Vay trong nước hiệu quả mới tính vay nước ngoài

Vay trong nước hiệu quả mới tính vay nước ngoài ảnh 1
Ông Nguyễn Thành Đô. Ảnh: LN

 Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả các khoản vay nợ của Việt Nam tính đến nay?

- Nhìn lại thời gian vừa rồi, những đóng góp của các khoản vay nợ với nền kinh tế là quá rõ ràng.

Nếu không, làm sao đạt được mức tăng trưởng GDP như vậy, với hàng loạt công trình hạ tầng, cầu cống, đường sá, trường học được cải thiện.

Những dự án vay về, kể cả vay ODA, vay xuất khẩu... nói chung đều hiệu quả. Chúng ta đã cho vay lại hơn 560 dự án, theo đánh giá tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,8%, rất thấp so với hệ thống ngân hàng nói chung.

Với dự án do Chính phủ bảo lãnh cũng thế, đều nằm trong lĩnh vực được ưu tiên đầu tư: thủy lợi, phát triển đội bay, đường cao tốc...

Một nước đang phát triển như Việt Nam, vay để phát triển là đương nhiên. Nhưng vốn vay ODA đang bị lo ngại là không hiệu quả?

- Vốn ODA có 2 mặt của nó. Một số nước đúng là sử dụng ODA không thành công (như ở châu Phi).

Nhưng Việt Nam là mô hình thành công về vay ODA, các nhà tài trợ cũng đã công nhận. Chúng ta quản lý tốt, sử dụng có chọn lựa, tính toán hiệu quả sử dụng.

Còn mặt không tốt, vay thì phải dùng tư vấn của họ, hàng hóa của họ, thiết bị cũng phải chịu chi phí cao hơn. Nhưng với những khoản vay dài, lãi suất thấp thì rất cần thiết, rất quý.

Vay ODA, chúng ta nhất định phải dùng thiết bị của họ, vậy có đấu thầu rộng rãi không hay chỉ định?

- Tùy từng nhà tài trợ. Nhiều nhà tài trợ cho đấu thầu rộng rãi trên quốc tế. Có nhà tài trợ chỉ đấu thầu trong phạm vi nước cho vay và Việt Nam chúng ta. Một số yêu cầu chỉ định thầu. Việc đó là theo quy định của từng nhà tài trợ, còn việc chúng ta chấp nhận đến đâu là ở ta.

Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quản lý nợ công. Chính phủ có tính tới khả năng nới ngưỡng an toàn nợ công để phù hợp với điều kiện Việt Nam?

- Việc nới hay không phải nghiên cứu thấu đáo, dựa trên tư vấn của các chuyên gia, dựa vào kinh nghiệm thế giới. Vì với các nước khác nhau, ngưỡng an toàn nợ công là khác nhau.

Nhật Bản nợ 100% GDP thì không sao, có nước 60% GDP đã vỡ nợ, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nên có nới ngưỡng hay không phải tính toán các yếu tố, kể cả cân đối vĩ mô, khả năng hấp thụ, sinh lời của nền kinh tế, tính thanh khoản của thị trường, ngoại hối, hệ số ICOR.

Trong chiến lược phải đề ra ngưỡng an toàn nợ công.

Bất cập lớn nhất trong  quản lý nợ công cho đến nay là gì, thưa ông?

- Đầu mối thống nhất về quản lý nợ công chưa có, một số cơ quan khác nhau làm việc khác nhau, nên thống nhất về thông tin nợ công là kém.

Chúng ta chưa tập hợp được toàn cảnh về nợ công. Chưa gắn được quản lý nợ trong nước và nợ ngoài nước. Đúng ra là huy động nợ trong nước đã, thiếu mới huy động ngoài nước. Chúng ta có lúc huy động cả nợ trong nước lẫn ngoài nước, vì thế chưa hiệu quả.

Hay vấn đề đánh giá mức nợ công an toàn cũng chưa toàn diện, lẽ ra phải đánh giá nợ công cả trong nước, ngoài nước thì mới chính xác.

Ngoài ra, năng lực cán bộ, cơ quan quản lý nợ công là chưa có. Các nước quản lý nợ công phải rất nhanh nhạy với thị trường. Trong khi ở ta, việc mua bán, chuyển đổi nợ phải qua rất nhiều khâu trình để có quyết định, đến khi có quyết định thì đã lỡ cơ hội.

Có nên thành lập cơ quan chuyên quản lý về nợ công?

- Đây là mô hình của nhiều quốc gia, chúng ta nên hướng theo. Nhưng chuyên trách ở đâu, như thế nào phải tính. Có nước tổ chức cơ quan chuyên quản lý nợ công nằm trong Bộ Tài chính. Có nước thành lập cơ quan kinh doanh độc lập, hoạt động theo đơn đặt hàng của Chính phủ, hoạt động giống một doanh nghiệp.

Khắc phục hạn chế trong quản lý nợ công thế nào, theo ông?

- Còn phải làm rất nhiều. Phương thức quản lý, kết hợp vay nợ trong nước, tăng cường năng lực, hoàn thiện thể chế. Tất cả những điều này đang được soạn thảo thành Nghị định quản lý nợ công trình Chính phủ. Hy vọng Nghị định sẽ sớm ra đời.

Còn lộ trình để phát hành trái phiếu quốc tế?

- Việc phát hành trái phiếu thời gian tới đây phải nhìn nhận lại. Việc phát hành không thường xuyên như thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến chi phí cũng như nguồn vốn vay. Phát hành thường xuyên là tốt nhất. Nếu phát hành thường xuyên, phải tính toán hiệu quả sử dụng, dùng vào đâu.

Chính phủ không phát hành trái phiếu quốc tế vay thương mại để chi tiêu ngân sách mà chỉ phát hành cho những dự án đầu tư có hiệu quả. Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp có đủ năng lực tự phát hành. Và cũng phải lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực, điều kiện phát hành để không cần bảo lãnh.

Có nhiều DN phát hành sẽ cập nhật tốt hơn trên thị trường vì đó là hình ảnh của Việt Nam trên trường thế giới, tạo cho trái phiếu của chúng ta có giá trị hơn. Việc phát hành phải theo hạn mức thương mại hàng năm.

Vinashin đang phải tái cơ cấu, ai chịu trách nhiệm về vay nợ nước ngài của tập đoàn này, đặc biệt khoản phát hành 750 triệu USD trái phiếu ra nước ngoài?

- Về việc tái cơ cấu Vinashin đã có một tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đang xử lý. Kết quả sẽ công bố sau. Đối với nhà mua trái phiếu, họ chỉ biết là Chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm, chứ có phải trái phiếu tự Vinashin đi vay đâu, nên việc tái cơ cấu này không ảnh hưởng gì hết.
 


Theo Lê Nhung (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm