Kỹ-nghệ thuật gốm Chăm đã được tôn vinh và bảo vệ

(PLO)- Gốm Chăm - một trong những di sản văn hoá tiêu biểu của vùng Đông Nam Á còn tồn tại cho đến nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-11 vừa qua, nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam đã được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Đây là một tin vui, làm nức lòng bao nhiêu người quan tâm đến những giá trị văn hoá Chăm.

Gốm Bàu Trúc đại diện cho gốm Chăm

Nghề làm gốm là một trong những nghề thủ công truyền thống của người Chăm. Nghề gốm hiện nổi tiếng nhất là làng Bàu Trúc (tiếng Chăm là Hamu Crauk/Trock) thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Vì vậy, gốm Bàu Trúc hiện nay là đại diện cho gốm Chăm.

Bàn tay nghệ nhân gốm Chăm. Ảnh: NSNA Hà Bình (tỉnh Khánh Hoà)

Bàn tay nghệ nhân gốm Chăm. Ảnh: NSNA Hà Bình (tỉnh Khánh Hoà)

Nghề làm gốm của người Chăm có từ rất lâu đời, từ thời kỳ văn hoá Sa Huỳnh. Nét độc đáo nổi bật của gốm Chăm là kỹ thuật tạo tác và nung. Gốm của người Chăm không dùng bàn xoay mà làm trên bàn kê, đi quanh và đi giật lùi quanh sản phẩm. Để làm láng bề mặt, nghệ nhân hoặc người thợ dùng vải thấm nước để chà láng.

Gốm Chăm cũng không tráng men nhưng sản phẩm làm ra vẫn rất tinh xảo. Trên thân gốm, hình trang trí cũng được tạo bằng tay, bằng những vật dụng đơn giản như que, răng lược, vỏ sò…

Một nét độc đáo nữa của gốm Chăm là không nung trong lò mà nung lộ thiên, bằng củi, rơm, trấu và phân trâu, phân bò khô. Chính vì thế, độ chín của đất sét không đều nhau, tạo ra những mảng màu khác nhau trên sản phẩm rất độc đáo, lạ mắt. Một đôi khi, trên mặt tượng còn dính vảy trấu rất thú vị.

Kỹ thuật làm đất của gốm Chăm cũng là cả một sự thú vị. Gốm làm từ đất sét. Nhưng nổi tiếng nhất và đúng điệu nhất là đất sét khai thác ngoài đồng làng Bàu Trúc gần sông Quao. Đất sét được khai thác từng mảng, đem về đập vụn rồi ngâm nước trong hố đất. Sau khi đất sét nhão ra, người làm gốm đem trộn với cát mịn, theo một tỉ lệ bí quyết và tuỳ thuộc vào kích thước sản phẩm. Đạp, nhồi hỗn hợp này đến khi dẻo, bọc kín lại để tránh thoát nước, khi cần thì lấy ra từng ít một để nặn.

Sản phẩm đã được tạo hình xong, để 2 – 3 ngày cho khô mặt, sau đó đem hong nắng, rồi chất thành đống để nung khoảng 6 – 7 giờ đồng hồ. Sau khi nung xong, khi sản phẩm còn nóng, nghệ nhân dùng màu tự nhiên từ vỏ cây săng ổi, trái thị, vỏ hạt điều… vẩy hoặc tô lên gốm tạo nên những mảng màu sắc độc đáo. Hiện nay, gốm Chăm đã được người thợ gốm dùng kỹ thuật chống thấm, nhất là với bình hoa, vò nước… nên giữ được màu sắc và chất lượng khá tốt.

Gốm Chăm sâu thẳm của cái đẹp tự nhiên

Gốm Chăm là sản phẩm thủ công nên dù là sản phẩm gia dụng hay tác phẩm trang trí cũng đều quý. Vì đều là cái duy nhất, không bao giờ có thể tìm thấy hai sản phẩm giống nhau hoàn toàn. Từ lâu, bên cạnh sản phẩm truyền thống như lò, nồi, ấm… gốm Chăm đã chuyển sang làm đồ gốm trang trí.

Mô hình tháp thu nhỏ, bình hoa, chậu hoa, tượng các vị thần, tượng Apsara…đã có mặt trong các khu du lịch, sân vườn, góc phòng, hành lang, đường đi, tạo cảm giác ấm áp, thâm trầm, sâu thẳm của cái đẹp tự nhiên, thô tháp mà vẫn tinh tế, gợi cảm. Và đó là đề tài vô tận của các văn nghệ sĩ từ xưa cho đến nay.

Gốm làng Chăm – Tranh sơn dầu của Hoạ sĩ Lê Huỳnh (tỉnh Khánh Hoà)

Gốm làng Chăm – Tranh sơn dầu của Hoạ sĩ Lê Huỳnh (tỉnh Khánh Hoà)

Theo truyền thuyết, Po Klaung Can là ông tổ của nghề gốm Chăm. Hiện nay, vẫn còn đền thờ để tưởng nhớ và ghi ơn vị thần tổ nghề. Nghệ nhân gốm truyền thống trước đây đều là phụ nữ, hiện nay đã có nhiều người nam làm nghề.

Gốm Bàu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp (Chakleng/Caklaing), thuốc nam làng Phước Nhơn (Pabblap)… là những di sản văn hoá quý giá và đáng tự hào của người Chăm, đều cần được tôn vinh và bảo vệ.

Riêng nghề gốm, sự hiện diện của nhiều dòng gốm, kể cả gốm nước ngoài, đã làm cho gốm Chăm phải cạnh tranh khó khăn, giá bán thành phẩm không cao như giá trị vốn có, làm cho nghề thủ công truyền thống có nguy cơ thu hẹp lại, thậm chí thất truyền. Bởi thế, gốm Chăm đã được đưa vào danh sách Di sản cần được bảo vệ khẩn cấp. Đó là niềm vinh dự cho gốm Chăm, một trong những Di sản văn hoá tiêu biểu của vùng Đông Nam Á còn tồn tại cho đến nay.

Có lẽ, chúng ta tiếp tục chờ đợi nghề dệt thủ công của người Chăm ở Việt Nam tiếp tục được đưa vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp trong một tương lai thật gần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm