'Số phận' gạo ngon nhất ST25 ở Mỹ chỉ được tính bằng ngày

Nhiều năm kinh nghiệm đồng hành bảo vệ nhãn hiệu cho các thương hiệu Việt Nam bị chiếm đoạt tại nước ngoài, Luật sư Lê Quang Vinh, Công ty sở hữu trí tuệ Bross & Cộng sự (Bross & Partners) cho biết: Đến nay đã có tổng cộng 5 đơn đăng ký nhãn hiệu liên quan đến loại gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam là ST25 nộp tại Cơ quan đăng ký sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO).
Trong đó đáng chú ý nhất là đơn số 2 đã được chấp nhận và sẽ được công bố để bên thứ 3 phản đối từ 4-5-2021.

Cơ hội ngăn chặn chiếm đoạt thương hiệu ST25

Trước nguy cơ mất thương hiệu gạo ST25 tại thị trường Mỹ, ông Lê Quang Vinh cho biết chủ thương hiệu ST25 vẫn còn cơ hội ngăn chặn các đối tượng chiếm đoạt thương hiệu ST25 ở Mỹ.
Cụ thể, ông Hồ Quang Cua "cha đẻ" gạo ST25 vẫn có đủ thời gian chuẩn bị và nộp đơn phản đối chính thức tại Cơ quan đăng ký sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO) chống lại nhãn hiệu số 2 (sắp được công bố) ngay sau ngày 4-5-2021.
Thời hạn phản đối theo luật nhãn hiệu của Mỹ là 30 ngày hoặc kết thúc vào ngày 3-6-2021, trừ khi nộp đơn xin gia hạn phản đối.

Danh sách 5 đơn đăng ký nhãn hiệu liên quan đến loại gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam là ST25 nộp tại Cơ quan đăng ký sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO).

Ngoài ra, ông Hồ Quang Cua có thể cân nhắc nộp đơn phản đối không chính thức (gọi là Letter of Protest) theo luật nhãn hiệu Mỹ để cố gắng thuyết phục Cơ quan đăng ký sáng chế và nhãn hiệu Mỹ từ chối 4 đơn đăng ký còn lại có thể giúp giảm chi phí.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho biết theo quy trình của bên Mỹ thì sau 6 tháng kể từ khi nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu, nếu không có khiếu nại, tranh chấp gì thì Chính phủ Mỹ sẽ cấp đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu gạo này cho các doanh nghiệp.
"Do vậy, ngay trong sáng nay, chúng tôi đã liên lạc với ông Hồ Quang Cua - cha đẻ của thương hiệu gạo ST 25 - và giới thiệu một số chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực này để giúp ông Cua khẩn trương đăng ký và hoàn thành hồ sơ đăng ký thương hiệu gạo ST25 trên thị trường Mỹ với chính phủ Mỹ." - ông Phú nói.
Doanh nghiệp Việt cần chủ động đăng ký
Theo Luật sư Lê Quang Vinh, các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động kiểm tra thông tin nhãn hiệu ở dữ liệu công khai về nhãn hiệu nộp ở nước ngoài (như ở Mỹ có thể vào trang: https://tmsearch.uspto.gov/bin/gate.exe?f=login&p_lang=english&p_d=trmk) và khẩn trương nộp đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu của mình tại Mỹ.
Bởi nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt dù đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam thì cũng không mặc nhiên được bảo hộ ở Mỹ trừ khi doanh nghiệp đã nộp đơn và được cấp bảo hộ bởi Cơ quan đăng ký sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO).
Doanh nghiệp Việt có thể lựa chọn 1 trong 2 cách nộp đơn đăng ký nhãn hiệu vào Mỹ. Thứ nhất là nộp đơn trực tiếp vào Mỹ thông qua một công ty luật của Mỹ (hay còn gọi là “Đăng ký quốc gia”).
Thứ hai là nộp đơn gián tiếp vào Mỹ thông qua vai trò đại diện pháp lý của một công ty luật đã đăng ký chức năng đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam bằng cách sử dụng hệ thống đăng ký nhãn hiệu toàn cầu (Hệ thống Madrid). Hệ thống này gồm trên 108 thành viên bao trùm 124 vùng lãnh thổ trong đó có Mỹ (hay còn gọi là “Đăng ký quốc tế”).
Nhãn hiệu được bảo hộ phải đáp ứng 2 điều kiện là có chức năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại mà được sản xuất, cung ứng bởi các chủ thể khác nhau. Và nhãn hiệu này cũng không tương tự tới mức nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác mà đã được đăng ký hoặc được nộp đơn hoặc đã được sử dụng trước ngày nộp đơn của nhãn hiệu xin đăng ký đó tại Mỹ.
Trong trường hợp đơn đăng ký không bị từ chối bởi  Cơ quan đăng ký sáng chế và nhãn hiệu Mỹ hoặc không bị phản đối bởi bên thứ 3, chi phí tối thiếu trọn gói được áp dụng đối với việc đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ khoảng 1.000 USD/đơn và có giá trị trong vòng 10 năm. Đó là chưa kể chi phí nộp bằng chứng sử dụng và gia hạn hiệu lực với đăng ký đó.
Trong trường hợp nhãn hiệu của doanh nghiệp bị đăng ký trước tại Mỹ thì theo luật sư Vinh, doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng nhờ các công ty luật sư có kinh nghiệm tại Mỹ tư vấn hỗ trợ nộp đơn phản đối cho Ban khiếu nại và xét xử Nhãn hiệu (TTAB) thuộc USPTO.

'Số phận' gạo ngon nhất ST25 ở Mỹ chỉ được tính bằng ngày ảnh 2
"Cha đẻ" ST25, kỹ sư Hồ Quang Cua và các nhà khoa học vẫn có thể kịp nộp đơn phản đối  các đơn đăng ký trước thương hiệu ST25 tại Mỹ. Trong ảnh: Khách đang tìm hiểu gạo ST25 . Ảnh: Q.H  

Phở Thìn, gạo Việt lấy lại thương hiệu thành công trên đất Mỹ
Ông Lê Quang Vinh chia sẻ đầu năm 2021, Bross & Partners vừa phối hợp với một hãng luật của Mỹ giúp Phở Thìn 13 Lò Đúc, một thương hiệu phở hơn 40 tuổi nổi tiếng của Việt Nam giành được chiến thắng pháp lý quan trọng tại TTAB thuộc Cơ quan đăng ký sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO).
Qua đó, thuyết phục thành công Cơ quan đăng ký sáng chế và nhãn hiệu Mỹ hủy bỏ nhãn hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc suýt được cấp độc quyền ở Mỹ do một cá nhân Hàn Quốc tên là KIM -In Jung chiếm đoạt bằng cách nộp đơn đăng ký sớm hơn 9 tháng bất luận Phở Thìn 13 Lò Đức chưa bao giờ bán hàng ở Mỹ.
“Trước đó, năm 2016, chúng tôi hỗ trợ thành công một công ty xuất khẩu gạo của Việt Nam bảo vệ thành công quyền độc quyền đối với nhãn hiệu Lotus Rice bị một công ty của Mỹ phản đối và dọa kiện ra tòa án liên bang Mỹ vì lý do xâm phạm nhãn hiệu Lotus Food”, ông Vinh kể.
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm