩu trang thương hiệu Ecom Med của công ty đã được trao tặng cho bang Maryland(Mỹ). Ông có muốn nói gì về sự kiện này?
+ Đó là nhờ công sức của nhiều phía như Công ty Ecom Net trong nước và chi nhánh ở Mỹ, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như các bang ở Mỹ. Đích thân Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc đã hỗ trợ cho chúng tôi tài trợ 1 triệu khẩu trang y tế cho các bang ở Mỹ chứ không riêng bang Maryland.
Để được trao tặng, tôi cho rằng chất lượng là yếu tố hàng đầu. Thực tế sản phẩm của công ty đã được cấp giấy lưu hành tự do của Bộ Y tế, chứng nhận CE cho tiêu chuẩn châu Âu, FDA của Hoa Kỳ.
. Ông đánh giá gì về thị trường khẩu trang hiện nay?
+ Tôi cho rằng trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế tăng cao. Nhưng sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng làm không ít người tiêu dùng lo lắng. Do vậy, việc đưa ra giá tốt cho sản phẩm đạt chất lượng cũng là cách chia sẻ với cộng đồng.
. Xin cám ơn ông.
Mở nhà máy làm khẩu trang tại Mỹ . Được biết Công ty Du lịch Việt muốn mở một nhà máy sản xuất các mặt hàng y tế tại Mỹ. Ông có thể chia sẻ về kế hoạch này và hiện nay dự án đã tiến hànhđến đâu? + Chúng tôi tìm hiểu nhiều bang của Mỹ nhưng cuối cùng quyết định chọn bang Maryland vì có nhiều điều kiện thuận lợi. Họ hoan nghênh, thậm chí tài trợ một phần tài chính giúp công ty đầu tư. Dự án này đã được duyệt, chúng tôi đang lập kế hoạch chi tiết.
Quy mô nhà máy tại Mỹ khoảng 15.000 m2, sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ, gel rửa tay sát khuẩn, trang thiết bị phòng dịch... Dự kiến tháng 11 năm nay hoặc đầu năm 2021 sẽ bắt đầu sản xuất khẩu trang. . Quyết định đầu tư tại Mỹ liệu có mạo hiểm không, thưa ông? + Chi nhánh Công ty EcomNet tại Mỹ đã ký hợp đồng tham gia trong chuỗi cung ứng các mặt hàng y tế với tập đoàn y tế Spartan của Mỹ để cung cấp cho 360 bệnh viện của nước này. Chúng tôi tham gia vào chuỗi cung ứng này với trị giá 2,1 tỉ USD trong vòng 3-5 năm. |