Lại sốt đất Bình Phước, Đắk Lắk, chuyên gia cảnh​báo nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày cuối tháng 3, ngay sau thông tin Bình Phước đề xuất Chính phủ làm cầu bắc qua sông Mã Đà để rút ngắn khoảng cách đi sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), đã xuất hiện tình trạng sốt đất trên tuyến đường ĐT 753 (khu vực huyện Đồng Phú).

Đồng thời, giá đất tại thị xã Tân Uyên, Bình Dương, giá đất khu vực gần Khu công nghiệp VSIP 3 cũng được cò đất, môi giới thổi giá lên sau lễ khởi công khu công nghiệp này.

Trước đó, sốt đất cũng diễn ra tại nhiều nơi ở Tây Nguyên như TP Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Cư Kuin, huyện Buôn Đôn, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) và thậm chí còn lan sang cả huyện Cư Jút (Đắk Nông).

Rất nhiều nhà đầu tư từ các địa phương lân cận đổ xô về khu vực gần cầu Mã Đà (huyện Đồng Phú, Bình Phước) để săn đất. Ảnh: LÊ ÁNH

Theo chuyên gia bất động sản (BĐS) Trần Khánh Quang, những đợt sốt đất đầu năm 2022 có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, sự phát triển và cả mức giá thường có tính lan tỏa từ trung tâm TP lớn đến các vùng ven. Giá BĐS các vùng ven TP.HCM hay Hà Nội đều tăng rất mạnh bởi còn thấp hơn nhiều so với vùng trung tâm. Nguyên nhân thứ hai là hiệu ứng “Fomo” (sợ bỏ lỡ cơ hội), khi BĐS được nói nhiều trên các phương tiện truyền thông, giá nhà đất tăng và nhiều người kiếm được tiền từ giá tăng đã kéo theo càng nhiều người muốn lao vào lướt sóng. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo sốt đất trong thời gian ngắn.

Thứ ba, thông tin về quy hoạch hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị cũng khiến cho nhà đầu tư kỳ vọng. Những đợt sốt đất cục bộ vừa qua ở Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai cũng xuất phát từ thông tin hạ tầng. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, những thông tin này thiếu xác thực nên đã tạo ra các cơn sốt đất ảo và nhiều nhà đầu tư mắc bẫy.

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư sử dụng công cụ tạo hiệu ứng truyền thông để hâm nóng BĐS khu vực đang đầu tư dự án.

“Hiện tại thị trường đang có dấu hiệu tăng nóng và nhà đầu tư lại thường vội vã, như vậy sẽ rất dễ dẫn đến sai lầm. Nhà đầu tư cần tỉnh táo điều tiết nhịp độ đầu tư của mình để có được vùng an toàn; lưu ý mua nhà đất phải có sổ, điều nghiên mặt bằng giá, đầu tư bằng tiền nhàn rỗi” - ông Quang chia sẻ.

Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, yếu tố lo ngại lạm phát cũng đẩy giá đất tăng, tạo sốt đất một số khu vực. Mặc dù giá BĐS tăng lên nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có. Nếu người mua cũng dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS sẽ rất rủi ro cho chính nhà đầu tư và cả hệ thống tín dụng.

TS Khương cảnh báo trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, giới đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các đòn bẩy tài chính, tránh lặp lại tình trạng “chết trên đống tài sản” đã từng xảy ra trong quá khứ. Trong chín đến 12 tháng tới, việc một số nhà đầu tư buộc phải bán tháo tài sản do không thể gánh được sức ép từ các công cụ hỗ trợ tài chính là hoàn toàn có thể xảy ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm