Kỳ thi diễn ra trong 2,5 ngày với năm bài thi. Trong đó có ba bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và tự chọn một trong hai bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Ít sai sót cần điều chỉnh
trong chiều 21-6, các thí sinh (TS) đã đến phòng thi để làm thủ tục, nghe phổ biến quy chế và điều chỉnh những sai sót (nếu có). Nhìn chung, TS đi khá đầy đủ, số lượng hồ sơ phải điều chỉnh sai sót không đáng kể và mọi công tác chuẩn bị ở các điểm thi đều thuận lợi.
Tại buổi làm thủ tục tại TP.HCM, hầu hết các điểm thi đều không xảy ra những sai sót đáng kể. Như tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn có 480 TS nhưng chỉ có hai em điều chỉnh nhỏ do các em làm thẻ căn cước nên không khớp thông tin theo số chứng minh nhân dân trước đó.
Ông Hoàng Sơn Hải, trưởng điểm thi tại Trường THCS Nguyễn Thị Thập, quận 7, cho hay trường có 24 phòng thi với 565 em dự thi. Trong buổi làm thủ tục thì có khoảng 90% em có mặt và không sai sót gì đáng kể, số còn lại có thể do các em chủ quan đã nắm rõ thông tin nên không đến.
Là một trong những điểm thi có số lượng TS dự thi đông nhất TP nhưng điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo vẫn có mặt đầy đủ 100% TS đến nhưng chỉ có hai TS điều chỉnh trong tổng số gần 1.000 TS dự thi. Hai trường hợp này cũng liên quan đến số chứng minh và việc cộng điểm ưu tiên.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, cho biết có hơn 99,6% TS có mặt làm thủ tục, vắng 261 TS, chủ yếu là các TS tự do. Theo ông Đạt, hầu hết các em không phải điều chỉnh sai sót, chủ yếu chỉ chỉnh lại thông tin cá nhân nên không đáng lo ngại cho việc thi của các em.
Theo báo cáo nhanh của hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, số TS có mặt trong buổi làm thủ tục dự thi đạt tỉ lệ gần 100%. Tại An Giang, số lượt TS đăng ký dự thi là 14.112, trong buổi chiều làm thủ tục có 193 TS vắng. Còn tại Đồng Tháp, số lượt TS đăng ký dự thi là 12.264, vắng 124 tại buổi làm thủ tục. Toàn bộ không có sai sót về hồ sơ và thông tin cá nhân.
Tại Cần Thơ, tổng số điểm thi là 24 với tổng số TS đăng ký dự thi: 10.341. Sau buổi chiều TS đến làm thủ tục đạt tỉ lệ: 98,39%.
Thí sinh làm thủ tục dự thi tại điểm thi trường THPT Trung Văn, Hà Nội. Ảnh: PHI HÙNG
Lo ngại thí sinh chủ quan
Khác với những năm trước, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có hàng loạt thay đổi so với mọi năm, từ hình thức, đề thi, tổ chức... nên chắc chắn ít nhiều sẽ gây bỡ ngỡ cho phụ huynh, TS và cả những người làm công tác tổ chức thi. Tuy đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ lâu nhưng vẫn khiến không ít các trường lo lắng khi ngày thi gần bắt đầu.
Như ông Hoàng Sơn Hải chia sẻ, dù mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng và kỹ lưỡng nhưng những người làm công tác tổ chức thi vẫn rất lo lắng và nóng lòng chuẩn bị. Trong đó, điều đáng lo nhất là ngay trong buổi làm thủ tục, nhiều em quên mang giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, phiếu dự thi...
“Mỗi phòng thi có khoảng 3-4 em quên trong khi trước đó hầu hết các em đều đã được dặn kỹ rồi. Thậm chí trong quá trình học và thi ở trường, chúng tôi phải nhắc nhở liên tục, rồi chuẩn bị luôn bút chì để các em quên thì có cái mà làm. Nhưng vẫn lo lắm vì năm nay thi trắc nghiệm rất nhiều, các em thiếu sót là hỏng ngay. Do đó khi làm thủ tục, chúng tôi yêu cầu thầy cô phải dặn đi dặn lại các em thật kỹ về giấy tờ và dụng cụ để làm bài, tránh thiếu sót sẽ gây lúng túng” - ông Hải nói.
Vì là một trong những địa phương có nhiều điểm thi nhất và với kỳ thi nhiều đổi mới như năm nay nên TP.HCM gặp không ít khó khăn trong công tác chuẩn bị và đòi hỏi phải cẩn trọng trong mọi việc. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, năm nay hầu hết bài thi đều thi trắc nghiệm và mỗi phòng thi có đến 24 mã đề thi nên Sở phải tập huấn kỹ lưỡng, chuẩn bị tỉ mỉ về máy móc, bao bì, bảo mật, vận chuyển... để lường hết các tình huống để xử lý. “Sở đã yêu cầu các trường và giáo viên phổ biến thật kỹ lưỡng đến từng TS, từ nhắc nhở giờ giấc, nhớ địa điểm thi, mang đủ giấy tờ và dụng cụ cần thiết để làm bài, không mang bất kỳ vật dụng gì trái quy định vào phòng thi, nhất là điện thoại và tài liệu... để không xảy ra những trường hợp đáng tiếc nào” - ông Đạt nói.
Không tạo áp lực cho thí sinh Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã lưu ý như vậy tại buổi kiểm tra công tác làm thủ tục trước khi thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, TP.HCM chiều 21-6. Ông Nhạ nhắc nhở cán bộ coi thi phải tạo không khí thoải mái cho TS tự tin làm bài, không tạo áp lực không đáng có trong phòng thi sẽ khiến TS căng thẳng làm bài không tốt. Ngoài ra, cần bảo quản, bảo mật tốt đề thi vì đang vào mùa mưa, khi vận chuyển từ phòng này sang phòng khác bị thấm ướt khiến đề thi không chính xác, ảnh hưởng đến kết quả làm bài. “Phải làm tốt công tác bảo mật đề thi giữa các buổi thi để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đồng thời chấm thi phải nghiêm túc, đảm bảo công bằng, vì nhiều em nghiêm túc làm bài thì chấm thi cũng phải công tâm. Ngoài ra, Sở GD&ĐT TP cần lưu ý khi công bố điểm thi không tắc nghẽn mạng, thuận lợi cho TS truy cập” - ông Nhạ nói. Xem gợi ý bài giải chín môn thi trên plo.vn Từ ngày 22 đến 24-6, các TS sẽ tham dự kỳ thi chính thức. Ngay sau mỗi môn thi, mời TS và phụ huynh truy cập vào plo.vn để xem nhận định, gợi ý bài giải từ những giáo viên có nhiều kinh nghiệm. |