Trung Quốc siết nhập khẩu, nhà vườn, doanh nghiệp thanh long cùng khóc

Ngày 25-2, Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn có thông báo tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh (cập nhật đến 20 giờ ngày 23-2).


Cụ thể, thông quan tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị xuất khẩu 86 xe (83 xe hoa quả) và nhập khẩu 252 xe. Có chín xe (hoa quả, ván bóc) phải quay đầu về nội địa hoặc chuyển cửa khẩu và tổng số xe chờ xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu là 1.004 xe. Mặt hàng tồn chủ yếu là hoa quả 662 xe.

Xe container chờ thông quan ở Lạng Sơn đầu năm 2022.

Tại Cửa khẩu song phương Chi Ma thông quan chỉ được ba xe. Cửa khẩu phụ Tân Thanh thông quan được 18 xe nhưng tổng số xe chờ xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu lên đến 741 xe (Trong đó có 581 xe chở hoa quả).

Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo các doanh nghiệp cân nhắc xem xét, bố trí thời gian hợp lý để đưa hàng hoá đến các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu.
Còn theo Sở Công thương Bình Thuận, mặc dù ba cửa khẩu đường bộ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang tích cực hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nhưng do phía Trung Quốc tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19 khiến cho hiệu suất thông quan tại cả 3 cửa khẩu còn hạn chế.
Qua cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên bằng thư công tác , hội đàm giữa Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn với các Đoàn công tác của chính quyền Quảng Tây, Trung Quốc, phía Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam xuất khẩu hàng hóa qua Trung Quốc cần chủ động, nâng cao công tác phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là khử khuẩn và đóng gói bao bì bảo quản hàng hóa.
Phía Trung Quốc yêu cầu khử khuẩn đối với từng kiện hàng Việt Nam xuất khẩu qua cặp cửa khẩu Ái Điểm - Chi Ma, bao bì bên trong hàng hóa xuất khẩu phải tăng thêm màng ni lông bảo vệ để chống ngấm, chống nước khử khuẩn thấm vào. Bao bì bên ngoài phải làm thành sáu mặt phẳng, thực hiện khử khuẩn đến các góc kẽ, tiện cho bốc dỡ, nâng cao hiệu suất.

Nông dân chặt bỏ trái thanh long.

Phía Trung Quốc cũng yêu cầu doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam khi xuất khẩu hàng khô qua cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan và Tân Thanh - Pò Chài phải bọc màng nilon để tránh virus COVID-19 xâm nhập vào hàng hoá.

Sở Công thương Bình Thuận đề nghị ngành chức năng thông báo tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến các doanh nghiệp, Hợp tác xã được biết để có kế hoạch đưa hàng lên phía cửa khẩu hợp lý và đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Thanh long chín đầy vườn nhưng thương lái không mua đành chặt bỏ.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã xem xét lựa chọn các phương thức vận tải khác như qua các cảng biển, đường sắt nhằm giảm tải cho các cửa khẩu đường bộ. Đồng thời chú trọng, quan tâm thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng cần liên hệ chủ hàng phía Trung Quốc để đàm phán chuyển dần sang hình thức chính ngạch như: tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại… Đồng thời, chủ động thực hiện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trên vỏ bao bì bọc quả thanh long và thùng carton đựng thanh long, kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu hoạch, phân loại, đóng gói, bốc xếp hàng hóa.

Đặc biết, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chủ động theo dõi, cập nhật thường xuyên về tình hình tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, năng lực bến bãi, tiến độ thông quan, cách thức giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu và đánh giá khả năng xuất khẩu để xây dựng phương án sản xuất, xuất khẩu hợp lý.

Thanh long chín đầy vườn nhưng không người mua
Chiều 25-2, Hiệp hội thanh long Bình Thuận phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long, nông dân tổ chức hội thảo tìm cách tháo gỡ khó khăn để tiêu thụ mặt hàng này.
Theo Hiệp hội thanh long Bình Thuận, hiện thanh long của nông dân đang chín đầy vườn nhưng không có người mua do tình hình xuất qua thị trường Trung Quốc quá khó khăn. Nhiều nông dân đã chặt bỏ trái, phá vườn. Nếu thanh long được bán với giá 10.000đ/kg thì chỉ mới hòa vốn.

Thanh long trái vụ chi phí sản xuất rất cao như phải chong điện, phân bón, công chăm sóc. Tuy nhiên, giá cao nhất hiện nay chỉ bán được khoảng 2.000đ/kg, như vậy người nông dân lỗ trắng 8 000đ/kg.

Với sản lương ước tính hết mùa trái vụ của thanh long Bình Thuận là 300.000 tấn thì nông dân sẽ thiệt hại 2.400 tỉ. Tuy nhiên, nông dân đang nằm trong vòng lẩn quẩn bởi nếu sản xuất mà giá thành quá thấp thì lỗ nặng, còn nếu không sản xuất thì cây thanh long hư hỏng, không thể sản xuất được cho mùa sau.

Trong khi đó, hiện thanh long Bình Thuận đang tồn ở cửa khẩu và trong kho lạnh doanh nghiệp khoảng 30.000 tấn, cần được giải quyết trong vòng 15 ngày. Ngoài ra, sản lượng dự kiến thu hoạch đến hết tháng 3-2022 là 100.000 tấn cần được tiêu thụ cho bà con nông dân. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm