Kỳ thi THPT quốc gia: Cần cuộc đại phẫu!

Sau hàng loạt tiêu cực trong chấm thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình, dư luận cho rằng cần phải đánh giá lại kỳ thi THPT quốc gia này nhằm chấn chỉnh chuyện thi cử, học hành.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận xét: “Một kỳ thi với hai mục tiêu khác nhau - xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học-cao đẳng (ĐH-CĐ) là rất khó đạt được”.

Cần phải mổ xẻ, cải thiện quyết liệt

. Phóng viên: Thưa ông, sau những vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình, ông nhận xét gì về kỳ thi THPT quốc gia vừa qua?

+ PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa: Kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD&ĐT chủ trì triển khai với mục tiêu không chỉ là kỳ thi “2 trong 1” mà còn có mục tiêu lớn hơn là đánh giá chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông.

Về mặt ưu điểm, thứ nhất, Bộ đã nỗ lực và có nhiều chính sách, biện pháp, hoạt động để triển khai kỳ thi hướng đến sự nghiêm túc, toàn diện, mang tính khách quan, công bằng để đạt được độ giá trị và tin cậy. Thứ hai, kỳ thi đã đánh giá mặt bằng chung của cả nước, có thể dùng để xét tốt nghiệp THPT và để các trường ĐH-CĐ sử dụng trong công tác tuyển sinh.

Tuy nhiên, kỳ thi năm nay xảy ra những vụ tiêu cực mà có ý kiến cho rằng đã đi vào lịch sử thi cử Việt Nam. Đến thời điểm này đã có ba tỉnh có những sai phạm nghiêm trọng và dư luận chắc vẫn còn chưa yên tâm. Việc khởi tố vụ án hình sự và khởi tố, bắt tạm giam các cán bộ ở cả ba địa phương đã cho thấy tính chất rất nghiêm trọng của vụ việc, không thể xem đây chỉ là trường hợp cá biệt.

. Hạn chế của kỳ thi thể hiện ở những điểm cụ thể nào ạ?

+ Hạn chế của kỳ thi thể hiện trên một số khía cạnh. Độ khó của đề thi là chưa ổn định; năm 2017 chúng ta đã thấy “mưa điểm 10”, đến năm 2018 lại quá khó, có hiện tượng “trắc nghiệm hóa tự luận”. Việc chấm thi trắc nghiệm và tự luận đều có vấn đề. Công tác thanh tra, giám sát tuy đã có văn bản quy định rõ, có sự tham gia của nhiều phía nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Phần mềm chấm thi còn cần phải cải thiện. Việc giao quyền chủ trì tổ chức thi cho Sở GD&ĐT ở các địa phương cần đánh giá lại về năng lực, kỷ cương, đội ngũ. Đó là mặt chủ quan. Còn về khách quan, quả thực không ít sở phải chịu nhiều áp lực, tác động từ nhiều phía trong xã hội, dễ dẫn đến tiêu cực.

Tóm lại, bức tranh thi cử chỉ thành công một phần, kỳ thi vẫn còn có những sai phạm. Ngành GD&ĐT cần phải cải thiện quyết liệt hơn nữa để cố gắng làm sao đạt được mục tiêu nêu ra là kỳ thi sẽ góp phần đánh giá chất lượng việc dạy và học.

Cần đánh giá lại kỳ thi THPT quốc gia để việc thi cử được nhẹ nhàng, hiệu quả, không tiêu cực nhằm tạo sự công bằng cho các thí sinh. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Hai mục tiêu khác nhau không thể nhốt cùng một rọ

. Thưa ông, đã có kết quả kỳ thi THPT quốc gia để dựa vào đó xét tuyển, tại sao ĐH Quốc gia TP.HCM và một số trường vẫn có đề án tuyển sinh riêng, vẫn tổ chức các kỳ thi khảo sát năng lực riêng?

+ Vấn đề các trường ĐH-CĐ được tự chủ trong tuyển sinh đã được quy định trong Luật Giáo dục ĐH. Luật này cho phép các trường ĐH chủ động trong công tác tuyển sinh, trong đó có chỉ tiêu tuyển sinh và phương thức tuyển sinh. Các trường ĐH cần phải chủ động chấp hành Luật Giáo dục ĐH và cần suy tính, cân nhắc đề xuất phương thức tuyển sinh.

Một kỳ thi với hai mục tiêu khác nhau là rất khó đạt được. Thi THPT quốc gia để đánh giá giai đoạn học phổ thông, chủ yếu kiểm tra kiến thức của quá khứ. Còn việc xét tuyển ĐH là để chọn đúng và chọn đủ sinh viên vào trường, học với giai đoạn mới, trình độ mới, tính chất mới, yêu cầu mới; nó hướng về tương lai, người học cần phù hợp với trường, ngành, bối cảnh cụ thể, sau tốt nghiệp còn là sự nghiệp cả đời.

. Vậy có nghĩa là kết quả kỳ thi THPT quốc gia không đáng tin cậy để xét tuyển ĐH-CĐ?

+ Ngay cả khi kỳ thi THPT quốc gia là tốt, có giá trị và độ tin cậy cao thì việc các trường ĐH-CĐ chủ động xét tuyển theo mục tiêu riêng của mình cũng là việc cần phải suy nghĩ. Ví dụ: Mấy năm qua một trường ĐH đơn lĩnh vực tại TP.HCM đã chủ động, tích cực triển khai tuyển chọn theo tổng điểm của ba yếu tố, chứ không chỉ duy nhất theo điểm của kỳ thi THPT quốc gia.

Và hiện tại, sau nhiều năm chuẩn bị cẩn trọng, có tính khoa học cao, năm 2018 ĐH Quốc gia TP.HCM đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển sinh viên vào học tại các trường thành viên của mình.

Việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực mang tính toàn diện với mục tiêu là tuyển lựa được các sinh viên có kiến thức, kỹ năng cơ bản, năng lực để học 4-5 năm tới trong môi trường ĐH, xa hơn là hướng đến đạt chuẩn đầu ra của từng chương trình đào tạo. Đề thi gồm ba phần, đánh giá về năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực mang tính khoa học (toán học, tư duy logic, phân tích) và năng lực giải quyết vấn đề có gắn với thực tiễn.

Năm nay chỉ tiêu dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia chiếm 2/3 nhưng tôi cho rằng lộ trình của ĐH Quốc gia TP.HCM trong thời gian tới sẽ tăng dần chỉ tiêu xét tuyển bằng kỳ thi năng lực, phần xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia sẽ giảm dần.

Các ĐH-CĐ nên liên kết để tự chủ tuyển sinh

. Luật Giáo dục ĐH cho phép các trường ĐH tự chủ, vậy tại sao các trường không tự chủ tuyển sinh mà vẫn phải dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, thưa ông?

+ Trong nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, sau đó là kỳ thi THPT quốc gia, nhìn chung các kỳ thi vẫn đáp ứng được phần lớn nhu cầu chất lượng về sinh viên của các trường.

Về phương thức tự tổ chức thi tại các trường ĐH để tuyển sinh hiện tồn tại nhiều vấn đề. Không phải các trường muốn là có thể làm, vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ quan cũng như khách quan. Không phải trường nào cũng đủ nhân lực, kinh nghiệm và chi phí để tổ chức kỳ thi riêng đó. Và cũng không nhất thiết mỗi trường đều phải tổ chức kỳ thi riêng cho mình. Nhưng không phải vì khó mà không làm, vì vấn đề tự chủ tuyển sinh đối với các trường là cần thiết, mang tầm nhìn xa trong bối cảnh hiện tại.

Với các trường, muốn chủ động tuyển sinh nhưng chưa đủ khả năng tổ chức kỳ thi riêng thì có thể liên kết với nhau tạo thành một khối sử dụng kết quả kỳ thi chung. Các trường có thể liên kết với ĐH Quốc gia TP.HCM cùng chia sẻ kết quả thi năng lực - tôi tin là kỳ thi này sẽ được đánh giá khá tốt, dù năm 2018 là năm đầu tiên tổ chức kỳ sát hạch này. Các trường cũng có thể tham khảo hoặc học hỏi một vài trường đã triển khai những sáng kiến mới trong công tác tuyển sinh.

Nhưng làm gì thì làm, các trường vẫn cần bám sát mục tiêu, đó là tuyển chọn được đúng sinh viên phù hợp với bối cảnh đào tạo tại trường mình. Các trường nên làm, vì điều đó ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu cũng như sự phát triển bền vững của trường, bên cạnh việc thực hiện Luật Giáo dục ĐH.

. Theo ông, để có thể tự chủ về nguồn tuyển sinh cũng như đảm bảo chất lượng dạy và học, các trường ĐH-CĐ nên làm gì?

+ Thứ nhất, các trường cần phải tăng cường công tác truyền thông, có chính sách, chiến lược trong tuyển sinh để thương hiệu trường được phổ biến rộng rãi, thu hút người học. Thứ hai, cần có những biện pháp mang tính kỹ thuật như phối hợp trường lớn trong tuyển sinh, đánh giá hiệu quả của các phương thức tuyển sinh.

Thứ ba, muốn tuyển sinh tốt, chất lượng tốt thì biện pháp căn cơ, lâu dài, bền vững là phải đảm bảo chất lượng thật của từng trường; xây dựng được hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, tham gia các hoạt động đảm bảo bên ngoài (như kiểm định chất lượng cấp trường, cấp chương trình, tham gia xếp hạng/xếp loại quốc tế…).

. Xin cám ơn ông.

Cho TP.HCM thí điểm tự tổ chức xét tốt nghiệp?

Tại hội nghị trực tuyến về tổng kết năm học 2017-2018, triển khai kế hoạch 2018-2019, Sở GD&ĐT TP.HCM xin cơ chế đặc thù cho TP, trong đó có việc tổ chức xét tốt nghiệp THPT. Ông nhận xét gì về đề xuất này?

Kỳ thi THPT quốc gia: Cần cuộc đại phẫu! ảnh 2
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa

+ PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa (ảnh): Trước những sai phạm của kỳ thi vừa rồi, tôi thấy ý tưởng này đáng được xem xét cẩn trọng. Về nguyên tắc, những việc quá mới, có tính đột phá thì cần thí điểm trong phạm vi phù hợp, sau đó có thể đánh giá, rút kinh nghiệm rồi triển khai rộng, kể cả trường hợp xấu nhất thì cần cải tiến.

Trước hết, Bộ nên đưa ra những tiêu chí để đánh giá xem TP.HCM có thể thực hiện được không. Mặt khác, TP.HCM cần phải nghiên cứu, gia công, cải tiến, có sự phân tích kỹ lưỡng, toàn diện về đề xuất này. Việc này có tác động không nhỏ đến các bên liên quan, đến lộ trình kỳ thi THPT quốc gia, đến sự công bằng của học sinh địa phương thí điểm và những nơi khác, đến việc tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm