Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xem xét sửa đổi một số điều kiện ưu đãi theo hướng tạo điều kiện hỗ trợ người vay mua nhà ở xã hội trong gói 120.000 tỉ đồng giảm bớt áp lực trả lãi vay.
Tăng quy mô gói tín dụng 120.000 tỉ đồng
Theo quy định khoản 4 ĐIều 48 Nghị định số 100/2024 của Chính phủ, từ ngày 1-8-2024, lãi suất cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà tại ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ được điều chỉnh theo mức lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng quy định trong từng thời kỳ. Hiện tại, mức lãi suất này là 6,6% mỗi năm.
Như vậy, lãi suất cho vay mua nhà, thuê nhà ở xã hội tại ngân hàng Chính sách Xã hội trước ngày 1-8 chỉ có 4,8%/năm, nhưng từ đầu tháng 8-2024 mức lãi suất này đã được điều chỉnh tăng thêm 1,8%/năm, lên 6,6%/năm.
Trong khi đó, chính sách cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội của gói tín dụng 120.000 tỉ đồng tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước do NHNN chỉ định gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV lại đang có xu hướng tiếp tục điều chỉnh giảm.
Được biết, mức lãi suất cho vay hiện nay áp dụng đối với người mua nhà là 6,5%/năm, chủ đầu tư là 7%/năm. Mức lãi này đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm mạnh so với thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện chương trình, giảm 1,7%/năm. Lãi suất ban đầu đối với người mua nhà là 8,2%/năm, chủ đầu tư là 8,7%/năm.
Vừa qua có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần là TPBank, VPBank, MB, Techcombank đăng ký tham gia gói tín dụng cho nhà ở xã hội với số tiền mỗi ngân hàng là 5.000 tỉ đồng. Qua đó, nâng tổng số vốn tham gia chương trình này lên 140.000 tỉ đồng.
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc TPBank cho biết hiện nay TPBank đã cấp tín dụng cho một dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân tại TP Thủ Đức với tổng hạn mức cấp tín dụng là 680 tỉ đồng, đã giải ngân 170 tỉ đồng. Ngoài ra, TPBank thực hiện liên kết với các dự án nhà ở xã hội, lũy kế đến hiện tại đã liên kết với 6 dự án để tài trợ cho khách hàng cá nhân mua nhà ở xã hội, trong đó có 4 dự án đang hoàn thiện pháp lý để mở bán cho người mua nhà.
Trong nửa cuối năm 2024, TPBank tiếp tục tập trung mở rộng tìm kiếm, triển khai liên kết thêm các dự án nhà ở xã hội tại các địa bàn tập trung các khu công nghiệp như An Giang, Cần Thơ, Quy Nhơn, Hải Phòng, Bắc Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Long An, Đồng Nai... cho vay người mua nhà vay theo định hướng chỉ đạo chung của Ngân hàng nhà nước.
Ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc TPBank
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: Trên cơ sở danh sách dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện tham gia gói tín dụng 120.000 tỉ đồng do UBND TP.HCM công bố (gồm có 6 dự án nhà ở xã hội), hiện có 3 dự án đã và đang vay vốn tín dụng ngân hàng
"Cú hích" cho gói tín dụng 120.000 tỉ đồng
Mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định NHNN luôn khuyến khích thêm nhiều ngân hàng thương mại tham gia vào gói vay 120.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, NHNN cùng với các ngân hàng tham gia vào gói tín dụng này đang tính toán để sửa đổi nhằm tăng thêm các điều kiện ưu đãi cho người mua nhà.
Chẳng hạn, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội có thể sẽ thấp hơn 3%/năm so với lãi suất cho vay thương mại dài hạn của nhóm big 4 (hiện tại là thấp hơn 1,5-2%/năm), thời gian điều chỉnh lãi suất định kỳ 3 tháng một lần (thay vì 6 tháng/lần như hiện tại), thời gian hưởng lãi suất ưu đãi cũng sẽ được kéo dài trong 5 năm.
Đáng chú ý, sau thời gian ưu đãi, NHNN không để lãi suất thả nổi mà vẫn sẽ tiếp tục duy trì ưu đãi lãi suất cho người vay với mức thấp hơn lãi vay thương mại tối thiểu 1-2%.
Điều này tránh hiện tượng ngân hàng tự ý tăng lãi suất lên cao mà vẫn kiểm soát lãi vay trên tinh thần thấp hơn mặt bằng chung để hỗ trợ người vay hiệu quả hơn.
Tuy nhiên với chủ đầu tư, chính sách ưu đãi cho vay đầu tư dự án nhà ở xã hội vẫn được giữ nguyên như hiện tại.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết thêm: "Để tiếp tục mở rộng và tăng trưởng tín dụng cho vay nhà ở xã hội nói chung và trên địa bàn TP.HCM nói riêng, trong ngắn hạn cần tiếp tục các chính sách tín dụng ưu đãi. Trong đó, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu ưu đãi về lãi suất và thời hạn vay vốn.
Những yêu cầu này phù hợp với bản chất chính sách tín dụng nhà ở, phù hợp với hoàn cảnh, khả năng và thu nhập của đối tượng chính sách, người thu nhập thấp. Yếu tố cơ sở này sẽ tiếp tục là điều kiện thuận lợi để mở rộng và tăng trưởng tín dụng cho vay nhà ở xã hội hiệu quả và bền vững."
Đồng thời, các cơ quan chức năng liên quan cũng cần tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc về mặt pháp lý của dự án. Dự án có đầy đủ pháp lý, đủ điều kiện vay vốn hoàn toàn có thể tiếp cận thuận lợi vốn tín dụng ngân hàng nói chung và vốn tín dụng trong gói 120.000 tỉ đồng nói riêng.
Để tăng cường khả năng tiếp xúc, tiếp cận dự án, cần tiếp tục duy trì giải pháp về cung cấp thông tin, tư vấn và tháo gỡ khó khăn vướng mắc trực tiếp với phương thức phối hợp bốn bên gồm NHNN, ngân hàng thương mại, chủ đầu tư dự án và sở ngành liên quan.
"Tổ chức triển khai thực hiện những điểm mới từ Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và những điểm mới từ Luật các tổ chức tín dụng… Đây cũng sẽ là những điều kiện thuận lợi để phát triển nhà ở xã hội cũng như đối với hoạt động tín dụng cho vay nhà ở xã hội" - ông Lệnh nói.