Họ, có người là thủ trưởng, có người là lính nhưng tất cả đều là những cựu chiến binh (CCB) có mặt trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (17-2-1979) chống lại quân Trung Quốc xâm lược.
“Quân vay, tướng mượn, pháo bắn nhờ”
Ngày 8-1 tại Hà Nội, sau 40 năm kể từ cuộc chiến giữ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc năm ấy, họ gặp lại nhau, giữa tình đồng đội là những câu chuyện trong những ngày chiến đấu cận kề. Họ cũng nhắc về những người còn nằm lại đâu đó trên trận địa vẫn chưa được về đoàn tụ với đồng đội ở các nghĩa trang.
Những ký ức đó được các CCB Quân đoàn 14 mặt trận Lạng Sơn đưa vào cuốn sách Những người đi giữ biên cương.
Đại tá Ngô Văn Học, cũng là chủ biên cuốn sách, khi đề cập đến bối cảnh lúc cuộc chiến diễn ra đã dẫn lại câu nói vui đầy chất văn nghệ của Thiếu tướng Hoàng Đan, Tư lệnh Quân đoàn 14 đồng thời là Tư lệnh mặt trận Lạng Sơn: “Quân đoàn 14 chẳng khác nào như quân vay, tướng mượn, pháo bắn nhờ”.
Tại buổi giới thiệu cuốn sách, sáu nhân chứng lịch sử là các CCB, tác giả, đồng thời là nhân vật trong sách đã giao lưu, chia sẻ với độc giả nhiều hồi ức oai hùng của một thời khói lửa.
CCB Nguyễn Xuân Thu, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 - Sao Vàng, người trực tiếp chỉ huy đơn vị phòng ngự trên hướng chủ yếu của quân đoàn tại khu vực Đồng Đăng ngay từ giây phút đầu tiên của ngày 17-2-1979, sau những hồi ức về trận chiến đã bày tỏ tâm nguyện: “Làm đến cùng việc giải quyết chính sách liệt sĩ, tìm kiếm, cất bốc các anh, đưa các anh về với địa phương, với đồng đội trong các nghĩa trang mà chúng ta đang xây dựng”.
Chiến sĩ ta cầm súng B41 đứng bên cột mốc biên giới Lạng Sơn - Trung Quốc. Ảnh: TTXVN
Những người giữ đất
Hồi ức của các CCB năm xưa còn là câu chuyện về những đồng đội đã ngã xuống trên trận tiền. Tác giả Chung Văn kể lại: Trong những năm tháng đó anh đã được nghe câu chuyện về binh nhất Phạm Văn Khang. Khi chiến đấu, Khang được phân công quản lý bếp ăn của đại đội, trông coi doanh trại và chăm sóc đàn heo của đơn vị. Nhưng khi nghe tin về những bản làng xung quanh bị đạn bom tàn phá, nhiều đồng đội hy sinh, anh đã gửi lại tấm thẻ đoàn của mình và khoác khẩu AK vào người, tham gia trận chiến. Binh nhất Phạm Văn Khang đã ngã xuống khi tuổi đời chỉ vừa 24.
Cũng ở tuổi ngoài 20 ấy, tác giả Hải Hà kể về một người lính “không quân số”. Người mà giữa trận tiền đã xin phép tác giả Hải Hà: “Em xin lỗi thủ trưởng, em chưa phải là bộ đội. Em xin thủ trưởng cho em được phép nhập ngũ tại đây”.
Tìm hiểu kỹ, ông mới biết rằng người thanh niên trẻ đó đang là sinh viên năm nhất Trường ĐH Xây dựng. Khi đất nước có chiến tranh, chàng sinh viên năm nhất ấy xin trường cho phép được rời giảng đường để lên đường nhập ngũ nhưng không được trường đồng ý.
Vậy là cậu quyết định “trốn trường” đi về hướng súng nổ. Cứ theo dòng người, theo những đoàn quân mà len lỏi để ra tới mặt trận. Nhưng cậu sinh viên trường xây dựng không phải là trường hợp duy nhất, có trường hợp quân đoàn đã phải tiếp nhận hai sinh viên Sư phạm Hà Nội 1 tự động bỏ học, đi theo tiếng súng nổ và lên trận địa xin nhập ngũ.
Rời quân ngũ, CCB Phạm Văn Quang trở thành một “người lính” trên thương trường, ông tếu táo bằng câu thơ: Cũng như xưa trên chiến trường chống Mỹ/ Và hôm nay trên chiến lũy thương trường… Những người lính năm xưa nay lại cùng tề tựu, tri ân những đồng đội đã ngã xuống, cùng ôn lại những kỷ niệm hào hùng mà đau thương của những ngày ra trận giữ gìn từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
Cuốn sách Những người đi giữ biên cương dày gần 300 trang được viết bởi hơn 20 tác giả, hầu hết là CCB đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại mặt trận Lạng Sơn gần 40 năm trước. Cuốn sách phản ánh một cách trung thực hơi thở cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Những người đi giữ biên cương được thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa, do các CCB mặt trận Lạng Sơn đóng góp. |