Ký sự pháp đình: Con và cha...

Hai bị cáo là hai anh em ruột. Thằng anh đang theo học một trường cao đẳng, thằng em là học sinh phổ thông. Một lần đi cắt cỏ cho bò tại xã Nhuận Đức, Củ Chi (TP.HCM), nghe thằng em rủ cầm liềm vào công ty gần đó đào trộm cây cảnh mang về bán, thằng anh hùa theo. Mới nhổ được hai cây, chúng đã bị bảo vệ công ty bắt. Ra công an, chúng khai rằng trước đó đã nhổ trộm bốn cây cảnh mang bán cho một người trong xóm lấy 80 ngàn đồng. Theo kết quả giám định, bốn cái cây cảnh trị giá 800 ngàn đồng. Chừng ấy là quá đủ để chúng bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội trộm cắp tài sản.

1. Người cha chừng 60 tuổi, mặc chiếc áo bộ đội đã bạc màu hoen hố vì nhựa cỏ, dắt chúng lên tòa từ rất sớm. Thằng anh mặc nguyên chiếc áo đồng phục của trường, đeo balô cấp tập chạy theo ba vì nó vừa phải lên trường xin phép nghỉ học. Thằng em to cao hơn nhưng gương mặt non choẹt do thua anh tới năm tuổi.

- Sao bị cáo lại đi ăn trộm? - chủ tọa hỏi thằng em.

- Thưa, con không có tiền mua sách vở nên mới trộm...

- Bị cáo có muốn đi học không? - chủ tọa lần lượt hỏi cả hai anh em.

- Dạ thưa, muốn ạ.

Những câu hỏi như với trẻ nhỏ được anh em chúng trả lời rành mạch. Dường như tòa đang muốn khơi gợi cho chúng sự thành khẩn và khát khao tương lai nên không truy hỏi như thông thường. Những câu đáp: “Dạ, thưa...” khi tòa hỏi được duy trì suốt từ đầu phiên xử.

Rồi có lẽ linh cảm tới những ngày phải sống sau song sắt ập đến, bất chợt thằng anh ôm mặt rưng rức. Thấy anh khóc, thằng em ngơ ngác quay sang nhìn. Một giây bất ngờ, hội đồng xét xử tạm cho anh em chúng ngồi xuống...

2. Người cha ngồi bất động ngay hàng ghế đầu phòng xử, gương mặt xạm đen hốc hác luôn đăm chiêu nhìn xuống đất. Nhưng mỗi lần vị chủ tọa lặp lại câu hỏi: “Các bị cáo có muốn đi học không?” thì ông lại khẽ giật mình, rơm rớm nước mắt, phấp phỏng ngước lên.

Ông chỉ có hai thằng con đang đứng trước vành móng ngựa kia. Nhà nghèo quá, chúng không được may mắn bằng bạn bè cùng trang lứa. Tuổi thơ của chúng ngập tràn trong những đám cỏ dại gần nhà để cắt cỏ chăm cho con bò sữa vốn là nguồn thu nhập chính của gia đình. Điều tự hào nhất với ông là dù nghèo khó cỡ mấy, ông cũng đã chạy vạy lo lắng cho chúng ăn học bằng bè bằng bạn. Thế mà chỉ vì một phút tham lam dại dột, chúng đã...

- “Sao bác lên tòa có một mình?” - tôi khẽ hỏi. “Bà xã tui bệnh quá đi không nổi, chú ạ!”. Ông vừa dứt câu thì tòa dừng phiên xử, hội ý nhanh rồi tuyên hoãn xử. Ba cha con nhìn nhau ngơ ngác. Tòa giải thích rằng khi phạm tội, thằng em chưa thành niên nhưng cơ quan điều tra lại không mời luật sư cho nó nên phải trả hồ sơ điều tra lại.

Nói vậy, người cha vẫn chưa hiểu. Vị luật sư bào chữa theo chỉ định phải gọi ông lại giải thích thêm. Rồi chủ tọa chậm rãi trấn an rằng điều tra lại chỉ là vấn đề tố tụng chứ con ông không bị tội nặng thêm. Về phần ông, nếu muốn giảm nhẹ cho con, thậm chí có được hưởng án treo thì phải khắc phục hậu quả bằng cách đến công ty nộp 800 ngàn đồng để người ta xuất hóa đơn rồi nộp cho công an. Nghe xong, ông mừng quá, chắp tay cảm ơn tòa. Ông hứa: “Tui sẽ chạy tiền đến đền cho người ta”…

Ngoài phòng xử, tôi bước đến động viên ông. Ông khóc. Ông gạt nước mắt. Ông ngước lên đọc câu tục ngữ để ví von với hoàn cảnh của mình rồi lôi tay hai con lẹ bước như muốn chúng càng tránh xa cánh cổng tòa án càng tốt. Nhưng họ vẫn đang phải hồi hộp chờ đợi một bản án phía trước...

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm