KTS Võ Trọng Nghĩa: Thiền cho tôi niềm hạnh phúc hơn mọi giải thưởng

KTS Võ Trọng Nghĩa: Thiền cho tôi niềm hạnh phúc hơn mọi giải thưởng

(PLO)-  Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa nổi tiếng với nhiều giải thưởng quốc tế danh giá nay được biết đến là người chữa lành bằng thiền.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Võ Trọng Nghĩa là một kiến trúc sư nổi tiếng, không chỉ trong nước, anh còn “chinh chiến” thế giới, mang về 150 giải thưởng. Thế nhưng không phải sự thành công hay tài năng trong nghề nghiệp mang đến cho Võ Trọng Nghĩa hạnh phúc mà đó lại là thiền, như anh tâm sự. Hướng dẫn giúp đỡ người trầm cảm thực hành thiền và chánh niệm cũng đang là một “công việc” mà vị kiến trúc sư rất đặc biệt này thực hiện trong thời gian qua.

. Phóng viên: Là một kiến trúc sư nổi tiếng, thành đạt, cuộc sống sung túc, anh đã có những điều mà ai cũng mơ ước. Thế nhưng điều gì đã khiến anh quan tâm đến thiền và dành rất nhiều thời gian cho thiền, một điều lâu nay vẫn hay được mặc định chỉ dành cho giới tu hành?

+ KTS Võ Trọng Nghĩa: Đã có một thời gian dù trong tay có rất nhiều giải thưởng, sự nghiệp thành công, công ty phát triển nhưng tôi luôn thấy đau khổ, bất an, dễ mất bình tĩnh và nóng giận. Sự nóng giận của tôi rất kinh khủng, ảnh hưởng tiêu cực đến những người xung quanh từ nhân viên công ty đến gia đình. Sau này tôi mới biết, đó là trạng thái “trầm cảm ẩn” mà nếu không tu tập thiền thì có thể tôi đã chìm trong đó và đau khổ triền miên dù được xem là thành công trong sự nghiệp và cuộc sống.

Từ năm 2012, tôi bắt đầu tìm đến thiền để cân bằng, kiểm soát cảm xúc ít nóng giận hơn nhưng mốc thời gian quyết định là năm 2017, khi tôi xác định nghiêm túc giữ giới trọn đời và hành thiền là điều quan trọng nhất với mình.

. Anh đã tìm thấy điều gì qua tu tập thiền? Được biết ở công ty anh, tất cả nhân viên giữ 5 giới và thiền ít nhất một tiếng mỗi ngày, mọi người có cảm thấy khó khăn không?

+ Thời gian ba năm tu tập ở thiền viện Pa Auk tại Myanmar, thực hành 40 đề mục thiền định và các tầng thiền tuệ mà đức Phật dạy, tôi hiểu ra rằng chỉ có thiền mới giúp loài người (chúng sinh) giảm bớt khổ đau, tiến dần đến giải thoát khỏi đau khổ.

Không ít nhân viên công ty tôi thiền rất tốt, một số người qua thiền viện Myanmar tu tập và đạt những thành tựu. Về mặt khoa học, các nghiên cứu cho biết, chỉ với vài phút thiền tập, phản ứng tâm lý của con người sẽ đi ngược lại với quá trình bị stress, tức là các hóc môn gây stress như là: Cortisol, Adrenaline ở trong cơ thể giảm, hơi thở sẽ điều hoà hơn, nhịp tim cũng sẽ chậm lại hơn, bộ phận thông minh của não (Prefrontal cortex) có cơ hội hoạt động tốt giúp giảm stress và lo âu. Hiểu một cách gần gũi và đời thường, thiền là cách rèn luyện tâm trí, hình thành một thói quen lành mạnh cho tâm trí nên công việc và chất lượng cuộc sống đều sẽ tốt hơn.

. Có phải do anh từng là người trong cuộc và đã vượt qua nên anh có niềm tin đặc biệt rằng bằng thực hành thiền- chánh niệm thì người trầm cảm sẽ vượt qua những chứng bệnh này?

+ Vì hiểu được nỗi khổ của người trầm cảm nên tôi hướng dẫn họ vượt qua căn bệnh này bằng phương pháp chính tôi đã thực chứng. Lâu nay với bệnh trầm cảm, phương pháp điều trị phổ biến là dùng thuốc hay tâm lý trị liệu. Nhưng điều đáng lo ngại là khả năng tái phát cao, bệnh này rất dễ quay lại. Khi tìm hiểu sâu về việc ứng dụng thiền trong điều trị trầm cảm, tôi biết rằng phương pháp này đã được nhiều nhà khoa học của các trường đại học danh tiếng thế giới đánh giá là đặc biệt hiệu quả, có thể trị dứt điểm.

KTS Võ Trọng Nghĩa cùng vợ con thực hành thiền

KTS Võ Trọng Nghĩa cùng vợ con thực hành thiền

Thiền giúp thay đổi cấu trúc của não, làm giảm vùng lo âu sợ hãi, tăng hoạt động của cùng não thông minh, tăng sự kết nối của vùng thông minh đến vùng sợ hãi. Vì thế người bị lo âu trầm cảm giảm các triệu chứng dần và có thể khỏi hẳn.

Tất cả nhân viên của công ty do KTS Võ Trọng Nghĩa quản lý thực đang thực hành thiền ít nhất một tiếng mỗi ngày

Tất cả nhân viên của công ty do KTS Võ Trọng Nghĩa quản lý thực đang thực hành thiền ít nhất một tiếng mỗi ngày

Người trên 40 tuổi thực hành thiền mỗi ngày trong một thời gian, não bộ được đo lường trẻ ngang não bộ của người 25 tuổi. Đó là một bằng chứng thêm nữa về ảnh hưởng tích cực của thiền đến sự phát triển bộ não của người thực hành.

. Nhiều người tin tưởng thiền sẽ giúp họ vượt qua khủng hoảng, trầm cảm nhưng không thể thực hành vì “không thể ngồi yên, không thể tập trung”. Anh có thể chia sẻ cách anh hướng dẫn người trầm cảm, lo âu, phiền não thực hành thế nào?

+ Trong thời gian qua, tôi cùng vợ và những cộng sự là những người thực hành thiền nhiều năm hướng dẫn một số người trầm cảm, đã chứng kiến những chuyển biến kỳ diệu của họ qua việc thực hành thiền và chánh niệm.

Qua trang cá nhân công ty kiến trúc của tôi, rất nhiều người hỏi về cách thực hành thiền để vượt qua trầm cảm, dù bận rộn nhưng tôi vẫn cố gắng trực tiếp trả lời. Tôi thường hướng dẫn họ thiền đi, thiền quan sát cảm giác trên cơ thể (thiền tứ đại)… Tuỳ vào độ tuổi, niềm tin, sức khoẻ của từng người mà có phương pháp thực hành phù hợp để giúp họ vượt qua khó khăn.

Một công trình ở làng gốm Bát Tràng...

Một công trình ở làng gốm Bát Tràng...

...hay công trình nhà tre lớn nhất Việt Nam (Grand World) tại Phú Quốc...của KTS Võ Trọng Nghĩa đều mang dấu ấn của thiền.

...hay công trình nhà tre lớn nhất Việt Nam (Grand World) tại Phú Quốc...của KTS Võ Trọng Nghĩa đều mang dấu ấn của thiền.

Thiền là kỹ năng sống để rèn luyện sức khoẻ tâm trí nên ai cũng có thể thực hành. Tuy nhiên cần một số yếu tố để người bệnh đạt kết quả tốt như là họ phải có niềm tin vào phương pháp đang thực hiện. Mỗi ngày luyện tập khoảng 15-30-45-60 phút tuỳ khả năng của mỗi người.

Cuối cùng là người hướng dẫn đủ định lực để hướng dẫn cho người đang lo âu, bất an, trầm cảm. Người hướng dẫn có định lực cao thì mức độ chánh niệm cao nên việc giúp đỡ người bệnh thuận lợi hơn.

. Xin cảm ơn!

Thực hành thiền làm nhỏ hệ thống lo âu trong não bộ, nguyên nhân chính gây trầm cảm

Theo nghiên cứu của tiến sĩ Sara Lazar của Đại Học Harvard, việc thực hành thiền và chánh niệm sẽ làm cho vùng hạch hạnh nhân (Amygdala) nhỏ lại, giảm hệ thống lo âu của bộ não và do đó người thực hành sẽ bớt bất an và lo lắng.

Tiến sĩ Sara Lazar của Đại học Harvard cũng chỉ ra rằng, người tu tập thiền và chánh niệm phát triển được vùng não giữa trán rất tốt so với người không thực hành thiền. Thiền tác dụng trực tiếp với phần não trước trán to ra giúp chúng ta thông minh hơn trong xử lý các cảm xúc vì nó liên hệ trực tiếp với phần hạch hạnh nhân. Do đó, hành thiền giúp chữa lành các triệu chứng của lo âu và trầm cảm rõ rệt. Dữ liệu trên được đánh giá đối với người hành thiền khoảng 30-40 phút/ngày trong vòng 3 tháng.

Giáo sư Mark Williams tại đại học Oxford (Anh) cũng cho biết, thiền có thể chữa trị những ca trầm cảm nặng mà không đáp ứng các loại thuốc chữa trị. Vị giáo sư này cho biết thêm: Những người có ý định tự tử vì trầm cảm, sau khi tu tập thiền, tình hình cải thiện rất khả quan.

Đọc thêm