Làm gì để du lịch đường thủy TP.HCM cất cánh?

(PLO)- TP.HCM cần cải thiện cảnh quan ven sông, giải quyết tình trạng ô nhiễm, đầu tư cầu tàu, bến cảng… mới có thể phát triển du lịch đường thủy hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, trong kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2023-2025, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ khai thác du lịch đường thủy trên tất cả tuyến sông Sài Gòn. Nhiều chuyên gia cho rằng để làm được điều này ngành du lịch TP còn rất nhiều việc phải làm.

Lướt sóng trên sông Sài Gòn. Ảnh chụp tại Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất. Ảnh: THU TRINH

Lướt sóng trên sông Sài Gòn. Ảnh chụp tại Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất.
Ảnh: THU TRINH

Bà TRẦN PHƯƠNG LINH, Giám đốc tiếp thị - công nghệ thông tin Công ty BenThanh Tourist:

Rác thải và ô nhiễm vẫn đang là thách thức

Hiện nay, BenThanh Tourist có thiết kế nhiều tour một ngày như chèo sup lướt sông Sài Gòn và xuyên rừng ngập mặn ở Cần Giờ. Tuy nhiên, lượng khách có nhu cầu tham gia trải nghiệm tour du lịch này còn khiêm tốn. Tour du lịch này cũng chưa được xếp vào các sản phẩm chủ lực của công ty.

Chất lượng vệ sinh môi trường đường thủy cũng là vấn đề cần phải bắt tay cải thiện ngay vì điều này ảnh hưởng trực tiếp tới cảm xúc trải nghiệm của du khách. Bởi hiện nay rác thải sinh hoạt, ô nhiễm môi trường vẫn đang là một thách thức cho ngành du lịch TP.HCM.

Nếu so sánh với một số quốc gia có sản phẩm du lịch đường sông phát triển mạnh như Pháp, Trung Quốc, Singapore hay Thái Lan thì TP.HCM chưa có sự đầu tư về cảnh quan hai bên bờ sông. Ngoài ra, thiếu vắng các tòa nhà kiến trúc đẹp, các điểm vui chơi giải trí hấp dẫn và cũng chưa có được các lễ hội ánh sáng ấn tượng để thu hút du khách.

ThS MÃ XUÂN VINH, Phó Trưởng bộ môn Du lịch và lữ hành Trường ĐH HUFLIT:

TP.HCM thiếu hạ tầng du lịch đường thủy

Hạn chế lớn nhất của du lịch đường thủy TP.HCM là vấn đề bến bãi, cầu tàu, hệ thống nhà vệ sinh và vấn đề rác thải trên sông. Hiện nay chỉ có một số bến bãi nhưng chưa có nhà chờ cho du khách, không có nhà giữ xe để phục vụ kết nối với những phương tiện giao thông khác. Các độ tĩnh không của hệ thống cầu trên các kênh rạch và sông cũng chưa đồng nhất và phù hợp.

Nếu như có sự đồng thuận của các bên liên quan với những hành lang pháp lý thì con số 500.000 lượt khách/năm có thể là khả thi nhưng doanh thu 300 tỉ đồng/năm thì còn lệ thuộc vào chất lượng sản phẩm du lịch, tính hấp dẫn và giá trị ưu việt của từng dịch vụ bổ trợ khác.

TS DƯƠNG ĐỨC MINH, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch:

Cần xây dựng sản phẩm đột phá

TP.HCM đặt ra mục tiêu thu về 300 tỉ đồng/năm với du lịch đường thủy là có thể đạt được, quan trọng là chúng ta kích cầu, kích thích đúng chi tiêu. Để đạt được mục tiêu này, TP.HCM cần đầu tư bến bãi, hệ sinh thái hai bên bờ sông, bổ sung điểm dừng kích thích chi tiêu của du khách.

Hệ sinh thái dịch vụ đi kèm phù hợp với sức chứa 500.000 lượt khách/năm và kích thích được chi tiêu của du khách thông qua việc mua sắm, tiêu dùng, tham quan... Có thể lấy một ví dụ tại ấp đảo Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ), TP đang nỗ lực hình thành sản phẩm gắn liền với văn hóa đời thường, văn hóa hằng ngày, đi kèm dịch vụ rất hấp dẫn.

Hiện nay, chi phí du lịch đường sông đắt hơn đường bộ nên khi du khách chi nhiều tiền hơn nhưng lại có cảm giác giống như đường bộ thì sẽ thất vọng. Do vậy, TP cần xây dựng sản phẩm đột phá, sản phẩm thật sự hấp dẫn.

Đối với các nước, dòng sông gắn với không gian đô thị và màu sắc của công nghệ hiện đại. TP.HCM cũng có thể làm được điều này, chiếu lazer, chiếu sáng sông nước. Mới đây chương trình “Dòng sông kể chuyện” đã làm được điều này và cần phát triển nó thành gói sản phẩm gắn với sông nước.

Ông PHAN ĐÌNH HUÊ, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt:

Cần tận dụng thị trường 10 triệu dân

Hiện chuỗi giá trị du lịch trên sông Sài Gòn rời rạc nên vấn đề quan trọng hiện nay là phải tổ chức thành chuỗi. Chỉ cần khách có nhu cầu thì kết nối các dịch vụ vận chuyển mặt đất, trên sông, ăn uống, tham quan, giải trí...

Tại sao Thái Lan, Hong Kong, Singapore đều đặt văn phòng đại diện ở TP.HCM? Mục đích của họ là thu hút lượng khách du lịch đến với nước họ. Trong khi TP có 10 triệu dân thì sao không xem đây là thị trường khách lớn sử dụng các dịch vụ đường thủy? Chỉ nói khách đến mà không nói đến khách “trong” TP là một sai lầm. Đừng bao giờ bỏ quên thị trường khoảng 10 triệu người dân ở TP, đặc biệt là sinh viên các trường ĐH trên địa bàn.•

Nhiều nước làm du lịch đường thủy rất hiệu quả

Các nước trên thế giới chuộng mô hình chợ nổi, chợ trên sông, đó là hệ thống đô thị ven sông gồm đô thị cổ và dịch vụ đi kèm bên bờ sông. Họ đã có quy hoạch đồng bộ từ bến neo đậu, cầu tàu cũng như xây dựng các cảnh quan, điểm đến đặc sắc trải dọc hai bên bờ sông. TP.HCM nên học hỏi từ các mô hình này.

TP.HCM cũng có thể phát triển du lịch đường thủy bằng những tuyến ngắn với thời gian 30-60 phút. Trên sông Chao Phraya ở Bangkok, Thái Lan phát triển chợ nổi Amphawa có hành trình 3 tiếng nhưng du khách chỉ ngồi trên tàu 30 phút, còn lại là thời gian tham quan điểm đến trên bờ.

TP cần mở rộng sự phát triển hướng về phía sông Sài Gòn, cần có những khu chợ đặc trưng, khu phố đêm, khu tham quan, vui chơi, mua sắm hai bên bờ sông. Hiện các du thuyền trên sông của chúng ta đang mạnh ai nấy làm mà không có sự liên kết. Tất cả đơn vị đồng loạt có giờ xuất phát, giờ kết thúc… tạo nên hiệu ứng rất tốt.

TP cũng có thể tận dụng diện tích mặt nước tổ chức khu vui chơi giải trí như chèo sup, chèo thuyền nhỏ. Sản phẩm du lịch đòi hỏi tính nhất quán, đồng bộ và thường xuyên. Không phải các sản phẩm thường niên mà sản phẩm hằng tuần, thường lệ. Đặc biệt, TP vận động con người tham gia làm du lịch. Ở các quốc gia người dân tham gia vào du lịch đường sông là quy định bắt buộc. Chính họ là người tạo ra xu hướng du lịch.

Ông NGUYỄN TRẦN HOÀNG PHƯƠNG, Quyền Viện trưởng Viện Du lịch xã hội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm