Dự định của anh vừa được hoàn thành trong mùa dịch COVID-19.
Người cắt tóc cực chảnh
Ở Hà Nội, nhắc đến anh Phạm Ngọc Thanh và salon tóc mang tên Monaco, rất nhiều chị em biết đến. Mặc dù giá của việc làm đẹp cho mái đầu chị em không hề rẻ tí nào.
Nhưng “đắt xắt ra miếng”, rất nhiều khách hàng phải đặt lịch từ rất lâu, kiên nhẫn chờ cả tiếng đồng hồ để được ông chủ Monaco chạm tới.
Ngoài tài năng, anh Thanh còn có một nguyên tắc làm việc được nhiều người rỉ tai nhau: Rất chảnh. Theo đó, một ngày ông chủ chỉ nhận cắt tóc cho sáu khách hàng.
“Ai trả giá cao đến thế nào tôi cũng không cắt thêm” - anh Thanh nói.
Công việc thường ngày của anh Thanh, trước khi Hà Nội áp dụng cách ly xã hội. Ảnh: V.THỊNH
Giải thích về nguyên tắc làm việc cứng nhắc này của mình, ông chủ của Monaco cho hay: “Công việc của tôi cũng cần sự sáng tạo. Mà sáng tạo thì phải có thời gian. Hơn nữa cũng phải để bàn tay và cơ thể nghỉ ngơi. Đó cũng là thái độ làm việc nghiêm túc trong nghề nghiệp của tôi”.
Nói về duyên nghiệp với nghề, anh Thanh cho biết anh đam mê cắt tóc từ khi còn rất nhỏ, nay anh đã có 20 năm kinh nghiệm trong nghề.
Người đàn ông 34 tuổi cho biết khi còn là học sinh cấp 3 anh đã có kế hoạch cho cuộc đời mình. Không giống như các bạn cùng trang lứa đặt mục tiêu bước chân vào cổng trường đại học, anh Thanh quyết định sẽ theo đuổi đam mê cắt tóc.
Không đủ tiền sắm những dụng cụ để rèn nghề, anh Thanh tận dụng chiếc cột ở lan can nhà thay cho đầu ma nơ canh, tóc được anh xé những miếng nylon nhỏ bện lại để luyện tập. Thậm chí có lúc anh còn tận dụng cả lông gà, lông vịt vào mục đích rèn kéo.
Khi đang còn đi học, tan học cậu học sinh Phạm Ngọc Thanh lại cầm tấm biển ghi “Cắt tóc NT” treo ở vỉa hè để hành nghề. “NT vừa là viết tắt của tên tôi cũng vừa là hàm ý chỉ nghệ thuật” - anh giải thích.
Ước mơ từ những số phận
Khởi nghiệp từ một người cắt tóc vỉa hè, đến nay Phạm Ngọc Thanh đã là một cây kéo, nói theo cách nói vui của những khách quen là “có số má ở Hà Thành”.
Khách đông, thu nhập “khủng” (khoảng 50 triệu/tháng) so với mặt bằng chung của xã hội, anh Thanh tâm sự: Có thời điểm tôi chỉ mặc quần áo hàng hiệu, sinh nhật thì rất siêu to khổng lồ. Nhưng rồi một hình ảnh anh bắt gặp trên đường vào một ngày giá lạnh của Hà Nội đã làm thay đổi suy nghĩ của chàng trai Hà Thành.
“Đó là một buổi tối Hà Nội rất lạnh, tôi đi về và gặp một người mẹ bế con nhỏ ngồi rúm ró trên vỉa hè, đứa bé mặt tái đi vì lạnh. Không chần chừ, tôi cởi ngay chiếc áo hàng hiệu đang mặc của mình trên người đắp vào cho cháu” - anh kể lại.
Hình ảnh đứa bé ngủ ngoài đường đã thúc đẩy ước mơ của ông chủ salon tóc. Ảnh: NGỌC THANH
Hình ảnh đứa bé tím tái trên tay mẹ ngày lạnh ghim sâu vào trong trí nhớ của anh Thanh. “Một hình ảnh thật sự ám ảnh tôi” - anh nói. Tiếp đến, từng câu chuyện, từng con người vạ vật trên phố càng nối dài, bồi đắp cho ước mơ xây một ngôi nhà chung cho những đứa trẻ có một chỗ ấm áp, được ăn ngủ, được học hành.
Cũng từ đó, anh không bao giờ mua đồ hiệu cho mình, tổ chức sinh nhật một cách giản tiện và tích góp tiền hằng tháng.
Khi đã chuẩn bị sẵn về kinh tế, anh Thanh mua một mảnh đất, thuê một đơn vị thi công, lấy ý kiến khách hàng về tên ngôi nhà… và cuối cùng, ngôi nhà mang tên: Monaco home: Nhà của chúng mình chính thức có mặt ở Hà Nội.
“Cũng có người khi biết việc tôi làm gọi tôi là hâm đấy chứ. Có người khi có tiền tỉ trong tay họ có thể mua nhà, mua ô tô xịn, còn tôi, tôi mua mảnh đất để xây ước mơ của mình và của người khác cũng là một lựa chọn cá nhân” - anh tâm sự.
Ngôi nhà nằm trong một phố nhỏ, ngõ nhỏ của Hà Nội. Ảnh: V.THỊNH
Ngôi nhà được xây trên diện tích 30 m với năm tầng, với sức chứa khoảng 15 người. Ngoài việc lo chỗ ở cho mọi người, anh cũng dự định sẽ lo cho từng ấy con người mỗi ngày một bữa cơm tối.
“Tôi xác định không chỉ làm cho vui mà phải là một kế hoạch lâu dài. Để làm được điều đó, tôi cũng đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của mọi người. Mỗi một khách quen là một bao xi măng. Mỗi một khách mới là một viên gạch để xây nên ngôi nhà của chúng mình” - anh Thanh bày tỏ.
Cũng theo anh Thanh, mọi công đoạn để Monaco Home đón những cư dân đầu tiên vào ở về cơ bản đã hoàn thành. Nhưng phải để khi dịch COVID-19 kết thúc, ngôi nhà mới chính thức được khai trương.