Kỳ vọng Đại hội XIII chọn ra người xứng đáng nhất

Đảng Cộng sản Việt Nam đã qua 12 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội Đảng đều để lại những dấu ấn đặc biệt và được các tầng lớp Nhân dân kỳ vọng, mong mỏi. Một không khí trước đại hội dễ nhận thấy nhất là người dân quan tâm và kỳ vọng những ai sẽ là các nhà lãnh đạo của Đảng, của đất nước trong giai đoạn mới. Việc người dân quan tâm đến đại hội đảng, đến chính trị là một điều đáng mừng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Như vậy, có thể thấy cán bộ là vấn đề trọng yếu liên quan đến sự vững mạnh của Đảng, là một bộ phận chủ yếu hợp thành và có tính chất quyết định thắng lợi trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Trong bối cảnh xây dựng đất nước hiện nay, đất nước đang rất cần một đội ngũ cán bộ đủ tài đức để xây dựng đất nước.

Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Hội nghị Trung ương 14
(khóa XII). Ảnh: VGP

Học Bác, tìm người tài, đức làm việc ích nước lợi dân

Còn nhớ, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, để xây dựng một Nhà nước của dân, do dân và vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã tự tay viết Thông lệnh “Tìm người tài đức”. Thông lệnh này nêu rõ: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”.

Người “tự nhận khuyết điểm” với những lời chân tình rằng, đã “nghe không đến, thấy không khắp”, khiến người tài đức chưa được biết tới: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận” và đề xuất: “Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.

Trong cất nhắc và sử dụng cán bộ, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”.

Người thường căn dặn: “Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được”…, “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế công việc nhất định chạy”. “Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Ðảng. Như thế là có tội với Ðảng, có tội với đồng bào”.

Nhờ tinh thần cầu hiền ấy mà đã có rất nhiều trí thức, quan lại nổi tiếng đã từ bỏ cuộc sống giàu sang để đi với cách mạng, với Nhân dân. Sau Cách mạng tháng Tám, Người đã mời cựu hoàng Bảo Đại làm cố vấn tối cao của chính phủ, mời cụ Huỳnh Thúc Kháng làm bộ trưởng Bộ Nội vụ (Bộ Nội vụ khi ấy bao hàm cả ngành công an). Bộ trưởng nắm ngành an ninh nhưng đỗ tiến sỹ Nho học triều vua Thành Thái, lúc nào cũng chỉnh tề khăn đóng, áo dài.

Bộ trưởng Quốc phòng là một thanh niên 34 tuổi, tốt nghiệp cử nhân luật Hà Nội và cử nhân văn chương của Pháp, trước đó đã làm bộ trưởng Thanh niên chính phủ Trần Trọng Kim, đó là luật sư Phan Anh. Ông Võ Nguyên Giáp 37 tuổi, xuất thân là một giáo viên dạy sử được phong thẳng lên đại tướng với giải thích rất… Hồ Chí Minh: “Đánh thắng đại tướng thì phong
đại tướng”…

Phải chọn được những người thật sự xứng đáng

Đại hội Đảng, ngoài vấn đề xây dựng văn kiện về chính trị, tư tưởng, đường lối phát triển kinh tế, phát triển xã hội, chính sách quốc phòng, an ninh, ngoại giao thì có một vấn đề hết sức quan trọng đó là khâu tổ chức, nhân sự, con người. Cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, nhưng người lãnh đạo chủ chốt của các cấp cũng có vị trí vai trò quyết định đến sự tồn vong của Đảng và của chế độ và sự phát triển của đất nước.

Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII đã đề ra một trong những nhiệm vụ và giải pháp rất quan trọng là: “Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược”. Không để lọt những người “chạy chức, chạy quyền”. Thế nhưng, thế nào là người không “xứng đáng”?

Một người lãnh đạo thường trải qua nhiều quá trình hoạt động, nhiều cương vị khác nhau. Kết quả công tác của họ chính là thước đo đầu tiên và quan trọng nhất để đánh giá về người cán bộ ấy.

Một nhà lãnh đạo tận tâm, thật sự vì dân, vì nước là người luôn thao thức, đau đáu với vận mệnh của đất nước và số phận của dân tộc mình. Hiểu như vậy, họ sẽ gần dân hơn, hiểu dân hơn, thấu lòng dân hơn để không vội vã ban hành, cho ra đời những chính sách không phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Họ sẽ không có “sân trước, sân sau”, không lợi dụng chức vụ để trục lợi, không để người thân lợi dụng uy tín của mình để sống xa hoa, lãng phí...

Đại hội XIII sẽ giới thiệu và lựa chọn các cán bộ xứng đáng vào Trung ương, đây có thể xem là “bộ óc” của Đảng, là đội ngũ tinh hoa nhất của Đảng và đất nước. Tất cả các cán bộ được lựa chọn vào Trung ương sau đại hội sẽ được giới thiệu để nắm các cương vị trọng trách của đất nước, đó chính là điều mà Nhân dân kỳ vọng và mong mỏi họ thật sự phải là những người tận tâm, tận lực, vì nước, vì dân. Vậy nên, chắc hẳn Nhân dân kỳ vọng cần phải có những cơ chế đặc biệt để lựa chọn được những người thật sự xứng đáng trong những người xứng đáng.

Trong rất nhiều những kỳ vọng vào Đại hội XIII của Đảng, kỳ vọng vào việc lựa chọn được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo thật sự xứng đáng đó là một sự kỳ vọng lớn lao.

Sợ nhất là người “không chịu sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”

Trong đánh giá, sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất công bằng, nhân văn và độ lượng. Người tin yêu những người thực sự “dĩ công vi thượng”; Người nghiêm khắc với những sai lầm của cán bộ, đảng viên. Người độ lượng với những người không may vướng phải sai lầm, khuyết điểm.

Sinh thời, Người thường căn dặn: Các cấp ủy Đảng, các cơ quan phụ trách, sử dụng cán bộ phải tạo ra môi trường “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, “có gan phụ trách, có gan làm việc”; “Khi đã trao cho họ phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác”.

Ðảng phải thương yêu cán bộ nhưng thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, phó mặc, mà “thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm”, là “hễ thấy khuyết điểm là giúp họ sửa chữa ngay để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ”.

Người thường căn dặn, đã làm con người, phàm ai cũng có sai lầm, khuyết điểm và “Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu”. Người cũng chỉ rõ, chúng ta không sợ sai lầm, bởi “có làm việc thì có sai lầm” nhưng cái sợ nhất là sợ những người “không chịu sửa chữa sai lầm và khuyết điểm” và sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới