Lãi tiền gửi tiết kiệm xuống đáy, chờ lãi vay giảm

Vietcombank đã trở thành ngân hàng (NH) đầu tiên sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2021 công bố giảm lãi suất cho vay, bao gồm cả khoản vay cũ và mới đối với khách hàng cá nhân, doanh nghiệp (DN).

Kỳ vọng giảm lãi suất cho vay

Vietcombank tuyên bố giảm tới 10% số tiền lãi phải trả cho các khách hàng là DN bị ảnh hưởng tiêu cực mức độ mạnh bởi dịch COVID-19. Đồng thời NH này cũng giảm 5% số tiền lãi phải trả NH cho các khách hàng còn lại bị ảnh hưởng bởi dịch.

Đối với khách hàng cá nhân, được giảm lãi suất 0,2%/năm khi vay vốn sản xuất, kinh doanh. Mức giảm trên áp dụng cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và vay mới của khách hàng trong thời gian ba tháng, từ ngày 22-2 đến 22-5.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho hay: Tương tự những lần giảm lãi suất cho vay trong năm 2020, đợt giảm lãi suất lần này cũng được “chạy” tự động trên toàn hệ thống Vietcombank mà không cần thông qua các bước tiếp nhận, xét duyệt các hồ sơ đề nghị cơ cấu nợ của khách hàng.

“Cách làm này không chỉ giúp giải quyết khó khăn cho khách hàng một cách kịp thời và đúng đối tượng, mà quan trọng hơn là nó còn giúp tránh nguy cơ có thể xảy ra cơ chế xin - cho, tiêu cực trong quá trình giải quyết hồ sơ cho khách hàng” - ông Thành nhấn mạnh.

Với quy mô nhỏ hơn, VietBank cũng đã đưa ra chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, các công ty xuất nhập khẩu. Theo đó, từ ngày 20-1 đến 30-6, khách hàng hiện hữu được NH này cho vay ưu đãi với lãi suất 6,8%/năm. Riêng mục đích vay để phục vụ sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu được hưởng lãi suất chỉ từ 6,5%/năm với đồng Việt Nam và 3%/năm với USD.

Một số NH khác cũng tung các gói cho vay lãi suất ưu đãi. Như HDBank giảm lãi vay trung dài hạn với lãi suất từ 6%/năm. Gói này hỗ trợ các DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh và khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà, ô tô, tiêu dùng.

Lãnh đạo Vụ Tín dụng (NH Nhà nước) cho biết: NH Nhà nước đã chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Riêng trong năm 2020, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi, thấp hơn 0,5%-2,5% so với thời điểm trước khi có dịch COVID-19.

Những ngày đầu năm 2021, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng tiếp tục giảm, kéo theo hy vọng lãi suất cho vay giảm theo. 
Ảnh: TL

Nhà kinh doanh vẫn đang chờ

Trong xu hướng lãi suất tiền gửi liên tục giảm mạnh, các DN hy vọng ngành NH sẽ giảm lãi vay thực sự. Bởi lẽ rất nhiều công ty cho biết vẫn rất khó tiếp cận vốn lãi suất thấp của NH. Hiện họ vẫn đang phải vay tiền với lãi suất khá cao, 8%-10%/năm tùy kỳ hạn dù lãi suất tiền gửi đã xuống đáy.

Bà Nguyễn Thị Hồng Quỳnh, chủ cụm Trường Mầm non Thiên An, Hương Nắng Hồng, Hồng Hà, 19-5…, chia sẻ: Trong bối cảnh tình hình bệnh dịch luôn rình rập, bà không thể dự đoán được dòng tiền. Điều này khiến bà phải tăng khoản trích lập dự phòng cho mỗi trường cao hơn so với trước đây rất nhiều.

Thêm vào đó, các phụ huynh thường xuyên tự giữ bé ở nhà khi dịch xuất hiện, hoặc khi có cảnh báo nguy cơ dịch bệnh COVID-19 đang xuất hiện ở khu vực nào đó. Điều này càng khiến cho doanh thu của trường suốt hơn một năm qua giảm trầm trọng.

“Khó khăn là thế nhưng chúng tôi không thể tiếp cận được bất kỳ nguồn vốn ưu đãi nào từ NH. Trong cả năm 2020, lãi suất tôi vay vẫn giữ nguyên ở mức 10,09%/năm, ngoại trừ được khoanh nợ gốc ba tháng. Mãi đến đầu năm 2021 vừa rồi, NH mới giảm nhỏ giọt lãi suất cho vay 0,04%/năm xuống còn 10,05%/năm. Nếu không có nguồn vốn dự trữ cộng thêm với việc nhờ người thân, bạn bè hỗ trợ thì có lẽ chúng tôi đã không thể trụ lại được đến bây giờ” - bà Hồng Quỳnh nói.

Tương tự, tổng giám đốc một công ty du lịch cũng thở dài khi được hỏi về việc đã được NH hỗ trợ như thế nào trong bối cảnh bị ảnh hưởng do dịch. Ông lắc đầu ngao ngán: “Đừng nói gì đến giảm lãi suất, ngay cả vay mới nhằm giải quyết khó khăn trước mắt nếu không có tài sản thế chấp cũng không được. Trong khi trước đó, khi chưa có dịch, chúng tôi luôn trả nợ gốc, lãi đúng hạn và chưa từng có lịch sử nợ xấu trên hệ thống chấm điểm tín dụng của ngành NH”.

Đại diện nhiều công ty khác cũng bày tỏ rất cần NH giảm bớt lãi vay cho cả khoản cũ và mới để giảm gánh nặng tài chính trong bối cảnh khó khăn, song chờ mãi vẫn không thấy.

Cửa nào để giảm lãi suất cho vay?

Tổng giám đốc một NH thương mại có trụ sở tại quận 1, TP.HCM thừa nhận: Việc giảm lãi suất để chia sẻ với DN trong lúc khó khăn là điều mà nhiều NH mong muốn, bởi cứu DN cũng chính là cứu mình. Lý thuyết là thế, song không phải NH nào cũng còn dư địa để giảm lãi suất cho vay.

“Với các NH nhỏ, nếu huy động vốn với lãi suất cao hơn so với các ông lớn để thu hút khách hàng thì lãi vay khó có thể giảm thêm được. Nghĩa là họ chỉ giữ được ổn định như năm ngoái cũng đã cố hết sức rồi” - vị tổng giám đốc NH bày tỏ.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cho rằng: Dư địa giảm lãi suất cho vay hiện không còn nhiều và nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là phải tính toán làm sao để kiểm soát lạm phát ở mức ổn định quanh ngưỡng 4%.

Bởi nếu lạm phát tăng thì lãi suất tiền gửi cũng sẽ tăng. Một khi vốn đầu vào tăng, đương nhiên vốn đầu ra (lãi suất cho vay) cũng tăng theo. Mặt khác, các NH phải kiểm soát tốt nợ xấu.

“Tuy nhiên, nếu NH Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất trên thị trường liên NH… thì cũng sẽ tác động làm giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay” - TS Hiếu phân tích.

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm

Những ngày đầu năm 2021, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại một số NH tiếp tục giảm nhẹ, trung bình khoảng 0,5%/năm. Hiện nay, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ba tháng cao nhất chưa tới 4%/năm, thậm chí có NH giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn 1-2 tháng về mức chỉ 2,9%/năm. Đây là mức thấp kỷ lục từ trước đến nay.

Nhiều tổ chức, chuyên gia dự báo lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục giảm, sau đó ổn định ở mặt bằng thấp. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm chủ yếu do các NH vẫn đang dư thừa nguồn vốn, trong khi nhu cầu vay của khách hàng thấp.

Do vậy, kỳ vọng lãi suất cho vay giảm thật sự, tránh lặp lại tình trạng lãi đầu vào thấp nhưng đầu ra cao như năm 2020, giúp NH lãi khủng trong khi DN lao đao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới