Kỳ bí khu mộ cổ hơn trăm năm trong Công viên Tao Đàn

Nhiều người kể lại, một cặp vợ chồng giàu có, quyền lực đã không tiếc tiền xây lăng mộ bằng hợp chất để bảo quản thi thể vĩnh hằng.

Trang du lịch Rough Guides (Anh) từng xếp Công viên Tao Đàn vào danh sách 27 "địa điểm ám ảnh nhất thế giới", vì thế làm nhiều người liên tưởng, thậm chí thêm thắt chuyện về khu mộ cổ bí ẩn đã tồn tại hơn trăm năm trong công viên này.


Khu mộ được xây bằng hợp chất ô dước (vôi sống, cát mịn, bột vỏ sò trộn với mật mía...) có cấu trúc dạng lăng song táng, quy mô thuộc dạng lớn nhất ở miền Nam còn lại đến bây giờ.


Lối vào mộ có các trụ cột đài sen hình khối chữ nhật. Mặt trước và phía trong của thân trụ có những ô hộc trang trí. Tuy nhiên, hiện bên trong không còn dấu vết chữ viết hay hoa văn trang trí.


Mộ bao gồm tiền sảnh, sân thờ và nhà mộ. Người vào viếng mộ phải khom người qua một vòm cổng hẹp và thấp (khoảng 1,4 m).


Trước vòm cổng là bình phong tiền án ngữ nhằm che khuất tầm nhìn của những người hiếu kỳ.


Chui qua vòm cổng, sát vách tường bao bên phải có một mộ nhỏ tương truyền là của thuộc tướng bị bại trận đã tự sát chôn theo chủ nhân mộ chính.


Trên hai tấm đá có hai dòng Hán văn ghi nội dung chi tiết. Bia tả (bia nằm bên trái nhìn từ cổng vào) ghi chữ “Đại Nam”, là quốc hiệu nước ta từ năm 1938, tiếp theo là “Hiển khảo trọng giang (?) Ất Mùi (vị) (?) thu quyên (?) chủ húy tự trường Lâm Tam Lang chi mộ”; tạm dịch nghĩa là: “Mộ cha là con trai thứ ba Lâm gia”. Còn dòng Hán văn ghi trên bia hữu tạm dịch là: “Mộ mẹ vợ nhà họ Lâm”.


Theo một số tài liệu thì đây là mộ ông Lâm Tam Lang, tự “Nguyên thất”, mất vào mùa thu Ất Mão (1795) và bà Mai Thị Xã - vợ ông. Ông Lâm người gốc Quảng Đông, theo dòng người Hoa lánh sang VN khi nhà Thanh lật đổ nhà Minh, lấy vợ người bản xứ (người Việt, họ Mai). Nhiều nhà nghiên cứu căn cứ vào hai chữ “Đại Nam” đầu bia để nhận định mộ có thể được xây dựng vào năm 1895.


Bên ngoài các vòng tường bao vây tạo thành ba cổng vào khu mộ chính.


Nhà mồ liên kết nhà bia qua một rãnh máng nước. Mái lợp 10 ống ngói, viền đòn nóc và đặc biệt có đắp gờ hình đầu rồng và ngẫu tượng voi phục cách điệu.


Từ bình phong hậu đến trụ cổng ngoài của ngôi mộ dài nhất 11,2 m; rộng nhất là 7,6 m.


Ông Lâm Tam Lang được một số tài liệu xác định là ông tổ có hậu duệ đời thứ tư là cụ Lâm Quang Ky - Phó tướng của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Hậu duệ  đời thứ bảy là ông Lâm Đình Phùng lại không theo nghiệp binh đao, là nhạc sĩ Lam Phương, bắt đầu sáng tác nhạc khi mới 13 tuổi.


Ngày 10-4-2014, UBND TP quyết định công nhận mộ cổ họ Lâm là di tích lịch sử cấp thành phố để gìn giữ, bảo tồn.


Đây là một trong những ngôi mộ hợp chất có diện tích lớn và kiến trúc đẹp còn lại ở TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới