Eurocham và GBA vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sách trắng 2017 về các vấn đề thương mại, đầu tư và khuyến nghị. Nhằm góp ý dự thảo Nghị định của Bộ Công thương về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Theo đó, Eurocham và GBA, cho rằng ô tô được nhập khẩu vào Việt Nam là những sản phẩm kỹ thuật ngày càng phức tạp và mang tính kết nối cao. Tuổi thọ dài của ô tô có tác động không nhỏ đến môi trường và xã hội nói chung.
Do đó, nhập khẩu ô tô phải là hoạt động kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với lĩnh vực kinh doanh ô tô nhằm tiếp tục bảo vệ người tiêu dùng cũng như đảm bảo an toàn giao thông, góp phần xây dựng thị trường tiêu dùng lành mạnh.
Eurocham và GBA cho rằng việc nhập khẩu ô tô phải là hoạt động kinh doanh có điều kiện để bảo vệ người tiêu dùng.
Theo đó, Eurocham và GBA đề xuất các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mới phải xuất trình cho các Cơ quan chức năng Giấy chứng nhận được cấp bởi chính nhà sản xuất của các ô tô do doanh nghiệp mình nhập khẩu.
Giấy chứng nhận này phải thể hiện rõ doanh nghiệp nhập khẩu được nhà sản xuất chấp thuận cho việc cung cấp chế độ bảo hành và phụ tùng chính hãng cũng như hỗ trợ kỹ thuật trong các chiến dịch triệu hồi sản phẩm bị lỗi áp dụng trên tất cả ô tô được nhập khẩu từ nhà sản xuất đó.
Người tiêu dùng xứng đáng được hưởng lợi không chỉ từ các sản phẩm chất lượng cao khi mua hàng mà còn trong suốt dòng đời của xe theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp nhập khẩu trong việc sửa chữa xe mới do đơn vị mình nhập khẩu thuộc trường hợp sản phẩm nằm trong chiến dịch triệu hồi.
Các điều kiện nên bao gồm năng lực của mỗi doanh nghiệp nhập khẩu trong việc bảo trì, bảo dưỡng xe theo đúng quy trình, dụng cụ và phụ tùng thay thế chính hãng theo yêu cầu của nhà sản xuất; cũng như khả năng triệu hồi các xe có lỗi kỹ thuật theo quy định tại Thông tư 30/2011 của Bộ Giao thông vận tải về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới.
Sách Trắng 2017 của Eurocham đã đề xuất các điều kiện để đảm bảo rằng các doanh nghiệp nhập khẩu, thông qua mạng lưới đại lý, phải cung cấp phụ tùng thay thế chính hãng cho những sản phẩm chính hãng nhằm duy trì chất lượng, an toàn và tiêu chuẩn kỹ thuật tại Việt Nam.
Theo Eurocham điều này không chỉ giúp các cơ quan chức năng Việt Nam kiểm soát nguồn gốc linh kiện, phụ tùng nhập khẩu, hạn chế đáng kể sản phẩm nhập lậu và không rõ nguồn gốc, mà còn giúp đảm bảo an toàn kỹ thuật cho người sử dụng ô tô chở khách. Mỗi doanh nghiệp nhập khẩu cần được hỗ trợ và đào tạo kỹ thuật trực tiếp từ nhà sản xuất nhằm đảm bảo ô tô được áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất.
Eurocham và GBA cũng đề cập đến việc thực hiện Luật Sở hữu Trí tuệ. Theo đó, mỗi doanh nghiệp nhập khẩu cần cung cấp được giấy chứng nhận từ nhà sản xuất ủy quyền cho đơn vị mình được phép sử dụng biểu tượng sản phẩm, thương hiệu và phần mềm đó tại Việt Nam.
Mỗi Doanh nghiệp Nhập khẩu ô tô mới cần phải tuân thủ Luật Sở hữu Trí tuệ tại Việt Nam. Sử dụng thương hiệu, biếu tượng sản phẩm hay phần mềm mà không có sự thỏa thuận với chủ sở hữu thương hiệu là việc cung cấp thông tin sai lệch gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và là hành vi vi phạm nghiêm trọng dẫn đến trách nhiệm pháp lý.
Quảng bá bất kỳ thương hiệu nào trên các trang mạng, quảng cáo trực tuyến, thông tin trên các phương tiện truyền thông hoặc thậm chí tại mặt tiền phòng trưng bày mà không có sự ủy quyền chính thức từ chủ sở hữu thương hiệu là việc làm không hợp pháp và cần phải nghiêm cấm nhằm tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
"Khi đảm bảo tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu đáp ứng được các điều kiện nêu trên thì sẽ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của xã hội nói chung cũng như xây dựng được một ngành kinh doanh bền vững tại Việt Nam..."- đại diện hiệp hội Eurocham và GBA nhấn mạnh.
Từng tranh cãi nảy lửa Trước đó, đầu tháng 11-2016, Quốc hội đã bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong đó đáng chú ý là nội dung bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện. Tại đây, nhiều đại biểu ủng hộ việc nhập khẩu ô tô phải là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Với những quan điểm giống như Eurocham và GBA. Tuy nhiên một số đại biểu cũng cho rằng cần đánh giá kỹ việc đưa vào, rút ra các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì nhiều doanh nghiệp vẫn thấy chưa đồng tình về quy định này và thực sự chưa tạo được động lực thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt có đại biểu cho rằng nhập khẩu ô tô nếu đưa vào kinh doanh có điều kiện sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp lắp ráp, nhập khẩu và vô tình tạo thế độc quyền... |