Sở Y tế TP.HCM vừa cho biết mô hình “cấp cứu trầm cảm” sau hơn một tuần triển khai hoạt động đã cấp cứu thành công cho ba trường hợp bị rối loạn tâm thần. Kết quả bước đầu đã cho thấy hiệu quả tích cực, góp phần trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân TP.
Chặn đứng trường hợp kích động, tấn công người khác
Cụ thể, mô hình “cấp cứu trầm cảm” đã tiếp nhận bốn cuộc gọi cấp cứu từ người dân, trong đó có ba trường hợp người bệnh kích động, la hét, nói nhảm, đập phá đồ đạc và một trường hợp có biểu hiện muốn tự sát. Tất cả trường hợp này sau khi được tiếp cận và can thiệp điều trị kịp thời theo quy trình “cấp cứu trầm cảm” đều đã ổn định, có thể xuất viện và điều trị ngoại trú.
BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết vào chiều 26-7, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM nhận được cuộc gọi báo tin ông NVH (46 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) lên cơn kích động.
TS-BS Đinh Vinh Quang đang khám cho một bệnh nhân trầm cảm. Ảnh: TRẦN NGỌC |
Người gọi còn cho biết ba ngày trước đó, ông H kích động và nói rằng đang bị người khác ám hại. Cách đây một ngày, ông H kích động nhiều hơn kèm mất ngủ. Điều đáng nói, ông H đã tấn công một số người xung quanh. Lo sợ những chuyện không hay có thể xảy ra, gia đình gọi điện thoại đến Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM.
Đến nơi, nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM ghi nhận ông H đang bị kích động, la hét. Êkíp cấp cứu liên hệ tổng đài của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM nhờ kết nối với chuyên gia của BV Tâm thần TP.HCM.
Sau khi kết nối, chuyên gia của BV Tâm thần TP.HCM hướng dẫn êkíp cách cố định ông H và tiêm thuốc an thần để giảm cơn kích động. Sau đó, ông H được đưa tới BV Tâm thần TP.HCM để điều trị.
“Ngoài cấp cứu tâm thần kích động, Trung tâm Cấp cứu 115 cũng đã phối hợp với BV Tâm thần TP.HCM triển khai hoạt động “cấp cứu trầm cảm” theo chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM” - BS Long nói.
Trầm cảm dễ tìm đến cái chết
TS-BS Đinh Vinh Quang, Trưởng Khoa nội thần kinh BV Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết trầm cảm là một rối loạn về tâm thần. Nghiên cứu cho thấy khoảng 3% dân số thế giới bị trầm cảm và con số này có chiều hướng gia tăng do ảnh hưởng của môi trường sống. Đặc biệt, nữ dễ bị trầm cảm hơn nam do ý chí và nghị lực đa phần không mạnh mẽ.
Có hai yếu tố dẫn đến nguy cơ trầm cảm: Tác động của môi trường bên ngoài và ảnh hưởng yếu tố bên trong. Tác động của môi trường bên ngoài như bị stress, sang chấn tâm lý khi gia đình có người qua đời, tình cảm gặp nhiều ngang trái hoặc công ăn việc làm không thuận buồm xuôi gió, mất việc làm…
“Ảnh hưởng yếu tố bên trong có nghĩa cha mẹ ruột bị trầm cảm thì người con có nguy cơ dễ bị trầm cảm hơn những người khác do thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh, mất cân bằng nội tiết tố...” - TS-BS Quang nói.
Người bị trầm cảm luôn trong trạng thái mệt mỏi, buồn bã, chán nản, không còn hứng thú trong các công việc, không muốn tiếp xúc với người khác. Ngược lại, cũng có người bị kích động, bồn chồn, lo lắng.
“Làm việc không tập trung, nhớ trước quên sau, thường xuyên mất ngủ nhưng có trường hợp lại ngủ quá nhiều; giảm hoặc đôi khi tăng cân không liên quan đến chế độ ăn uống; có cảm giác vô dụng, tội lỗi, nghĩ đến cái chết và có ý định tự tử… cũng là những biểu hiện của người trầm cảm” - TS-BS Quang lưu ý.
Theo Sở Y tế TP.HCM, điều đáng lo ngại là dịch COVID-19 đã tác động lên sức khỏe tâm thần của người dân. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết năm đầu tiên của dịch COVID-19, tỉ lệ mắc chứng lo âu và trầm cảm trên toàn cầu tăng lên 25%.
Nhằm tiếp cận kịp thời người trầm cảm để chăm sóc và điều trị, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai hoạt động “cấp cứu trầm cảm”. Khi phát hiện bất kỳ ai có các biểu hiện của chứng trầm cảm nặng thì gọi điện thoại ngay đến số 115 (Trung tâm Cấp cứu TP.HCM) hoặc 19001267 (BV Tâm thần TP.HCM).
Sau khi tiếp nhận cuộc gọi, nhân viên trực tổng đài sẽ hỏi một số câu sàng lọc và báo tin khẩn cấp đến đội cấp cứu ngoại viện 115. Tiếp theo, đội cấp cứu sẽ tiếp cận hiện trường để thuyết phục và đưa người bệnh đến BV Tâm thần TP.HCM để được chăm sóc và điều trị.
Sau khi tình trạng rối loạn tâm thần thuyên giảm, người bệnh sẽ được chuyển về địa phương chăm sóc ngoại trú thông qua mạng lưới chăm sóc rối loạn tâm thần dựa vào cộng đồng.
Chuỗi hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần hậu COVID-19
“Cấp cứu trầm cảm” được xem là hoạt động khởi đầu trong chuỗi hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân TP.HCM liên quan đến dịch COVID-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Đây là một hoạt động mới vừa mang tính sáng tạo xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cuộc sống của người dân TP khi vừa trải qua đại dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử, vừa thể hiện tinh thần học hỏi, cầu tiến khi đang trên lộ trình chuyên nghiệp hóa hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng Paramedic của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM.
Trong thời gian tới, Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp tục kết nối, chia sẻ và học tập kinh nghiệm với các chuyên gia Paramedic của Sydney (Úc), nơi có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động cấp cứu tâm thần. Đồng thời tiến hành tập huấn chuyên đề cấp cứu rối loạn tâm thần cho mạng lưới 39 trạm cấp cứu vệ tinh ngoài bệnh viện.
PGS-TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG,Giám đốc Sở Y tế TP.HCM