Kỳ diệu những giếng nước ngọt giữa biển khơi

Một ngày đầu đông, tôi  theo chân những ngư dân Hậu Lộc, Nga Sơn (Thanh Hóa) đi trên một chiếc thuyền máy ra vùng nuôi ngao của họ. Để ra được những chiếc chòi canh ngao đang nằm giữa bao la sóng nước phải vượt quãng đường dài hơn 2 hải lý.

Con thuyền máy nổ phành phạch đưa chúng tôi qua những cánh rừng phòng hộ. Từ cách xa khoảng chừng vài trăm mét, chúng tôi đã bắt đầu thấy thấp thoáng những chiếc chòi canh ngao dựng lô nhô giữa bốn bề sông nước. Phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ chúng mới đến được nơi được gọi là “xứ sở của ngao”. Ở đó, tôi bắt gặp những gương mặt sạm đen, rám nắng, mặn mòi gió biển.

Hàng trăm chiếc chòi canh ngao của ngư dân lênh đênh trên biển cách đất liền hơn 2 hải lý

Anh Bùi Văn Dũng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc vừa đưa chúng tôi đi vừa kể: “Trước đây, nghề nuôi ngao chưa được nhiều người biết đến nên những ai nuôi ngày đó thì giàu to. Nhưng những năm gần đây, người ta nuôi nhiều, giá ngao rớt nên lời chẳng được bao nhiêu, đó là chưa kể đến có những năm mưa bão, không kịp gom ngao mà chỉ lo bỏ của chạy lấy người vào đất liền thôi”.

Nói rồi anh Dũng thở dài, đàn ông thì không sao, phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng đã gắn với nghề thì cũng cứ phải quăng quật ngày đêm ở ngoài này. Nghề nuôi ngao, lấy đêm làm ngày vì lúc đó nước mới rút, ngao nổi lên thì mới bắt được. Khi thủy triều rút để lộ những vệt loang lổ trên những những chiếc cọc chòi canh ngao là buổi lao động cực nhọc của ngư dân bắt đầu.

Sau một đêm lao động, xúc, rửa sạch sẽ, ngư dân sẽ đưa ngao vào bờ. Sau những chuyến vào đất liền, ngư dân lại vất vả chuẩn bị cơ man là thức ăn, đồ dùng. Những năm trước, không có nước ngọt, họ phải dùng những chiếc xô nhựa, can… để đựng nước, làm sao để có thể dùng cho ít nhất 1 tuần.

Bao nhiêu năm qua, công việc của người nuôi ngao cứ lặp đi lặp lại như thế. Việc có được nước ngọt giữa biển khơi bao la này chỉ là giấc mơ. Vậy mà hơn 1 năm nay, điều kỳ diệu ấy đã trở thành sự thật khi sáng kiến khoan giếng của người dân được thực hiện.

Nước giữa biển ngọt hơn nước đất liền

Việc khoan giếng để tìm nước ngọt giữa biển đã là khó tin vậy mà nguồn nước ngọt ngư dân tìm thấy lại ngọt hơn cả nước trên đất liền. Bao đời nay, do ảnh hưởng của nguồn nước mặn nên nước mà người dân vùng biển Hậu Lộc, Nga Sơn dùng vẫn có vị của biển, không những thế, năm nào cũng phải đối mặt với nỗi lo thiếu nước ngọt trong mùa nắng hạn. Để chống chọi với hạn hán, hầu hết các gia đình ở đây đều phải xây bể dự trữ nước mưa dùng quanh năm. Vậy nên, việc tìm ra nguồn nước ngọt giữa biển khơi mênh mông nước mặn này được xem như là một kỳ tích.

Chúng tôi đến thăm chiếc chòi canh ngao nhà anh Bùi Xuân Ngãi (Nga Tân- Nga Sơn). Anh Ngãi là một trong những người đầu tiên tìm ra nguồn nước ngọt trên biển.

Thứ nước ngọt tìm thấy giữa biển ngọt hơn so với nước ở một số vùng ven biển

Nói về giếng nước ngọt, anh hồ hởi kể lại như khoe về một “chiến tích”. Sau khi vay mượn được vài trăm triệu đầu tư vào đồng ngao để mưu sinh, nhưng vì không có nước ngọt, hai vợ chồng anh cứ một tuần lại thay nhau dong thuyền về chở nước ra, vừa vất vả lại tốn kém. Khi nghe người ta nói ở đồng ngao Kim Sơn, Ninh Bình có người khoan được giếng nước ngọt, anh đã chạy ra tận nơi để hỏi thực hư. Nhưng rồi anh được biết thứ nước giếng mà người ngư dân ở Ninh Bình tìm được cũng chỉ để tắm giặt vì vẫn bị lợ, không thể nấu ăn được. Anh thất vọng quay về nhưng vẫn muốn thử ở vùng biển của mình.

Anh quyết tâm tìm thợ chuyên khoan giếng đưa thiết bị máy móc ra chiếc chòi canh lênh đênh giữa biển. Vậy là tranh thủ khoảng 3 tiếng mỗi ngày, khi thủy triều rút khỏi bãi ngao, anh và đội thợ lại hì hụi khoan. Mất 3 ngày, mũi khoan mới chạm đến độ sâu 110m. Và may mắn, mũi khoan đã chạm đúng mạch nước ngọt nằm sâu dưới đáy biển.

“Lúc phát hiện ra mạch nước ngọt, vui đến trào nước mắt. Để chắc rằng thứ nước không bị mặn hay lợ, tôi lấy tất cả nồi niêu, xoong chảo, thùng, can nhựa trong chòi ra đổ nước vào theo dõi. Sau nhiều ngày đựng trong xoong nhôm, thùng nhựa, nước từ giếng khoan vẫn trong veo không đóng váng, không đổi màu đỏ sắt, không có mùi lạ” - anh Ngãi vui mừng nói.

Anh Nguyễn Ngọc Minh, xã Ngư Lộc cũng vui mừng không kém khi nói về giếng nước ngọt đã được tìm thấy của gia đình. “Để khoan một chiếc giếng như thế này phải mất cả tuần mới xong vì vừa khoan vừa dò mạch nước. Như chiếc giếng này, thợ phải khoan sâu 120m. Tính tổng chi phí mất khoảng hơn chục triệu đồng” - anh Minh cho biết.

Có nước ngọt, ngư dân thoải mái dùng sinh hoạt mà không vất vả vào tận đất liền lấy như những năm trước

Theo lời kể của anh Minh thì những năm trước khi chưa có nước ngọt, khoảng một tuần anh lại phải vào bờ chở nước ra để sinh hoạt nên phải dè xẻn. Mỗi lần vào bờ là lỉnh kỉnh đủ thứ can lọ đựng nước ngọt mang ra chủ yếu là phục vụ nấu ăn. Còn tắm giặt có khi để dành vào bờ mới dám tắm.  Mỗi lần vào, ra mất đứt 6-7 lít dầu máy. Những ngày nước thủy triều lên cao thì không sao, gặp hôm nước kém, thủy triều xuống cạn thì việc đi lại càng thêm vất vả. Bây giờ thì nước ngọt dùng thoải mái mà quanh năm không bao giờ hết, mà nấu ăn cũng cảm giác ngon hơn thứ nước được chở từ đất liền ra. 

Qủa thật, chỉ khi vộc tay lấy một ít nước thử tôi mới tin ngư dân ở đây đã nói không sai, tôi không thể phát hiện ra bất cứ vị mặn, lợ như thứ nước khoan trong đất liền ở các huyện ven biển Thanh Hóa mà tôi đã từng uống.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng may mắn khoan được giếng nước ngọt. Nghe tin anh Ngãi tìm được nước ngọt, hàng trăm chủ đồng nuôi ngao ở vùng Hậu Lộc, Nga Sơn kéo đến xem. Họ không tin được ở giữa chốn biển khơi lại có thể mọc lên một giếng nước ngọt. Khi được mục sở thị, nhiều chủ đồng đã mạnh dạn thuê thợ về khoan giếng, nhưng hầu hết đều thất bại. Hàng trăm mũi khoan xuống nhưng chỉ có khoảng mấy chục mũi trúng được nguồn nước ngọt.
Anh Nguyễn Văn Ngọc, trú tại xã Ngư Lộc cho biết: “Chúng tôi cũng đã khoan thử nhưng không được. Có những chỗ khoan sâu đến 140m mà vẫn không thấy nước. Trong khi đó cách nhà tôi không xa, nhà hàng xóm bên cạnh lại có”.

Chia tay những gương mặt sạm đen, rám nắng trên những chiếc chòi lênh đênh giữa biển, chúng tôi trở lại đất liền khi thủy triều lên cao, những cơn gió thổi phần phật trên các mái chòi, từng con sóng lớn nối nhau tung bọt trắng xóa tựa như niềm vui của ngư dân khi tìm ra nguồn nước ngọt giữa biển khơi bao la...

Theo Nguyễn Thùy/dantri

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới