Thật ra đây là một phát minh của ông Sonam Wangchuk, một kỹ sư cơ khí địa phương, nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước trầm trọng ở xứ sở Ladakh, CNN đưa tin.
Tháp băng khổng lồ nằm giữa sa mạc trông như một hiện tượng khoa học kỳ bí. Ảnh: CNN
Nổi tiếng là miền đất có khí hậu khắc nghiệt với lượng mưa cực khan hiếm và nhiệt độ dao động từ nóng đổ lửa chuyển đến lạnh cóng nhanh chóng.
Nơi đây được biết đến là nơi duy nhất trên thế giới, khi bạn ngồi giữa trời nắng và giấu chân vào nơi có bóng râm, bạn có thể cùng lúc bị say nắng nhưng lại tê cóng chân.
Ladakh có nghĩa là "vùng đất của những ngọn đèo", được kẹp giữa hai dãy núi cao ngất trời là Himalaya và Côn Lôn. Bởi lượng mưa khan hiếm, nước sinh hoạt và tưới tiêu đa phần do tuyết tan mà có. Tuy nhiên, do Trái đất đang dần nóng lên, lượng băng tan càng trở nên bất thường. Nước sinh hoạt sẽ thừa thãi vào mùa hè nhưng lại cực khan hiếm vào mùa đông.
Trước tình hình đó, năm 2014, ông Sonam Wangchuk đã có một phát minh khá đơn giản nhưng lại hữu ích trong việc "cất giữ" lượng nước thừa thãi vào mùa hè để dành cho mùa xuân. "Tôi từng thấy băng tuyết đóng dưới cây cầu vào tháng 5 và hiểu rằng phần lớn băng đã tan bởi ánh nắng mặt trời chứ không phải do nhiệt độ không khí, vậy là tôi bắt đầu nảy ra ý tưởng này” -ông nói với CNN.
Nước phun ra từ miệng tháp nhanh chóng biến thành khối băng. Ảnh: CNN
Wangchuk đang cùng các tu sĩ và đồng nghiệp thảo luận về mô hình tháp băng. Ảnh: CNN
Tháp băng hình nón mà Wangchuk phát minh gọi là "stupa" băng, theo tên gọi của các ngôi mộ cổ ở châu Á. Không cần sử dụng điện hay máy bơm, tháp băng hoàn toàn được tạo ra bởi hiện tượng vật lý.
Trước hết, ông đặt một đường ống ngầm dưới đất nối liền nguồn nước với vị trí tháp băng. Nguồn nước cần ở vị trí cao hơn tháp băng tầm 60 m để tạo nên áp lực dòng chảy. Khi nước được phun ra khỏi ống sẽ bị nhiệt độ lạnh đóng băng, tạo thành một tháp hình nón. Với cấu trúc hình nón này, băng sẽ tan cực chậm. Tháp băng cao 6 m này có thể chứa 150.000 lít nước, kéo dài từ mùa đông cho đến giữa tháng 5.
Theo Wangchuck, để xây dựng một tháp băng như vậy, ông mất 125.000 đôla cho phiên bản quy mô đầu tiên của mình. Mặc dù nó có giá khá đắt đỏ nhưng hiệu quả mang lại khá đáng kể. Hiện chính phủ Ladhaki đang lên kế hoạch áp dụng phát minh này vào thực tiễn.