Đại sứ quán VN được cấp giấy khai sinh
. Từ năm 2005 đến 2008, bà A xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Sau đó bà về nước đăng ký kết hôn tại UBND phường và trở qua Hàn Quốc sinh con. Nay bà A đến Đại sứ quán VN tại Hàn Quốc đăng ký khai sinh cho con thì bị từ chối với lý do giấy chứng nhận kết hôn của phường không hợp pháp. Việc từ chối này có đúng hay không?
+ Không. Theo điểm a Mục I Chương II Thông tư liên tịch số 11 ngày 31-12-2008 của Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao (về đăng ký và quản lý hộ tịch tại các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của VN ở nước ngoài), cơ quan đại diện VN ở nước mà trẻ em sinh ra hoặc ở nước mà cha, mẹ của trẻ em là công dân VN cư trú thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ.
Trong trường hợp này, Đại sứ quán VN tại Hàn Quốc có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con của bà A. Nếu nghi ngờ về tính pháp lý giấy chứng nhận kết hôn của bà A thì cơ quan này có thể xác minh thông tin tại UBND phường nơi bà A đăng ký kết hôn chứ không thể từ chối đăng ký khai sinh cho con của bà A.
. Trước đây, khi đăng ký khai sinh cho con, ông C khai dân tộc của con theo cha. Nay ông C có thể điều chỉnh dân tộc của con theo mẹ được không?
+ Được. Khoản 3 Điều 36 Nghị định 158 ngày 27-12-2005 của Chính phủ (về đăng ký và quản lý hộ tịch) cho phép người dân xác định lại dân tộc của người con theo dân tộc của người cha hoặc dân tộc của người mẹ. Ông C có thể liên hệ cơ quan đã đăng ký khai sinh cho con để được hướng dẫn thủ tục xác định lại dân tộc cho con.
. Một bạn đọc đang định cư ở nước ngoài muốn trích lục khai sinh nhưng địa phương không còn lưu giữ sổ bộ. Vậy ông ấy có được đăng ký lại khai sinh và có thể ủy quyền cho em ruột ở trong nước làm thủ tục hay không?
+ Việc sinh của công dân VN định cư ở nước ngoài đã đăng ký tại VN nhưng bản chính giấy tờ hộ tịch và sổ đăng ký hộ tịch đã bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được thì được đăng ký lại. Sở Tư pháp mà trong địa hạt tỉnh (TP) đó trước đây đương sự đã đăng ký việc sinh thực hiện việc đăng ký lại.
Người dân đang làm thủ tục hộ tịch tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: KP
Theo khoản 1 Điều 59 Nghị định 158, người đi đăng ký lại việc sinh phải nộp tờ khai theo mẫu. Trường hợp việc sinh trước đây đăng ký tại UBND cấp xã thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi đã đăng ký việc sinh về việc đã đăng ký; trừ trường hợp đương sự xuất trình được bản sao giấy tờ hộ tịch đã cấp hợp lệ trước đây. Do là em ruột của người đăng ký lại khai sinh nên người này có thể liên hệ với cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục cấp giấy khai sinh lại cho anh mình mà không cần phải có giấy ủy quyền.
Xác nhận tình trạng hôn nhân của người nước ngoài
. Bà B đang làm thủ tục đăng ký kết hôn với một công dân Trung Quốc. Ông này được phía Trung Quốc xác nhận tình trạng hôn nhân từ năm 22 tuổi đến nay (theo pháp luật nước này, tuổi kết hôn của nam là 22) nhưng Sở Tư pháp nơi bà B đăng ký kết hôn yêu cầu ông phải được xác nhận tình trạng hôn nhân từ năm 20 tuổi. Yêu cầu này có đúng không?
+ Theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 68 ngày 10-7-2002 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài), trong việc kết hôn giữa công dân VN với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; người nước ngoài còn phải tuân theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình của VN về điều kiện kết hôn và các trường hợp cấm kết hôn, nếu việc kết hôn được tiến hành trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền của VN.
Đáng lưu ý, khoản 1 Điều 9 luật trên quy định nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn. Do hai người đó đăng ký kết hôn ở VN nên việc Sở Tư pháp nơi đăng ký kết hôn yêu cầu người nam phải có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân từ năm 20 tuổi đến nay là đúng theo pháp luật VN.
. Xin cảm ơn ông.
KIM PHỤNG ghi