Theo Chỉ thị 10/CT-UBND ban hành về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM trong đó có nội dung: tạm dừng hoạt động đối với các chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch. Đối với chợ truyền thống, Sở Công Thương hướng dẫn quy định giãn cách chi tiết tới từng quận, huyện để đảm bảo phòng dịch.
Ông Thái Bình Sơn, Trưởng ban quản lý chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình cho biết, hiện nay chợ vẫn mở cửa hoạt động bình thường và chủ yếu là tiểu thương các ngành hàng thực phẩm thiết yếu, kinh doanh ăn uống với khoảng 10%. Đặc biệt, từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay sức mua thấp, khách không tấp nập như trước đây. Với ngành hàng ăn uống cũng chỉ có rải rác khách.
“Với thực tế trên, chợ đảm việc thực hiện theo Chỉ thị 10 của thành phố như đảm bảo mật độ giãn cách 1,5m, ngành hàng ăn uống chỉ bán mang đi… Song song đó, từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay chợ vẫn đảm bảo thực hiện theo nguyên tắc 5K của Bộ Y Tế”, ông Sơn nói.
Siêu thị trang bị tấm chắn ngăn giọt bắn bảo vệ khách hàng và nhân viên.
Đại diện Saigon Co.op cho biết, ngay từ đầu đơn vi đã chuẩn bị các kịch bản để ứng phó với dịch từ các phương án đảm bảo an toàn môi trường siêu thị, hàng hóa, nhân sự đến giao hàng tận nơi...
Saigon Co.op đang vận hành hơn 800 cửa hàng, siêu thị trên cả nước để cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, hàng chục ngàn suất ăn phục vụ mỗi ngày cho các khu cách ly.
Do phải mở cửa xuyên suốt phục phục khách hàng, dù đã tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch nhưng cũng không thể tránh khỏi những nguy cơ nhất định.
Vì vậy, khi có thông tin có ca nghi nhiễm cần truy vết liên quan đến siêu thị, các điểm bán này sẽ chủ động tạm dừng hoạt động. Ngay lập tức phối hợp các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá, xử lý hàng hóa và sau đó khử trùng toàn bộ không gian mua sắm, xét nghiệm nhân viên.
Sau khi đảm bảo tất cả các điều kiện an toàn, các siêu thị đã nhanh chóng trở lại phục vụ người dân như siêu thị Co.opmart Xa Lộ Hà Nội, quận 9, Co.opmart Thắng Lợi quận Tân Phú…
Nhiều người tiêu dùng chọn mua hàng qua điện thoại thay vì phải đến trực tiếp siêu thị mua sắm
“Chúng tôi vẫn đang chủ động nguồn hàng với giá tốt để cung ứng ra thị trường trong sáu tháng tới. Ngoài các chương trình khuyến mãi, đảm bảo an toàn mua sắm, siêu thị khuyến khích người dân đặt hàng qua điện thoại, app, tổng đài siêu thị” đại diện Saigon Co.op chia sẻ.
Tương tự đại diện Satra cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Satra đã chuẩn bị các kịch bản nhằm cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân.
Bên cạnh đó, Satra phối hợp với chợ Bình Điền tìm nguồn cung các mặt hàng thực phẩm. Nhờ vây, lượng hàng hiện có trong hệ thống đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Chợ Bình Điền hiện đang cung cấp khoảng 175 tấn thịt súc sản/ đêm, khoảng 100 tấn rau củ quả/ đêm, khoảng 900 tấn thủy hải sản/ đêm. Chợ này cũng cam kết cung ứng đủ lượng rau củ quả, đặc biệt là thủy hải sản cho người dân TP.HCM.
Nhằm đảm bảo toàn mua sắm trong mùa dịch, gia tăng tiện ích cho khách hàng toàn hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi Satra nhận đặt hàng qua hotline.
Ngoài ra, người tiêu dùng mua hàng trên ứng dụng G1-Mart siêu thị Sài Gòn hoặc thanh toán không tiền mặt qua ví điện tử VNPay tại siêu thị Phạm Hùng.
Mặt khác, Satra có thể cung cấp đủ những đơn hàng lớn cho các địa phương, khu cách ly, điểm phong tỏa, các đơn vị liên hệ, gửi đơn hàng trước một ngày qua hotline như 076.482.7361, 0963308445, hệ thống Satrafoods TP.HCM 0901.896625…