Kỳ vọng một năm học đổi mới và an toàn

Hôm nay (5-9), hơn 22 triệu học sinh (HS) cả nước sẽ chính thức bước vào năm học mới. Đây là năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, bắt đầu từ lớp 1. Đây cũng là năm học ngành giáo dục phải thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo chất lượng giảng dạy, vừa thực hiện tốt an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Trước thềm năm học mới, giáo viên (GV), phụ huynh, HS trên cả nước đều đặt ra những kỳ vọng mới, lớn hơn cho ngành giáo dục cả nước.

Hy vọng vào chương trình giáo dục phổ thông mới

Chị Phan Tuyết Nhung, phụ huynh có con học lớp 1 tại Trường Tiểu học Thực hành, ĐH Sài Gòn, TP.HCM, bày tỏ: “Tôi hy vọng con sẽ cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Qua xem chương trình GDPT 2018, tôi thấy rõ ràng có những thay đổi theo hướng sáng tạo, khơi gợi ở trẻ niềm vui học tập.

Tôi mong con và HS cả nước khi tiếp cận chương trình mới sẽ có những thay đổi trong phẩm chất, năng lực. Các con được thực hành nhiều hơn và tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm hơn”.

Cô Phạm Ngọc Hoài Ngân, GV lớp 1 Trường Tiểu học Mê Linh, quận 3, TP.HCM, cũng hy vọng: “Bản thân là GV lớp 1, tôi cảm thấy rất hứng thú khi được tiếp cận chương trình GDPT 2018. Chương trình mới sẽ tập trung vào việc phát triển năng lực và phẩm chất cho HS. Khi HS tiếp cận chương trình sẽ không bị áp lực quá nhiều kiến thức, các con vừa học, vừa chơi, vừa khám phá và trải nghiệm”.

Còn chị Phạm Thị Hồng Phương, phụ huynh HS Lê Bảo Khánh, mong mỏi: “Tôi rất hy vọng con mình sẽ được tiếp cận một cách giáo dục mới, tự lập hoàn toàn, GV chỉ là người hướng dẫn như kỳ vọng của chương trình GDPT mới đưa ra”.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: NGUYỆT NHI

Chính sách đãi ngộ tốt hơn

Một vấn đề được các thầy cô quan tâm trong năm học mới chính là chính sách đãi ngộ cho GV để họ có thể yên tâm công tác, hết mình với HS.

“Đối với HS, hy vọng các em lớp 6 sẽ nhanh chóng bắt nhịp với môi trường mới, nắm chắc phương pháp học tập của bậc THCS. Các em lớp 9 sẽ đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Hiện bậc THCS vẫn thực hiện theo chương trình cũ, còn chương trình mới các GV đang được tập huấn. Điều đáng mừng là năm nay Bộ GD&ĐT đã tinh giản chương trình của rất nhiều môn học trước thềm năm học mới. Vì thế, GV cũng rất phấn khởi, HS đỡ áp lực hơn trong việc học” - bà Huỳnh Thái Giang, Hiệu trưởng Trường THCS An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM, vui mừng cho biết.

Lãnh đạo Trường Tiểu học Mậu Lương (Hà Nội) cũng mong mỏi: “Dịch COVID-19 gây khó khăn cho nhiều ngành nghề, trong đó có nghề giáo. Vì vậy, tôi mong việc cải cách tiền lương sẽ được thực hiện theo hướng phù hợp hơn, giúp nhà giáo có thể sống được với nghề và an tâm công tác”.

Điều chỉnh nội dung 10 môn học

Năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT điều chỉnh nội dung dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS và đảm bảo thực hiện chương trình trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Theo đó, 10 môn học sẽ điều chỉnh nội dung dạy học gồm toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, công nghệ, ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.

Nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình GDPT hiện hành; tích hợp một số nội dung thành các chủ đề; điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. 

Đẩy mạnh học trực tuyến

“Năm học này nhà trường đẩy mạnh việc dạy học trực tuyến tại trường theo nhiều giải pháp. Tiếp tục khai thác hệ thống các phần mềm giảng dạy điện tử, dạy học trực tuyến và kiểm tra, đánh giá trực tuyến.

Trường cũng chỉ đạo các tổ bộ môn xây dựng phân phối chương trình, kế hoạch giảng dạy căn cứ trên nội dung giảm tải của Bộ GD&ĐT để xác định cụ thể, thống nhất trong tổ về nội dung bài học sẽ triển khai học, kiểm tra bằng hình thức trực tuyến.

Ngoài ra, xây dựng quy chế chuyên môn, quy chế kiểm tra, đánh giá, trong đó bổ sung thêm nội dung giảng dạy, kiểm tra bằng hình thức trực tuyến. Xây dựng kho tư liệu, bài giảng trực tuyến và tài nguyên để GV, phụ huynh và HS có thể sử dụng” - thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, TP.HCM, thông tin.

Chia sẻ về năm học vừa qua, tưởng như khó hoàn thành nhưng với sự quyết tâm của ngành giáo dục, mọi thứ đều kết thúc tốt đẹp, cô Huyền Trang, GV tiểu học ở quận Hà Đông, TP Hà Nội, kỳ vọng năm học 2020-2021 mô hình học trực tuyến sẽ hoàn thiện hơn, dần dần trở thành hình thức dạy có thể thay thế cho học trực tiếp. “GV trở thành người hướng dẫn, còn HS tự học, tự tư duy phát triển theo đúng mong mỏi của chương trình GDPT mới” - cô Trang chia sẻ.

Chín nhóm nhiệm vụ và năm giải pháp

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ thị toàn ngành giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện chín nhóm nhiệm vụ chủ yếu và năm giải pháp cơ bản trong năm học 2020-2021.

Đối với những địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, sẽ tổ chức việc dạy và học trực tuyến qua Internet và trên truyền hình với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo kế hoạch năm học.

Giám đốc ĐH, học viện, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp năm học 2020-2021; thực hiện các giải pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Mục tiêu xuyên suốt trong chín nhóm nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021 là tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục.

Bên cạnh quan tâm hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non, ngành giáo dục tập trung đẩy mạnh triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT mới. Là năm học đầu tiên triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1, chỉ thị yêu cầu tiếp tục rà soát, bổ sung, đảm bảo đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, lựa chọn và bố trí đủ GV có kinh nghiệm triển khai chương trình, sách giáo khoa để dạy lớp 1. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm