Điều toàn dân trông đợi nhất ở Đại hội Đảng lần thứ XII là Đại hội sẽ tạo ra động lực phát triển mới mà nhân dân kỳ vọng đó là sự đổi mới mạnh mẽ tiếp theo kể từ sau lần Đổi mới thứ nhất của Đại hội VI.
Cần tạo động lực phát triển mới
Mỗi một quốc gia, trong mỗi một giai đoạn cần tìm ra cho được động lực phát triển. Như một đầu tàu với một động lực mạnh, tiên tiến sẽ thúc đẩy cả quốc gia và dân tộc đi lên với tốc độ nhanh và thêm vào nữa là người cầm lái giỏi sẽ hướng quốc gia đi đúng đường.
Như chúng ta thấy, động lực chính và quan trọng nhất thúc đẩy cho đất nước chuyển mình được sau đổi mới lần thứ nhất mà Đại hội VI xây dựng chính là việc chia lại ruộng đất cho dân bằng khoán 10 và công nhận nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có thành phần kinh tế tư nhân. Người nông dân ngày đêm bám ruộng đưa năng suất lúa, màu, nông sản, hải sản lên cao nhất trong lịch sử phát triển nông nghiệp, hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân ra đời làm cho nền kinh tế thực sự khởi sắc,… Nhưng cho đến nay cả hai nhân tố chính của động lực phát triển đã tới hạn, giá trị sử dụng đã suy giảm. Người nông dân Bắc Bộ sở hữu không quá một sào đất nông nghiệp (khoảng 300 m2) thì cho dù có đổ thêm bao nhiêu mồ hôi đi chăng nữa, bắt đất quay vòng, thâm canh tăng vụ nhiều hơn nữa thì năng suất đã đến điểm tới hạn không thể tăng thêm được nữa mà chỉ làm cho đất mỏi mệt.
Chính sách hạn điền cho mỗi hộ gia đình Nam Bộ không quá 3 ha cũng đã lạc hậu không phù hợp với làm ăn lớn và áp dụng công nghệ-kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Nền kinh tế nhiều thành phần mà trong đó thành phần kinh tế nhà nước đóng vai trò là trụ cột, chủ lực của nền kinh tế quốc gia thực sự đã đến lúc xem xét, làm mới, bởi không ít các tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ mang lại nợ nần quốc gia.
Nhân dân kỳ vọng Đại hội XII sẽ tạo ra nguồn “năng lượng mới” cho sự phát triển quốc gia. Ảnh: TRỌNG PHÚ
Trong những năm gần đây, xã hội ghi nhận sự cố gắng nhất định của Nhà nước trong việc sửa chữa những chính sách lỗi thời này như cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích dồn điền đổi thửa ở miền Bắc, xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Nam Bộ nhưng chắc chắn chúng không còn là động lực thúc đẩy quốc gia bứt phá trong giai đoạn hiện nay nữa. Bởi bối cảnh kinh tế-xã hội của đất nước và của thế giới ở ngày hôm nay đã khác xa so với 30 năm trước và sẽ còn khác biệt hơn nữa so với nhiều chục năm tiếp sau.
Rõ ràng việc tìm ra động lực phát triển mới cho quốc gia vào lúc này là vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất.
Có thể động lực mới của quốc gia chính là đổi mới thể chế một cách triệt để và thiết lập các mối quan hệ quốc tế song phương tin cậy. Việc đổi mới xã hội bằng con đường “chỉ sau một đêm” là không phù hợp với Việt Nam nhưng chọn cách thức đổi mới từng phần như trước cũng không ổn. Bởi đổi mới từng phần với tốc độ chậm, chưa quyết liệt, mới diễn ra trên bề mặt, chưa chạm tới được bản chất và có không ít trong số đó mang tính “nửa vời”, cho nên sức ỳ nhanh chóng chiếm ưu thế trở lại. Nền kinh tế thị trường được phát triển đầy đủ, cải cách hành chính, cải cách nguồn nhân lực, cải cách giáo dục cần phải được đi đến tận cùng. Cổ phần hóa phải thực chất, không khoan nhượng với tham nhũng và lợi ích nhóm… là những bước đi cần thiết để góp phần tạo động lực xã hội. Cùng với đó là việc kết giao được với những người bạn tin cậy để nhận được sự hỗ trợ về thị trường, nhân lực, vốn và cả an ninh quốc phòng. Những người bạn tốt cũng giống như nguồn nhiên liệu sạch, giàu năng lượng tiếp thêm cho động lực quốc gia.
Tạo cảm hứng mạnh mẽ cho toàn dân
Một điều nữa cũng vô cùng hệ trọng là những tuyên ngôn, những chính sách, những đường hướng mới và cả những biểu tượng lãnh đạo mới phải mang lại cho toàn dân sự cảm hứng sống và làm việc một cách mãnh liệt.
Trong những năm chiến tranh, hàng triệu thanh niên ưu tú coi “đường ra trận mùa này đẹp lắm” chính là từ những lời hiệu triệu và hình ảnh cao đẹp lồng lộng của Bác Hồ. Rồi hàng vạn thanh niên gia nhập thanh niên xung phong tiến ra biên giới mà trong đó có không ít người từng là du thủ du thực, là con nhà “cành vàng lá ngọc” chưa một lần cầm cuốc xẻng đã lấy được cảm hứng từ anh Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), hay như người dân Đà Nẵng cố gắng sống tốt hơn là lấy được cảm hứng từ anh Nguyễn Bá Thanh (cố Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng).
Một dân tộc không đứng lên được nếu mỗi người dân, nhất là thanh niên không khát khao được cống hiến, được xả thân. Đất nước không thịnh vượng được nếu người mỗi dân không có khát khao được làm giàu và đất nước mãi ở vị thế thấp nếu trí thức không có khát khao được sáng tạo, được phản biện, được khám phá. Tất cả cảm hứng đó trước hết và căn bản là được bắt nguồn, được tiếp sức, được nuôi dưỡng từ những chính sách cụ thể và những con người cụ thể mang tính biểu tượng quốc gia.
Người dân Việt Nam có quyền hy vọng và chờ đợi một luồng gió mới, một “năng lượng mới” từ đại hội của dân, do dân và vì dân.