Xu hướng USD về đâu?

Theo một cuộc khảo sát gần đây của hãng Bloomberg, dự đoán chung của 43 nhà chiến lược là đến ngày 30-9-2010, đồng USD có thể phục hồi so với đồng Euro, đồng Yên, đồng Franc Thụy Sỹ, đồng Bảng Anh và đồng Krona Thụy Điển. Tuy nhiên, các nhà dự báo hàng đầu đều cho rằng đồng USD sẽ tiếp tục mất giá, dù Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có tăng lãi suất.

Xu hướng USD về đâu? ảnh 1

Ảnh minh họa

Mặc dù Mỹ đang được lợi khi đồng USD sụt giá nhẹ, song hiện vẫn chưa rõ đồng USD sẽ tăng hay giảm giá. Nếu đồng USD sụt giá mạnh, điều đó sẽ gây hại cho nước Mỹ. Chad Stone, nhà kinh tế thuộc Trung tâm nghiên cứu những ưu tiên hàng đầu về ngân sách và chính sách tại Washington cho rằng việc đồng USD sụt giá đột ngột - chứ không phải từ từ - là một diễn biến tiêu cực.

Mặc dù nhiều người lo ngại thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng sẽ đẩy giá đồng USD xuống những mức thấp gây thiệt hại, song hiện nay điều quan trọng hơn là phải tập trung thúc đẩy kinh tế. Theo nhà kinh tế Stone, việc trả nợ có thể tạm hoãn đến sau này, song việc không thể kiểm soát thâm hụt trong một thời gian dài có thể báo hiệu sự sụt giá của đồng USD.

Tuy vậy, đồng USD không thể mãi sụt giá bởi vì sức mạnh kinh tế và lãi suất cũng đóng vai trò quyết định giá trị của đồng USD. Giới phân tích cho rằng đồng USD có thể bắt đầu tăng giá trở lại vào năm 2010 nếu mức tăng trưởng GDP của Mỹ phục hồi vững chắc. Việc tăng lãi suất và các quyết định của Quốc hội Mỹ nhằm giảm thâm hụt cũng ngăn chặn việc đồng USD sụt giá.

Bất chấp những ý kiến quan ngại, việc đồng USD sụt giá không phải lúc nào cũng là một tin xấu. Theo giới kinh tế, đồng USD sụt giá cho thấy lòng tin của giới đầu tư tăng lên khi nền kinh tế phục hồi. Đồng USD rẻ cũng là điều tốt cho hoạt động xuất khẩu của Mỹ.

Ben Carliner, Giám đốc phụ trách nghiên cứu của Viện Chiến lược Kinh tế tại Washington, cho biết đồng USD đã được điều chỉnh so với đồng Euro, đồng Yên và các loại tiền tệ thả nổi khác. Ông nói: "Chưa chắc đồng USD đã sụt giá mạnh hơn nữa so với đồng Euro và đồng Yên".

Một nhân tố lớn khác khiến đồng USD sụt giá là việc các nhà đầu tư vay tiền với lãi suất thấp và đầu tư số tiền đó vào các loại tài sản khác. Theo ông Carliner, mặc dù đồng USD yếu, song thực tế này đang thổi bùng sự trỗi dậy của các thị trường cổ phiếu tại những nước như Ấn Độ, Brazil và Nga. Ông nói: "Về cơ bản, do lãi suất của Mỹ quá thấp, các nhà đầu tư đang vay đồng USD và sau đó dùng những đồng USD đó để mua đồng Real Brazil hoặc đồng Rúp Nga và đầu tư vào các tài sản sinh lợi cao hơn ở những nước này".

 B. Carliner nhận xét đối với Mỹ, tỷ giá hối đoái của đồng USD sẽ trở thành thước đo ngày càng quan trọng của chính sách tiền tệ khi FED tìm cách thu hồi một số biện pháp kích thích tiền tệ khi nền kinh tế có dấu hiệu cải thiện. Trên thực tế, gần đây Chủ tịch FED Ben Bernanke đã bất thường công khai bảo vệ đồng USD mạnh. B. Carliner nói: "Điều đó cho thấy FED ngày càng lưu ý tới giá trị của đồng USD khi hoạch định chính sách tiền tệ".

 Liệu đồng USD có tiếp tục giảm giá hay không? Các nhà kinh tế cho rằng hầu như không có chuyện đồng USD bị mất vị thế là đồng tiền của thế giới, vì Mỹ hiện chiếm 1/4 nền kinh tế thế giới và có quá nhiều nước nắm giữ đồng USD, nên không ngân hàng trung ương nào cho phép đồng USD bị sụt giá đến mức mất vị thế này. Tuy nhiên, sự thật là không ai có thể dự đoán được mọi biến động của đồng USD.

Theo LINH ĐỨC (Chinhphu.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm