“Số vụ tai nạn giao thông (TNGT) do người lái có sử dụng rượu bia gây ra trên toàn quốc trung bình mỗi năm chiếm 16%-20% và tăng đều hằng năm, nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại về người và tài sản... Trước tình hình đó, Ủy ban ATGT quốc gia đã đề xuất và Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì xây dựng nghị định thay thế Nghị định 171”.
Ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (ATGT, Bộ GTVT), cho biết tại hội nghị góp ý dự thảo nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do Ủy ban Trung ương MTTQVN tổ chức ngày 24-9.
Phạt đến 18 triệu đồng nếu… say
Ông Hoàng Thế Tùng cho biết dự thảo sẽ tăng mức xử phạt về vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, giao thông trên đường cao tốc. Với nồng độ cồn, sẽ có ba mức đối với xe ô tô, hai mức đối với xe máy.
Với người lái ô tô, dự thảo đề xuất phạt tiền 2-3 triệu đồng khi vi phạm dưới 50 mg/
100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở. Phạt 8-12 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở (mức 2), bị tước giấy phép lái xe 4-6 tháng (mức cũ phạt tiền 7-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe hai tháng). Mức cao nhất là với người có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở sẽ phạt tiền 16-18 triệu đồng thay vì mức 10-15 triệu đồng như cũ…
Người điểu khiển mô tô, xe máy cũng chịu mức phạt 4-6 triệu đồng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở, bị tước giấy phép lái xe 4-6 tháng.
Ngoài ra, người đi xe máy đi vào đường cao tốc bị phạt 2-3 triệu đồng tùy tốc độ, bị tước giấy phép lái xe có thời hạn (trước là 200.000-400.000 đồng, không bị tước giấy phép). Việc dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái ô tô sẽ bị phạt 600.000-800.000 đồng. Xe không được quyền ưu tiên nhưng lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên bị xử phạt từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng.
CSGT TP.HCM đang ghi kết quả đo nồng độ cồn người vi phạm. Ảnh: MP
Phạt nặng chưa chắc kéo giảm TNGT
GS Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về khoa học và giáo dục (Ủy ban Trung ương MTTQVN) nêu thực tế hiện bình quân cả nước có 30 người chết vì TNGT nên việc có thêm các giải pháp để hạn chế TNGT là cần thiết.
Tuy nhiên, GS Nguyễn Lân Dũng nói: “Đừng nghĩ phạt tiền nhiều thì giải quyết được TNGT. Lương của người lao động hiện nay rất thấp. Như ở cơ quan tôi, tiến sĩ tốt nghiệp ở Anh, Nhật, Mỹ lương cũng chỉ 4-5 triệu đồng, trong khi nếu vi phạm nồng độ cồn thì phạt đến cả chục triệu đồng. Thói quen uống bia rượu của dân hiện nay chưa thay đổi. Nồng độ cồn mà nghị định quy định rất thấp, chỉ cần uống một chai bia là bị phạt nặng. Liệu mức phạt này có khả thi không?”.
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về tôn giáo, cũng cho rằng phạt cao quá người dân không có tiền để nộp. “Nhưng phải tính toán tùy từng đối tượng để phạt. Ví dụ, với đối tượng đi xe đánh võng, lạng lách mà chỉ phạt 250.000 đồng là quá nhẹ, vì nhiều trường hợp đánh võng, lạng lách đã gây tai nạn nguy hiểm cho người đi đường”.
Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ - pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQVN) Đỗ Duy Thường ý kiến: “Việc hàng trăm lái xe khách bị nghiện ma túy chẳng hạn, phát hiện phải phạt nặng cả lái xe, chủ xe vì đã quá coi thường tính mạng người dân. Hay những xe quá tải, chở quá số người quy định cần phải có chế tài phạt thật nặng”.
Một số đại biểu lo ngại tăng mức phạt chỉ làm tăng gánh nặng của dân và thêm cơ hội “đút túi” cho những CSGT tiêu cực. GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị phải xử lý nghiêm khắc những CSGT nhận tiền bỏ qua lỗi vi phạm mà báo chí, truyền thông đã phản ánh. Ông cũng đề nghị phải có biện pháp hạn chế tiêu cực đối với CSGT để tránh việc đôi co giữa CSGT và người dân.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, nói: “Xe chở quá tải tới đây sẽ bị phạt nặng vì có những con đường trị giá hàng ngàn tỉ đồng nhưng xe quá tải 90% đã hủy hoại, làm giảm tuổi thọ của nó. Xe quá tải không chỉ gây TNGT mà còn hủy hoại kinh tế nghiêm trọng”. Ông Hùng cho hay sắp tới các cơ quan chức năng sẽ bảo đảm phạt nghiêm những hành vi vi phạm giao thông và hạn chế tối đa tiêu cực, bảo đảm tiền xử phạt phải về được ngân sách nhà nước. Đồng thời, những đơn vị thuộc ngành giao thông có hành vi vi phạm an toàn đường bộ, ví dụ làm đường tạo ra vũng nước, ổ gà gây nguy hiểm cho người đi đường, cũng sẽ bị phạt nặng.
Coi chừng chặn đường mưu sinh của tài xế Tại các hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo trên ở khu vực Nam Bộ, đại diện CSGT, Thanh tra GTVT, Hiệp hội Vận tải các tỉnh, TP đề nghị tăng phạt nặng những hành vi như vượt đèn đỏ, uống rượu bia quá mức cho phép... Nhưng các đại biểu cũng tỏ ra băn khoăn về mức phạt cao sẽ gây nhiều khó khăn, người dân khó thi hành. Ví dụ, dự thảo đưa ra mức phạt tiền với người lái ô tô vi phạm về độ cồn là 16-18 triệu đồng thay vì 10-15 triệu đồng như hiện nay, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng thay vì hai tháng là quá ngặt. Bởi lái ô tô là việc mưu sinh của nhiều người dân, nếu bị phạt tiền nặng như thế, giữ bằng lái dài như thế thì dân… hết cách sống. Về dự thảo xử phạt hành vi chạy xe máy quá tốc độ trên 20 km/giờ 3-5 triệu đồng, tước bằng lái đến ba tháng, nhiều ý kiến phán đoán khả năng người vi phạm sẽ bỏ bằng lái hoặc bỏ luôn xe vì nhiều xe máy hiện nay có giá chưa tới 5 triệu đồng. Ông HOÀNG THẾ TÙNG, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT, thành viên ban soạn thảo dự thảo) Mức phạt nông thôn như thành thị là chưa ổn Tăng mức phạt để tăng sự răn đe là đúng. Tuy nhiên, chúng ta cần cân nhắc khả năng chi trả của nhân dân. Người dân vùng cao cũng bình đẳng như người dân thành thị nhưng mức phạt như nhau là không ổn nên cần nghiên cứu lại mức phạt sao cho phù hợp, vừa có khả năng răn đe vừa phù hợp với khả năng kinh tế, chi trả của người dân các vùng, miền. Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ về mức xử phạt, vùng miền, khu vực áp dụng. Những hành vi nào tiềm ẩm nguy cơ gây TNGT ở từng cấp đường, quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ hoặc đường liên xã… thì cần phải tăng mức xử phạt tương ứng, không nên cào bằng. Ông THÂN VĂN THANH, Sao không phạt mấy “ông” cầu, đường? Đọc kỹ bản dự thảo thấy rằng mức, hình thức xử phạt được mở rộng với nhiều hành vi nhưng đối tượng xử phạt chỉ nhắm vào người đi đường, người lái xe là không công bằng. Nên nhớ việc đảm bảo an toàn giao thông phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng giao thông, tổ chức và hướng dẫn của lực lượng thực thi pháp luật về giao thông chứ không chỉ là ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông... Nhưng bản dự thảo vẫn chưa thoát ra khỏi não trạng lâu nay là chỉ tập trung vào tăng chế tài xử phạt với người tham gia giao thông trong khi chế tài cho các đối tượng khác thì rất mờ nhạt, thậm chí không rõ ràng. Điển hình là dự thảo chưa mở rộng quy định và tăng mức chế tài với các “ông” cầu, đường để công trình đang thi công không đảm bảo, gây mất an toàn. Vụ người dân bị rớt xuống cầu đang tháo dỡ ở Bến Lức, Long An là một ví dụ… Ông HOÀNG ĐỨC MINH LONG, L.ĐỨC - H.TUYÊN ghi Bắn súng sơn vào xe để phạt nguội Phải cương quyết xử phạt những kẻ đầu gấu vi phạm giao thông... Những đối tượng đó rất liều lĩnh nên phải có biện pháp để xử phạt, chẳng hạn bắn súng sơn để xử phạt sau. Nếu CSGT sợ hoặc bỏ qua, các đối tượng này sẽ cứ ngang nhiên vi phạm, gây hiểm họa cho người đi đường. GS NGUYỄN LÂN DŨNG |