20 giờ, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ 3 (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) nhộn nhịp người ra vào. Trong căn phòng ngổn ngang đồ đạc, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Kết nối sức trẻ đang tất bật làm việc. Người phân loại, gấp quần áo cũ xếp vào bao tải, người tỉ mỉ đóng gói từng hộp bút, vở, bánh kẹo. Mỗi người một nhiệm vụ, vừa làm họ vừa chuyện trò rôm rả.
“Sẽ nấu bữa cỗ tất niên thật ngon”
Phía gần cửa ra vào, Lê Nguyên Thạch, sinh viên (SV) ĐH Bách khoa Đà Nẵng, đang hì hụi đặt bao quần áo cũ vừa xin được vào góc tường.
Nói về chuyến đi sắp tới, Thạch hào hứng: “Cả nhóm chuẩn bị mang Tết đến với các em nhỏ Tú Nất, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My. Ngoài quần áo, sách vở, bánh kẹo, lần này tụi em sẽ nấu một bữa cỗ tất niên thật ngon để vui xuân với các em”.
Góp lời Lê Nguyên Thạch, thành viên khác của CLB là Lê Quốc Huy, cùng là SV ĐH Bách khoa Đà Nẵng, chia sẻ: “Sau mỗi chuyến phượt, hình ảnh về những em bé vùng cao ăn mặc phong phanh, đi chân đất, nghịch đất đá ven đường trong cái lạnh cắt da cắt thịt luôn ám ảnh mọi người trong đoàn. Chính nó đã thôi thúc tụi em phải làm một điều gì đó để giúp cuộc sống của các em nhỏ vơi bớt nhọc nhằn”.
Rất nhiều quần áo ấm được các thành viên quyên góp dành tặng cho trẻ em vùng cao. Ảnh: TÂM AN
Bán sức lao động để gây quỹ
Hồi CLB mới thành lập, nhọc nhằn, khó khăn là điều chẳng thể kể xiết. Thay vì đi vận động tài trợ, các thành viên làm đủ công việc để kiếm tiền gây quỹ, từ rong ruổi xin ve chai, làm đồ thủ công, bán hàng dạo cho đến phân loại vải, bốc vác mướn. Nhớ lại thời gian này, Thạch tâm sự: “Nhắc đến phân loại vải mà em nổi da gà. Những lúc ấy bụi bám trắng tóc mấy bạn nữ, anh em cầm hộp cơm ngồi trên đống vải mà động viên nhau cùng cố gắng. Còn bốc vác á, lúc làm “hổ báo” bao nhiêu, lúc về thê thảm bấy nhiêu. Cầm đôi đũa gắp mắm còn rớt lên rớt xuống. Khắp người vừa đau ê ẩm vừa ngứa ngáy, bứt rứt nhưng anh em vẫn nhìn nhau cười vì biết công sức của mình sẽ đổi được những gì”.
Và bộ dụng cụ cắt tóc chưa tới 1 triệu đồng dành tặng thầy cô và các em học sinh xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang chính là món quà giá trị đầu tiên mà nhóm mua được từ số tiền dành dụm ấy.
Có một điều đáng quý là cho đến bây giờ, khi CLB đã nhận được nhiều sự ủng hộ, tin tưởng của các mạnh thường quân, các thành viên vẫn tiếp tục “bán sức lao động” để gây quỹ. Bởi “có thấy được giá trị công sức mình bỏ ra thì mới cảm nhận được hết niềm hạnh phúc trong nụ cười của các em nhỏ mỗi khi đón nhận những món quà”.
Ước giúp được nhiều hơn cho trẻ bớt lạnh
Mọi người đang mải mê làm việc thì nghe tiếng xe máy bạch bạch ngoài sân. “A, bánh mì về rồi” - Huy reo lên rồi chạy phắt ra ngoài. Một lát sau, cậu bạn trở lại và xách theo những ổ bánh mì nóng hổi chia cho từng người. “Tối nào cũng vậy, tan học là mọi người chạy đến đây luôn nên chưa ai ăn gì cả” - Huy nhoẻn miệng cười.
Ám ảnh trẻ rét run vì thiếu quần áo ấm Những gương mặt ngây ngô, đáng thương của những em học sinh bán trú ở xã miền núi Trà Cang, huyện Nam Trà My cứ ám ảnh tôi. Mùa đông trên đó rất khắc nghiệt, trời lạnh và mưa liên miên. Ban ngày còn đỡ, đêm đến sương mù giăng phủ tứ bề, đứng cách vài mét cũng khó nhìn thấy mặt nhau. Ấy vậy mà đa số các em chỉ có một, hai bộ quần áo mỏng, cũ rách. Rất nhiều em bị ghẻ vì cả tuần mới tắm một lần hoặc mặc đi mặc lại một bộ quần áo bẩn. SV NGUYỄN THỊ THẢO DUYÊN, |
Ngồi giữa đống đồ ngổn ngang, Đoàn Khánh Trang (SV Trường CĐ Kinh tế kế hoạch Đà Nẵng) vừa ăn vừa tranh thủ ghi chép số hàng hóa quyên góp được. Đây là năm thứ hai Trang đồng hành cùng CLB mang yêu thương đến với các em nhỏ vùng cao. Gặng hỏi về những kỷ niệm, Trang bật cười: “Kể sao cho hết, chị ơi. Nhưng nhớ nhất với em có lẽ là chuyến đi tới xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang, cách biên giới Lào khoảng 5 km. Tụi em chạy xe máy từ sáng tới tối mịt, sau đó phải cõng trên lưng mì tôm, sách vở đi bộ hàng tiếng đồng hồ đường rừng mới đến nơi. Mấy đứa con gái tụi em đều bật khóc vì mệt và sợ. Rồi lúc nhìn thấy các em nhỏ đi chân đất, ăn mặc phong phanh chạy ùa ra đón, cảm giác mệt mỏi trôi qua nhanh chóng. Lúc ấy trong đầu em chỉ có duy nhất suy nghĩ giá như em có thể làm được nhiều hơn để mùa đông của các em đỡ lạnh”.
Hơn hai năm “cháy” hết mình với CLB, Thạch, chàng thủ lĩnh được mọi người ví như “chiến binh”, tâm sự: “Sau mỗi chuyến đi các thành viên dần trở nên thân thiết như anh em trong nhà. Mọi người cùng nhau vui chơi, tham gia các hoạt động thiện nguyện, cùng nhau bước qua những năm tháng đẹp đẽ, ý nghĩa nhất của tuổi trẻ. Đó cũng là điều khiến tụi em cảm thấy tự hào và hạnh phúc nhất”.
Nhiều hành trình ý nghĩa cho trẻ miền núi Quảng Nam CLB Kết nối sức trẻ vốn được thành lập bởi một nhóm bạn trẻ đam mê chinh phục những cung đường. Sau hai năm hoạt động, CLB thu hút rất nhiều SV, cựu SV của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP tham gia. Đối tượng giúp đỡ chủ yếu của nhóm là các em học sinh bán trú tại các xã miền núi xa xôi, hẻo lánh nhất tỉnh Quảng Nam. Đến nay CLB Kết nối sức trẻ đã thực hiện nhiều hành trình như Áo ấm mùa đông, Hướng về miền Trung, Trà Cang - Ngày trở về, Tây Giang yêu thương 2… |