VỤ “BỊ BẮT VÌ LÁ ĐƠN TỐ GIÁC NẶC DANH” Ở TUYÊN QUANG

Lách luật, đối phó vụng về

Như báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin trên các số báo trước, tháng 7-2012, ông Đặng Quang Cường ở thôn 6, xã Bằng Cốc (Hàm Yên, Tuyên Quang) chết bất thường sau khi đi đâu đó về mà gia đình không biết. Gần một tháng sau, ngày 12-8-2012, Công an huyện Hàm Yên nhận được một đơn nặc danh tố giác năm người nghi vấn có hành vi giết ông Cường là Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Quang, Đặng Văn Tuyên, Đặng Việt Sơn. Năm người này lần lượt bị bắt, bị khởi tố, điều tra về tội giết người (hồ sơ sau đó được chuyển lên Công an tỉnh Tuyên Quang).

Tuy nhiên, qua 14 lần xét xử mà TAND tỉnh Tuyên Quang vẫn không kết tội được. Khi tòa trả hồ sơ lần cuối cùng (vào tháng 11-2014), vụ án bất ngờ rẽ sang hướng khác: Cơ quan điều tra (CQĐT) thay đổi quyết định khởi tố, chuyển tội danh năm bị can từ giết người sang cố ý gây thương tích rồi sau đó đình chỉ với lý do đại diện người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố. Do vậy, năm công dân ở Tuyên Quang đã không được xin lỗi, bồi thường oan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Dưới đây là ý kiến của hai chuyên gia pháp luật về vụ án này.

Cảnh các ông Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Quang, Đặng Văn Tuyên, Đặng Việt Sơn đang thực nghiệm hiện trường vụ giết người do CQĐT quy buộc. Ảnh: Tư liệu

Ông ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao:

Đối phó vụng về và trái luật!

Theo luật, nếu không chứng minh được tội phạm, CQĐT phải đình chỉ điều tra với lý do đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm hoặc hành vi không cấu thành tội phạm. Nhưng vụ án lại rẽ sang hướng khác: CQĐT thay đổi quyết định khởi tố, chuyển năm bị can này từ tội giết người sang tội cố ý gây thương tích. Và sau đó, vin vào lý do đại diện người bị hại rút đơn, CQĐT đã đình chỉ vụ án.

Cứ cho rằng CQĐT chuyển tội danh từ tội giết người sang tội cố ý gây thương tích là đúng thì cũng phải có bản kết luận điều tra rõ ràng. Rằng các bị can không phạm tội giết người mà chỉ phạm tội cố ý gây thương tích, rồi sau đó mới tiến hành các thủ tục “hợp pháp hóa” việc khởi tố theo đơn yêu cầu của người bị hại. Đằng này, kết luận điều tra bổ sung vào tháng 12-2014 vẫn còn đó; với kết luận này, CQĐT vẫn tiếp tục đề nghị truy tố năm người nói trên về tội giết người theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS. Vậy mà CQĐT vẫn cứ khởi tố tội cố ý gây thương tích khi kết luận điều tra cũ vẫn còn, sau đó lại ra kết luận điều tra khác cho rằng họ phạm tội cố ý gây thương tích rồi đình chỉ.

Đó là chưa nói, ngày 4-3-2015, vợ nạn nhân có đơn yêu cầu khởi tố năm ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn về tội cố ý gây thương tích nhưng ngay hôm sau (5-3), vợ nạn nhân đã rút đơn yêu cầu này. Lẽ ra CQĐT phải thay đổi tội danh khởi tố (từ giết người sang cố ý gây thương tích) ngay sau khi nhận đơn yêu cầu của vợ nạn nhân. Đằng này một ngày sau khi vợ nạn nhân rút đơn (6-3), tức thời điểm mà sự kiện pháp lý để khởi tố theo đơn yêu cầu phía bị hại đã chấm dứt, CQĐT vẫn cứ ra quyết định thay đổi tội danh khởi tố. Chỉ trong vòng vài ngày tiếp đó, CQĐT đã hoàn tất kết luận điều tra về tội mới rồi căn cứ vào việc phía bị hại rút đơn để đình chỉ vụ án.

Ngoài ra, hồ sơ vụ án và chứng cứ cho thấy nạn nhân bị chết thì không thể có chuyện lúc còn sống nạn nhân chỉ bị thương tích có tỉ lệ thương tật 6% được?! Các cụ có câu “ăn vụng thì phải biết chùi mép”. Cái cách mà CQĐT làm thể hiện sự non kém về pháp luật và vụng về trong đối phó, đến người dân không hiểu pháp luật cũng thấy rõ.

Có thể nói, vụ án này có dấu hiệu oan sai rất rõ. Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam… đã vào cuộc. Vậy còn Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang thì sao? Chẳng lẽ cứ “để xem thế nào đã rồi tính”!

Đã đến lúc vụ án này cần được làm sáng tỏ để “trắng đen phải rõ ràng”. Nếu không thì dư luận khó có thể đồng tình.

Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao:

Không thể coi là khởi tố theo yêu cầu người bị hại

Trước hết, tôi khẳng định việc làm này của các cơ quan tố tụng tỉnh Tuyên Quang là hết sức trái luật. Theo tôi, vụ án này không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu người bị hại. Vì sao? Theo Điều 105 BLTTHS thì việc khởi tố theo khoản 1 Điều 104 BLHS bắt buộc phải có yêu cầu của chính người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của họ. Vụ án này cơ quan tố tụng xác định cái chết của ông Cường có nguyên nhân từ hành vi phạm tội của năm công dân này, tức ông Cường là người bị hại. Tuy nhiên, rõ ràng là ông Cường đã chết, người chết thì không thể có yêu cầu khởi tố vụ án được. Còn trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người đại diện hợp pháp thì chỉ được xét trong hai trường hợp: Một là người bị hại là người chưa thành niên hoặc người bị hại là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Từ đó, có thể khẳng định quyết định khởi tố theo yêu cầu người bị hại trong trường hợp này là bất hợp pháp.

Về vấn đề chứng minh tội phạm, lẽ ra tòa án khi xét thấy vụ án có dấu hiệu oan, sai hoặc chứng cứ không vững chắc để kết tội thì phải tuyên bố người ta vô tội chứ ai lại mở phiên xử đến 14 lần rồi hoãn xử, trả hồ sơ tới lui nhiều lần như thế. Nhưng dù sao thì việc trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung mà không phải là cố kết tội đến cùng vẫn là việc làm cần được ghi nhận và hoan nghênh. Dù sao điều này cũng thể hiện được chất lượng xét xử, tòa không kết tội khi không đồng tình với kết luận điều tra, với cáo trạng…

Sau khi nhận hồ sơ, nếu không điều tra thêm được gì mới thì CQĐT cần đình chỉ điều tra với lý do hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm. Sau đó, cơ quan tố tụng nên tổ chức xin lỗi, bồi thường oan cho năm công dân này. Cơ quan tố tụng không nên cố gắng tìm cách né tránh trách nhiệm như đã làm, gây bức xúc không chỉ cho các công dân bị oan mà còn làm bức xúc cho dư luận.

Phải sòng phẳng với người bị oan

Chuyện cơ quan tố tụng né bồi thường oan trong thời gian qua không phải là cá biệt.

Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì người được miễn trách nhiệm hình sự, người bị khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng vụ án đã được đình chỉ do người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố… thì không được bồi thường (oan).

Luật quy định như vậy tưởng như đã chặt chẽ và đầy đủ. Nhưng cũng chính từ quy định này mà cơ quan tố tụng lại “vận dụng” trong nháy nháy để né bồi thường cho người bị oan. Nào là “miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình (nhưng thực tế thì chẳng có tình hình nào chuyển biến cả, mà thực chất người bị bắt, bị truy tố hoặc kết án rõ ràng là bị oan). Rồi vụ án bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì thiếu những chứng cứ quan trọng nhưng cơ quan điều tra không thể chứng minh được tội phạm như lúc đầu khởi tố, bèn tìm ra một tội nào đó cho “hợp lý” hoặc “xúi” người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố rồi đình chỉ. Vậy là không phải bồi thường oan! Nếu người bị khởi tố, truy tố hoặc bị kết án oan có khiếu nại thì được trả lời là theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ông/bà/anh/chị… thuộc diện không được bồi thường. Vậy là xong !?

Khi xã hội đòi hỏi mọi người phải được sống bình đẳng trước pháp luật thì ở nơi này hoặc nơi khác cơ quan tiến hành tố tụng lại tìm cách lách luật để né tránh trách nhiệm. Họ cố biện minh cho việc làm sai trái của mình để giữ thể diện với cấp trên hay ít ra thì cũng "tiết kiệm" được một khoản tiền cho Nhà nước vì không phải bồi thường oan.

Tình trạng làm oan người vô tội tuy đã giảm so với trước nhưng qua giám sát của Quốc hội thì nhiều nơi tình trạng oan, sai vẫn còn nhức nhối. Nếu không phát hiện vụ oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang và sau đó Quốc hội phải có hẳn một nghị quyết về công tác giám sát tình hình oan, sai thì những vụ án bị oan hoặc có dấu hiệu oan không biết đến bao giờ mới được phanh phui một cách công khai. Qua công tác giám sát tình hình oan, sai vào cuối năm 2014, có thể nói giám sát tới đâu thì phát hiện oan tới đó. Nhiều vụ gây bức xúc cho xã hội đã được giải quyết nhưng cũng còn nhiều vụ vẫn nhì nhằng, cơ quan tố tụng vẫn không chịu thừa nhận sai hoặc đổ lỗi cho nhau. Có vụ được công luận nêu nhưng còn bao nhiêu vụ báo chí chưa có điều kiện phanh phui. Rốt cuộc thì người dân bị oan vẫn là người bị thiệt thòi nhất.

Có lẽ đã đến lúc Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Tư pháp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên sòng phẳng với người dân hơn. Nếu cần thì nên sửa đổi, bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để những trường hợp né bồi thường oan không còn đất để nảy mầm, mọc rễ!

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm