Làm gì với hàng ngàn căn hộ tái định cư 'bỏ hoang'?

(PLO)- Đã qua nhiều lần đưa ra bán đấu giá nhưng không có người mua, hàng ngàn căn hộ tái định cư đành bỏ hoang, xuống cấp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khi nguồn cung nhà ở xã hội (NƠXH) khan hiếm thì rất nhiều căn hộ tái định cư (TĐC) xây dựng xong lại bỏ không, không có người ở. Để tránh lãng phí đầu tư và tạo thêm nguồn cung nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, nhiều chuyên gia đề xuất chuyển đổi, cải tạo nhà TĐC thành NƠXH để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.

Tránh lãng phí nguồn lực

Tại TP.HCM, hiện nguồn cung NƠXH sụt giảm, không có dự án mới. Trong khi đó, sau nhiều lần đưa ra bán đấu giá, 3.790 căn hộ TĐC thuộc khu 38,4 ha phường Bình Khánh (TP Thủ Đức), nằm trong chương trình 12.500 căn hộ TĐC khu đô thị mới Thủ Thiêm đã hoàn thành từ năm 2015 vẫn… ế, không có người mua.

p10-bai-tdc.jpg
Hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ không nhiều năm tại TP Thủ Đức, sau bốn lần bán đấu giá
không thành. Ảnh: MINH LONG

Hàng ngàn căn hộ này có vị trí đắc địa trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, đã hoàn thiện nhưng bị bỏ hoang nhiều năm khiến công trình xuống cấp. TP mỗi năm phải chi hàng chục tỉ đồng để bảo trì.

Một dự án TĐC khác ở huyện Bình Chánh cũng chung cảnh ngộ là khu TĐC Vĩnh Lộc B. Dự án được xây dựng với tổng kinh phí 1.000 tỉ đồng, hoàn thiện vào năm 2013. Hiện khu TĐC này có 22 block chung cư bỏ trống, tổng số căn hộ chưa bố trí là gần 1.500 căn. Sau nhiều năm không có người ở, khu TĐC Vĩnh Lộc B không được tu sửa, tình trạng xuống cấp, hoang hóa.

Nhiều dự án TĐC đang xây dựng theo cơ chế xin - cho, chưa bám sát yêu cầu thực tế sử dụng của người dân, chất lượng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đảm bảo nên người dân không ở, bỏ hoang là dễ hiểu. Do đó, khi chuyển đổi nhà TĐC sang NƠXH cũng phải cải tạo, đáp ứng điều kiện hạ tầng, tiện ích thì người dân mới lựa chọn.

TS HUỲNH PHƯỚC NGHĨA,
chuyên gia kinh tế

Để tránh lãng phí đầu tư, nguồn cung nhà ở, nhiều ý kiến của chuyên gia đề xuất cần có chính sách chuyển đổi những dự án TĐC bỏ hoang, không có người ở thành NƠXH.

TS Nguyễn Hoàng, chuyên gia bất động sản, cho rằng trong lúc nguồn cung nhà vừa túi tiền khan hiếm, việc để không hàng ngàn căn hộ như trên rất lãng phí, đặc biệt tại những vị trí “vàng” ở TP.HCM.

Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng, việc chuyển đổi nhà TĐC bỏ hoang sang NƠXH có hiệu quả tốt là vừa tạo được nguồn cung nhà ở cho người dân, vừa giảm chi phí bảo dưỡng dự án hằng năm.

Chuyên gia Nguyễn Hoàng cho rằng TP.HCM có thể xem xét điều chỉnh nhà TĐC cải tạo thành NƠXH, nhà thuê mua, nhà cho cán bộ công nhân viên chức nhà nước hoặc nhà ở thương mại vừa túi tiền, bán cho người có nhu cầu.

Xem xét tính khả thi từng dự án

TS Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia kinh tế, đánh giá phương án chuyển đổi những dự án TĐC không hiệu quả, bỏ hoang tại các TP lớn như TP.HCM sang NƠXH là hoàn toàn khả thi.

Ví dụ, với khu TĐC tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), TS Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng nên được thẩm định, có thể giao cho một doanh nghiệp có vốn nhà nước đứng ra cải tạo thành NƠXH, làm cuốn chiếu theo lô và bán lẻ cho người dân với cơ chế lãi suất dành cho NƠXH.

Các dự án nhà tái định cư đem đấu giá đều là những tài sản công bị tồn đọng, không có người mua nên chuyển đổi sẽ không gặp trở ngại.

Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế, chính sách chuyển đổi từng trường hợp nhà TĐC sang NƠXH như dự án đã hoàn thiện nhưng không có người ở, hay dự án TĐC đang triển khai xây dựng… Quan trọng hơn cả, việc chuyển đổi phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, đồng thời bảo đảm khả năng đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực dự án.

Đồng tình, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết phương án chuyển đổi hoàn toàn có thể thực hiện được với sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Các dự án nhà TĐC đem đấu giá đều là những tài sản công bị tồn đọng, không có người mua nên chuyển đổi sẽ không gặp trở ngại.

Đối với dự án TĐC đã hoàn thiện thì thủ tục chuyển đổi sẽ thuận lợi hơn do chỉ cần điều chỉnh đúng quy hoạch, điều chỉnh quyền sử dụng đất của dự án đó. Trong khi đó, với dự án đang dang dở thì sẽ phải chuyển đổi cả các thủ tục pháp lý.

Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng nhận định việc chuyển đổi các dự án nhà đã xây sẵn thành NƠXH là giải pháp hợp lý. Tuy nhiên, cần phải tăng thêm dịch vụ, tiện ích trong các dự án TĐC để thu hút người dân về ở vì có những chung cư TĐC không có thang máy, hạ tầng nội khu chất lượng kém. Ngoài ra, tăng cường kết nối giao thông, các dịch vụ chuyên chở công cộng bởi các dự án này thường ở quá xa. Ngoài ra, cần giữ lại một số nhà đất để làm quỹ nhà tạm cư cho các dự án cấp bách, đề phòng trường hợp thiên tai địch họa.

TP.HCM có hơn 9.000 căn hộ tái định cư bỏ không

Hiện TP.HCM có 9.434 căn hộ và hơn 2.500 nền đất TĐC để trống tại 163 dự án. Trong đó, một số được quản lý để chờ bán đấu giá (gần 4.800 căn hộ), số khác (hơn 2.000 căn hộ) chờ bố trí TĐC cho các dự án trong tương lai. Mỗi năm TP phải chi hơn 70 tỉ đồng phục vụ công tác vận hành, bảo quản, duy tu nhà TĐC.

TP Hà Nội cũng hiện có tới chín dự án nhà TĐC với khoảng 4.000 căn chung cư bỏ hoang. Riêng quận Hoàng Mai đã có bốn dự án, tổng số tiền ngân sách cho xây dựng đã gần 2.000 tỉ đồng, trong đó dự án được đầu tư nhiều nhất là gần 800 tỉ đồng. Ngoài ra, nhiều dự án TĐC dù có người dân về ở, tổng diện tích tầng 1 của các dự án lên đến hàng chục ngàn mét vuông vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm