Mới 7 giờ sáng 17-9, ông PTH và TVP đến ghe cá của ông NVL đang neo đậu tại xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) để rủ nhậu. Đến trưa ai về ghe nấy nghỉ ngơi. Một lát sau, một người bạn đến ghe ông L. thì phát hiện ông này đã tử vong. Người này chạy qua ghe của ông H. và ông P. thì thấy cả hai ông nằm trên sàn, miệng sùi bọt mép nên cùng mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Bà Rịa. Cả hai nạn nhân đều trong tình trạng bị ngộ độc ethanol rất nặng, phải thở máy.
Tác nhân gây rối loạn tâm thần
Ngoài gây ngộ độc có thể dẫn đến tử vong, rượu còn gây ra nhiều dạng rối loạn tâm thần mà sảng rượu là một điển hình. Anh NVV (40 tuổi, Long An) làm quản lý nhà hàng, do nhu cầu giao lưu, tiếp khách nên ngày nào cũng uống bia rượu với số lượng nhiều. Một hôm mẹ anh bị tai biến mạch máu não nên anh đưa vào BV Long An cấp cứu. Đến ngày thứ ba nuôi mẹ, anh bị lên cơn sảng rượu và nhập viện điều trị. Mẹ nằm một giường, con nằm một giường cạnh nhau. Do bệnh nhân này quậy tưng vì ảo giác nên BV Long An đã chuyển lên BV tuyến trên điều trị trong tình trạng vô thức.
Theo BS Huỳnh Thanh Hiển (BV Tâm thần TP.HCM), sảng rượu là một rối loạn tâm thần liên quan đến rượu bia. Rối loạn xảy ra với người nghiện rượu lâu ngày, có điều kiện uống mỗi ngày và uống nhiều. Thời điểm sảng rượu thường diễn tiến phổ biến vào ngày thứ ba của người nghiện uống liên tiếp với các triệu chứng như run tay chân, ảo giác, sống thực vật… “Hành vi của bệnh nhân bị kích động một cách vô thức do tác động của rượu. Trong ngành tâm thần, sợ nhất là triệu chứng ảo thanh, ảo giác như nghe tiếng “tao giết mày, tao giết mày” trong đầu bệnh nhân và ra lệnh cho họ làm theo. Những hành vi này rất bất thường và khó dự đoán, gây bất an cho gia đình, xã hội” - BS Hiển nói.
Ở TP.HCM, ra đường là gặp người uống rượu bia. Ảnh: HTD
Tại BV Tâm thần TP, trong số bệnh nhân bị rối loạn tâm thần có 5% bệnh nhân bị sảng rượu.
Ngoài ra, uống rượu bia nhiều sẽ khiến con người sa sút thể chất, tinh thần, dễ gây hấn, có ý định tự sát, lo âu… BS Hiển đặc biệt lưu ý việc nghiện rượu bia sẽ tác động lớn làm giảm hormone nam, tăng hormone nữ, làm teo tinh hoàn và vú to. Ngoài ra, nó cũng làm giảm ham muốn tình dục và rối loạn cương dương. Tuy nhiên, điều này không được chính bản thân người sử dụng rượu bia thừa nhận.
Lúc nào cũng có người uống rượu bia lái xe
Không chỉ gây tác hại trực tiếp vào thân thể, thần kinh, nhân cách mà rượu bia còn là một nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) do người uống không làm chủ được hành vi của mình.
Điển hình là anh TTH (27 tuổi, Gò Vấp) đi nhậu về khuya tông vào xe rác vỡ sọ phải lắp sọ nhân tạo nhưng sau đó vẫn không ngán! Là dân xây dựng nên anh này uống rượu bia với khách hàng rất nhiều nhưng vẫn chạy xe máy về. Mới đây, sau “tăng một” với bạn bè chưa đã, anh đi “tăng hai”. Kết quả là anh bị say bét nhè và tự đâm vào cột điện. Người đi đường đưa anh vào BV quận Phú Nhuận, sau đó chuyển qua BV Chợ Rẫy. Rất may là kết quả chụp CT chưa thấy tổn thương não lần hai. Anh cho biết: “Đang chạy xe và buồn ngủ quá nên tự đâm vào cột điện”.
Tại hội thảo thực trạng sử dụng rượu bia trong thanh thiếu niên do Trung tâm Truyền thông và giáo dục sức khỏe (Sở Y tế TP.HCM) tổ chức ngày 18-9, Trung úy Đỗ Quang Hưng (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM) cho biết trong chín tháng đầu năm 2015, trên địa bàn TP xảy ra 45 vụ TNGT nghiêm trọng có nguyên nhân trực tiếp do người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, tăng ba vụ so với cùng kỳ năm 2014, làm 42 người chết và 10 người bị thương.
“Việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông hiện nay rất đáng báo động. Tại TP.HCM bất cứ thời điểm nào cũng có người uống rượu bia tham gia giao thông, đặc biệt là thanh thiếu niên” - Trung úy Hưng cảnh báo.
Đô mạnh mới... oai phong! Nguyễn Lê Trí (sinh viên năm ba Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) cho biết nhậu là một hình thức giúp bạn thấy vui vẻ, thoải mái. Bất kể lúc nào, khi rảnh rỗi chỉ cần một người đề xuất, cả đám đồng tình thì đều có thể nhậu. Với nhiều bạn trai “đô” cao thì lại rất thích nhậu, đó là cách giúp thể hiện “đẳng cấp” với bạn bè. “Chỉ có nhậu mới dễ phân biệt được “thắng thua”, một lần nhậu trụ được đến phút cuối thì rất oai, với phái nam đó là một vinh dự trên bàn nhậu” - Trí nói. Nguyễn Văn Hữu (sinh viên năm hai Trường CĐ Xây dựng số 2, Thủ Đức) cũng đồng quan điểm: “Riêng bản thân mình, nhậu để mua vui, nhậu vô mới sống thực với bản thân mình, nói cười thoải mái. Dường như nhậu trở thành một thói quen của mình. Giờ có chuyện vui hay buồn gì tụi mình đều nhậu, rớt môn nhậu, thất tình nhậu, rớt tiền cũng nhậu, thậm chí sáng ra thấy trời mưa buồn thì việc đầu tiên nghĩ đến cũng sẽ là uống vài ly bia cho đỡ sầu đời”. Theo ThS tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), kết quả nghiên cứu thực trạng nghiện rượu bia của nam sinh viên và người trẻ tuổi tại một số TP cho thấy có gần 40% người sử dụng rượu bia một cách bình thường, hơn 21% có xu hướng lạm dụng rượu bia, hơn 20% nghiện nhẹ, 16% nghiện vừa và 4,6% nghiện nặng. HÀ PHƯỢNG 33% là tỉ lệ người Việt Nam có sử dụng rượu bia theo thống kê của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), trong đó số người lạm dụng rượu bia lên tới 18%. |