Lại ăn ngủ không yên vì mua nhà qua vi bằng

Hơn một năm nay, 16 hộ dân sống tại địa chỉ 171/11 đường TX 52, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM lo lắng vì những căn nhà mà họ đang ở bị chính quyền địa phương ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ phần xây trái phép.

Mua nhà qua vi bằng

Ông NVH, một người dân sống tại địa chỉ 171/11 đường TX 52, cho biết ông và 15 hộ dân khác mua nhà ở đây của bà T.

Diện tích mỗi căn nhà hơn 30 m2 gồm một trệt, hai lầu, giá bán từ 1,2 đến 1,5 tỉ đồng.

Khi mua, các hộ dân đã được bà T. cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng và giấy xác nhận của ngân hàng đã xóa nội dung đăng ký thế chấp.

Thủ tục mua bán giữa bà T. và người dân chỉ qua văn phòng thừa phát lại lập vi bằng xác thực hành vi các bên giao nhận tiền.

Tương tự, ông NTN cho biết: “Những căn nhà nơi đây được xây dựng trên đất ở chứ không phải là đất nông nghiệp như những trường hợp xây lụi, mua bán bằng giấy tờ tay. Thế nhưng tháng 6-2019, tôi vừa trả tiền nhà xong vào ở thì đến tháng 8-2019 ngân hàng đến dán thông báo khắp cửa nhà rằng ngân hàng sẽ thu hồi, phát mại khu đất này.

Chưa hết, vài ngày sau đó, Thanh tra Sở Xây dựng, UBND phường Thạnh Xuân lại đưa quyết định cưỡng chế tháo dỡ. Chúng tôi cố gắng tìm gặp bà T. (chủ đất) để nghe lời giải thích nhưng khi đến địa chỉ nhà bà thì không gặp được. Hiện tại người dân nơi đây quá hoang mang, không biết tính như thế nào”.

Để nghe thêm ý kiến của người bán đối với những người dân đã mua nhà bị cưỡng chế ra sao, chúng tôi tìm đến địa chỉ nhà của bà T. Tuy nhiên, sau nhiều lần tìm kiếm, chúng tôi vẫn không gặp được. Gọi điện thoại liên lạc thì bà T. từ chối trả lời.

Các hộ dân đang sống tại địa chỉ 171/11 đường TX 52, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM lo nhà sắp bị cưỡng chế. Ảnh: MINH TÂM

Khu nhà có sai phạm trong xây dựng. 

Xây sai phép, bị cưỡng chế

Trao đổi với PV liên quan đến tình trạng pháp lý của khu đất trên, một đại diện UBND phường Thạnh Xuân cho biết: Khu đất trên thuộc quyền sử dụng của bà T. Vào tháng 5-2018, bà T. được cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên phần đất trên với thiết kế một trệt, hai lầu.

Đến tháng 3-2019, Thanh tra Sở Xây dựng xuống kiểm tra công trình thì phát hiện bà T. xây dựng sai phép, xây thêm nhiều cửa chính và cầu thang nên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đã nhiều lần Thanh tra Sở Xây dựng và UBND quận yêu cầu bà T. khắc phục hậu quả theo giấy phép nhưng bà T. không thực hiện.

Đến tháng 7-2019, thanh tra xây dựng ra quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục. Quyết định này được giao cho UBND quận, UBND phường, đội thanh tra địa bàn phối hợp tổ chức thực hiện.

“Chức năng của phường chỉ là đơn vị phối hợp cùng các cơ quan liên quan thực hiện việc cưỡng chế. Ngoài ra, phường được quận giao nhiệm vụ tuyên truyền giúp người dân tránh mua nhà, đất thông qua hình thức lập vi bằng bởi sẽ có rất nhiều rủi ro.

Phường đã gắn bảng cảnh giác đề nghị người dân không mua nhà ba chung là chung giấy chứng nhận, chung giấy phép xây dựng và chung số nhà để tránh nguy cơ rủi ro” - một đại diện UBND phường Thạnh Xuân cho biết thêm.

Không được lập vi bằng mua bán nhà, đất

Theo Điều 28 Nghị định 61/2009, vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Tại Nghị định số 08/2020 ban hành mới đây, vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định.

Điều 37 Nghị định 08/2020 quy định các trường hợp không được lập vi bằng. Chẳng hạn như thừa phát lại không được lập vi bằng trong trường hợp “xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực”. Thừa phát lại cũng không được lập vi bằng trong trường hợp “ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật”.

Trước đây có một số văn phòng thừa phát lại lập vi bằng chứng kiến việc mua bán và giao nhận tiền liên quan đến bất động sản. Về sau, việc lập vi bằng như vậy đã bị một số người dân nhầm tưởng đây là hợp đồng mua bán nhà, đất. Từ đó phát sinh nhiều hệ lụy.

Chính vì vậy, Sở Tư pháp TP.HCM đã có văn bản nhắc tất cả văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP về vấn đề này. Cụ thể, thừa phát lại không được cố tình lập vi bằng việc mua bán nhà, đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền hoặc lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật. Người dân cũng cần lưu ý điều này để mình không trở thành người vi phạm pháp luật hoặc là nạn nhân.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬUĐoàn Luật sư TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm