Cụ thể, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng những ngày đầu tuần tăng ở hầu hết các kỳ hạn; trong đó lãi suất không kỳ hạn tăng nhẹ, lãi suất các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống và kỳ hạn 6 tháng tăng tương đối với các mức tăng từ 0,47 điểm % đến 0,65 điểm %, lãi suất bình quân kỳ hạn 3 tháng giảm 0,20 điểm %, kỳ hạn 12 tháng giảm 0,91 điểm %.
Lãi suất giao dịch bình quân qua đêm những ngày đầu tuần ở mức 8,64%, đây là mức cao nhất kể từ tháng 2/2010 đến nay, vượt trội so với các mức bình quân từ 8% - 8,3%/năm trong các ngày cuối tháng 10 vừa qua.
Lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần dao động quanh mức 10%/năm; lãi suất bình quân kỳ hạn 6 tháng ở mức 11,53%, các kỳ hạn còn lại đều dao động quanh mức 10,5%.
Trong tuần qua, lãi suất cho vay cao nhất là 12%/năm, lãi suất cho vay thấp nhất là 6%/năm (không kể lãi suất không kỳ hạn).
Ngược lại, lãi suất giao dịch bình quân bằng USD trong tuần nói trên lại giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Trong đó lãi suất các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống giảm nhẹ với các mức giảm từ 0,14 điểm % đến 0,2 điểm %; lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm 0,84 điểm % hiện ở mức 0,66%; lãi suất 12 tháng giảm 0,36 điểm %. Riêng lãi suất giao dịch bình quân kỳ hạn 6 tháng tăng nhẹ 0,17 điểm %. Tuần này không phát sinh giao dịch USD không kỳ hạn.
Trong tuần qua, tác động chính là việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh các lãi suất chủ chốt vào ngày 5/11 đã nâng mức lãi suất cơ bản từ 8% lên 9%. Theo đó, lãi suất thị trường liên ngân hàng ngày 05/11/2010 tăng 0,5-1,5%/năm so với đầu tuần, hiện nay ở mức 12-13,5%/năm. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước đảm bảo yêu cầu dự trữ bắt buộc và khả năng thanh toán.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian gần đây, thị trường ngoại hối đã có một số biểu hiện căng thẳng, chủ yếu do tâm lý lo ngại về khả năng nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa và lạm phát sẽ tăng vào cuối năm. Tuy nhiên, trên cơ sở tính toán, đánh giá diễnbiến xuất nhập khẩu trong thời gian gần đây, Bộ Công thương đã công bố dự báo nhập siêu của cả năm 2010 chỉ ở mức 12 tỷ USD, thay cho dự báo trước đây là 13,5 tỷ USD.
Qua theo dõi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, áp lực lên cầu ngoại tệ sẽ giảm nhờ khả năng kiềm chế nhập siêu và nguồn cung ngoại tệ đang có xu hướng tăng trong các tháng cuối năm do nhiều khoản vay lớn bằng ngoại tệ từ nước ngoài của các tổ chức kinh tế được giải ngân, luồng vốn đầu tư và kiều hối chuyển vào trong nước đang được cải thiện đáng kể. Do đó, trong năm 2010 dự báo cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam sẽ cân bằng./.
Theo Minh Thúy (Vietnam+)