Kỳ họp tới sẽ quyết định ngày bầu cử ĐBQH khoá mới

Sáng 15-9, UBTVQH đã thảo luận về kế hoạch chuẩn bị cho kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIII dự kiến phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20-10 và dự kiến bế mạc vào ngày 26-11-2015 tới (tổng thời gian làm việc 31 ngày, không tính các ngày nghỉ).

Các Thành viên UB TV Quốc Hội thảo luận về kỳ họp sắp tới của Quốc Hội 

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Dự kiến kỳ họp 10 sẽ xem xét thông qua 16 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 11 dự án luật khác. Đồng thời xem xét các vấn đề KTXH, giám sát và các vấn đề quan trọng khác… “Đặc biệt trong kỳ họp này QH sẽ xem xét quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với đại biểu QH và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Tổng Thư ký QH…”, Chủ nhiệm VPQH cho biết.
Cũng theo ông Phúc, trong kỳ họp này QH tiến hành giám sát chuyên đề và xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của các cơ quan của QH. QH sẽ dành thời gian để xem xét việc thực hiện các nghị quyết của QH, kết luận của UBTV QH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay và trên cơ sở đó tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Các ý kiến tại UBTVQH đều đánh giá chương trình kỳ họp rất nặng, nhiều luật lớn, phức tạp, nhạy cảm. “Theo kế hoạch, tùy vào mức phức tạp của luật sẽ làm cả ngày, hay một buổi… chỉ tính riêng xây dựng luật đã mất hơn 18 ngày nên 31 ngày làm việc, liệu có đủ?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt câu hỏi.

Trước vấn đề này Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Không nên thúc ép quá thời gian mà ảnh hưởng chất lượng làm luật. Chẳng hạn như các bộ luật (hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự) nếu không thảo luận kỹ thì không chốt được, vì thế phải tính toán thời gian hợp lý”.

 
Box: kỳ họp 10 dự kiến sẽ xem xét thông qua 16 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết gồm: Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính (sửa đổi);Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật tạm giữ, tạm giam; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật trưng cầu ý dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán; Luật thống kê (sửa đổi); Luật an toàn thông tin; Luật phí, lệ phí; Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật khí tượng, thủy văn; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội.Nghị quyết của Quốc hội về việc chấm dứt hiệu lực thi hành đối với Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội (nếu có).
Đồng thời, kỳ họp 10 cũng cho ý kiến 11 dự án luật như Luật ban hành quyết định hành chính; Luật về hội; Luật báo chí (sửa đổi); Luật tiếp cận thông tin; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm