Mới đây, trước hoạt động mua bán rầm rộ tôm càng đỏ trong nước, Bộ NN&PTNT đã phải phát đi công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ loại tôm này, vốn là sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại.
Thông tin chi tiết về tôm càng đỏ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 Nguyễn Quang Huy cho biết, tôm càng đỏ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là loài sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Bởi nó thể hiện nhiều đặc điểm điển hình của đối tượng xâm hại, thậm chí còn nằm trong cơ sở dữ liệu toàn cầu về loài có nguy cơ xâm hại.
"Sự xâm hại của nó đã thể hiện ở những nước mà nó có mặt như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... Họ đã phải tìm nhiều biện pháp khác nhau để phòng trừ nó", ông Huy cho biết.
Theo đó, tôm càng đỏ tác động đến môi trường theo ba cách. Đó là cạnh tranh thức ăn, nơi sống với loài tôm càng bản địa; lây lan bệnh dịch cho các loài tôm càng bản địa; làm suy giảm nguồn lợi nhóm nhuyễn thể, động vật không xương sống như ngao, nghêu.
Ngoài ra, tôm càng đỏ còn có đặc điểm đào hang hốc rất tốt nên khi thoát ra môi trường có thể phá hoại các công trình thủy sản, đê điều, kênh mương.
"Để phòng trừ loại tôm này, người ta thường sử dụng các biện pháp như đặt bẫy hoặc dùng các loài có thể ăn những con tôm này, dùng những con vi sinh vật có thể gây bệnh cho tôm càng đỏ làm chúng bị bệnh và chết đi. Cách cuối cùng là dùng hóa chất, thuốc để tiêu diệt nó. Ở nước ngoài người ta hay dùng một số loài cá ăn giáp xác để tiêu diệt loài tôm này", ông Huy nói.
Tại Việt Nam, được sự cho phép của Bộ NN&PTNT, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã tiến hành nhập tôm càng đỏ từ Trung Quốc về nuôi thử nghiệm ở phạm vi hẹp.
Hiện trong phạm vi điều tra của đề tài thì thấy tôm càng đỏ có khả năng sinh trưởng và phát triển tại miền Bắc nước ta do chúng là loài thủy sinh vật dễ nuôi, ít dịch bệnh. Tuy nhiên giá trị kinh tế không cao, tỉ lệ thịt so với khối lượng cơ thể thấp, cỡ thương phẩm nhỏ (30-50 g), có nhiều đặc tính của sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại như: ăn tạp, phàm ăn, cạnh tranh thức ăn, có thể chiếm nơi sống của loài bản địa, có khả năng gây hại sinh vật bản địa, đào hang hốc (sâu đến 2 m) và có thể gây hại cho các công trình thủy sản, đê điều nếu thoát ra ngoài…
“Với kết quả trên, Viện đã khuyến cáo không nên phát triển nuôi đối tượng này ngay sau khi kết thúc nghiên cứu”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 Nguyễn Quang Huy thông tin.
Tôm càng đỏ có thể đào hang sâu đến 2m, đe dọa các công trình thủy lợi, thủy sản, nông nghiệp...